Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
Từ khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, Tổng thống Donald Trump đã thực hiện nhiều thay đổi chính sách đáng chú ý, có ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ và thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đề xuất chính sách quan trọng mà ông và cố vấn cấp cao đã thảo luận trong chiến dịch tranh cử nhưng chưa triển khai. Dưới đây là một số lĩnh vực chính sách mà Tổng thống Trump có thể tập trung trong thời gian tới.
Thứ nhất, giải thể Bộ Giáo dục: Một trong những đề xuất gây tranh cãi nhất của Tổng thống Trump là giải thể Bộ Giáo dục, một cơ quan được thành lập từ năm 1980 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter. Phe cánh hữu từ lâu đã coi Bộ Giáo dục là biểu tượng của sự can thiệp quá mức của chính phủ liên bang vào giáo dục. Các phụ tá của Tổng thống Trump đã chuẩn bị một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế hoạt động của bộ này, thậm chí có thể dẫn đến việc đóng cửa hoàn toàn.
Tuy nhiên, việc đóng cửa Bộ Giáo dục không hề đơn giản. Bộ này quản lý hàng tỷ USD chi tiêu được Quốc hội phê duyệt, bao gồm các chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên và trường học. Việc giải thể bộ này sẽ đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà Trắng và Quốc hội, điều mà hiện tại vẫn chưa rõ ràng.
Thứ hai, thắt chặt các hạn chế đối với thuốc phá thai: Vấn đề phá thai luôn là một chủ đề nóng trong chính trị Mỹ. Tổng thống Trump đã nhiều lần thay đổi quan điểm về vấn đề này. Trong khi đó, Dự án 2025, một kế hoạch chính sách được Quỹ Heritage và các nhóm cực hữu ủng hộ, đề xuất nhiều biện pháp thắt chặt hơn nữa đối với thuốc phá thai.
Cụ thể, dự án này kêu gọi thu hồi sự chấp thuận của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đối với thuốc phá thai, đồng thời áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn về việc phân phối và sử dụng các loại thuốc này. Ngoài ra, dự án còn đề xuất sử dụng Đạo luật Comstock năm 1873 để ngăn chặn việc gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện.
Thứ ba, thêm thuế quan và cắt giảm thuế: Trong lĩnh vực kinh tế, Tổng thống Trump tiếp tục ủng hộ chính sách thuế quan và cắt giảm thuế. Ông đã áp thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc và đề xuất "Đạo luật thương mại có đi có lại" nhằm đảo ngược thâm hụt thương mại và thúc đẩy sản xuất trong nước. Ngày 10/2, Tổng thống Trump thông báo nước này sẽ áp mức thuế 25% đối với các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu, đồng thời công bố thuế nhập khẩu đối ứng sớm nhất là vào ngày 11/2, có hiệu lực tức thời.
Thứ tư, hủy bỏ luật lao động liên bang: Dự án 2025 cũng đề xuất hủy bỏ nhiều quy định lao động của chính quyền Biden tiền nhiệm, vốn bao gồm việc mở rộng tiêu chuẩn hưởng lương làm thêm giờ và các biện pháp bảo vệ người lao động. Các đề xuất mới nhằm giảm bớt gánh nặng quy định đối với doanh nghiệp, nhưng cũng làm dấy lên lo ngại về quyền lợi của người lao động.
Thứ năm, kết thúc xung đột ở Ukraine và Israel: Trong lĩnh vực đối ngoại, Tổng thống Trump đã nhiều lần nhấn mạnh rằng ông sẽ nhanh chóng giải quyết cuộc chiến ở Ukraine và xung đột giữa Israel và Hamas.
Chính quyền Biden, với sự tham gia của nhóm chuyển giao của ông Trump, đã đàm phán lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Nhưng không có thỏa thuận hòa bình lâu dài nào được đưa ra, và Tổng thống Trump đã làm phức tạp vấn đề với quan điểm của mình về việc Mỹ tiếp quản Gaza.
Về xung đột ở Ukraine, ông Trump đề xuất châu Âu đảm nhiệm chi phí hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đề nghị Ukraine cung cấp quyền tiếp cận khoáng sản đất hiếm như một phần của thỏa thuận tiếp tục viện trợ.
Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo yahoo.com/AP)