Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/10: Giá nhà đất tại các đô thị lớn tiếp tục tăng cao

Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 31/10: Giá nhà đất tại các đô thị lớn tiếp tục tăng cao
4 giờ trướcBài gốc
Giá bất động sản tiếp tục tăng cao
Ngày 30/10, Bộ Xây dựng đã công bố báo cáo về thị trường bất động sản quý III/2024, cho thấy giá bất động sản tại nhiều đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá căn hộ chung cư tăng từ 4-6% theo quý và từ 22-25% theo năm, với một số khu vực ghi nhận mức tăng cục bộ lên đến 35-40%.
Giá bất động sản ở các đô thị lớn vẫn tăng cao/Ảnh minh họa
Bộ Xây dựng chỉ ra bốn nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng giá này. Thứ nhất, biến động tăng của chi phí liên quan đến đất đai, bao gồm việc áp dụng bảng giá đất mới và hiện tượng đấu giá quyền sử dụng đất cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Thứ hai, tình trạng "tạo giá ảo" do giới đầu cơ và môi giới thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến thao túng thị trường và giảm tính minh bạch.
Nguyên nhân thứ ba là sự thiếu hụt nguồn cung bất động sản, đặc biệt đối với các đối tượng thu nhập thấp, do khó khăn trong thủ tục pháp lý và nguồn vốn. Cuối cùng, biến động kinh tế liên quan đến thị trường chứng khoán và trái phiếu đã khiến nhà đầu tư chuyển dịch dòng tiền sang bất động sản như một kênh đầu tư an toàn.
Bộ Xây dựng khuyến nghị các cơ quan liên quan cần nghiêm túc xử lý vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất, đồng thời đẩy mạnh thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường.
Hà Nam tháo gỡ vướng mắc hai bệnh viện nghìn tỷ
Mới đây, UBND tỉnh Hà Nam cho biết, song song với phát triển hạ tầng giao thông, vấn đề “đắp chiếu” của hai bệnh viện nghìn tỷ Bạch Mai và Hữu nghị Việt Đức cũng đang được gấp rút giải quyết. Cả hai dự án này được khởi công từ tháng 5/2015 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa thể hoạt động. Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai có quy mô 1.000 giường và tổng mức đầu tư 4.990 tỷ đồng, trong khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng có quy mô tương tự với mức đầu tư 4.968 tỷ đồng.
Mặc dù một số hạng mục như khu khám bệnh đã hoàn thành vào năm 2018, nhưng chỉ có Bệnh viện Bạch Mai tạm thời đưa vào sử dụng từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, còn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.
Gần đây, Bộ Y tế đã thể hiện quyết tâm lớn trong việc đưa hai bệnh viện vào hoạt động. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã rà soát các vấn đề pháp lý và kỹ thuật, đồng thời làm việc với các nhà thầu để đưa ra phương án xử lý và báo cáo Lãnh đạo Chính phủ nhằm tiếp tục triển khai đúng tiến độ.
Tình trạng hai bệnh viện bị bỏ hoang đã gây lãng phí lớn nguồn lực và được đưa ra bàn luận tại phiên thảo luận Kinh tế - Xã hội Quốc hội ngày 26/10. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ đây là một ví dụ điển hình của lãng phí, yêu cầu sớm khắc phục tình trạng này.
Khi hai bệnh viện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai đi vào hoạt động, hệ thống y tế của Hà Nam sẽ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao của người dân. Ngoài ra, UBND tỉnh Hà Nam cũng đang triển khai các dự án khác như Dự án Bệnh viện Lão khoa Trung ương cơ sở 2 và mở rộng hoạt động của phòng khám chăm sóc sức khỏe gia đình Sun Family Clinic, góp phần thúc đẩy phát triển y tế tại địa phương.
Giao dịch đất nền bất ngờ giảm trong quý III
Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Xây dựng, trong quý III năm 2024, số giao dịch đất nền trên toàn quốc đã giảm mạnh, chỉ đạt 102.966 giao dịch, giảm 17,6% so với quý II (124.991 giao dịch) nhưng vẫn tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa
Báo cáo cũng cho biết, trong quý này, có 7 dự án hoàn thành với quy mô khoảng 236 ô/nền, đạt 35% so với quý trước và 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. Đồng thời, 528 dự án đang được triển khai xây dựng với tổng quy mô khoảng 65.321 ô/nền, tăng 107% so với quý II và 235,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài ra, có 24 dự án mới được cấp phép với quy mô khoảng 5.456 ô/nền, tăng 150% so với quý II và 104,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, tình hình tồn kho bất động sản tiếp tục gia tăng. Tổng lượng tồn kho trong quý III lên đến khoảng 25.937 căn, nền, trong đó có 4.688 căn chung cư, 12.250 căn nhà ở riêng lẻ và 8.999 nền đất.
Điều này cho thấy thị trường bất động sản vẫn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong phân khúc đất nền. Các chuyên gia nhận định cần có những biện pháp hỗ trợ kịp thời để thúc đẩy giao dịch và giảm bớt tồn kho trong thời gian tới.
Đắk Lắk quy định mới về tách thửa, hợp thửa đất ở
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Quyết định 41/2024, quy định hạn mức một số loại đất; giấy tờ khác về quyền sử dụng đất có trước ngày 15/10/1993; điều kiện, diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh.
Theo quy định mới, việc tách thửa đất phải đáp ứng các điều kiện như thửa đất sau khi tách phải có ít nhất một cạnh tiếp giáp với đường giao thông hoặc kênh có bờ kết hợp làm đường giao thông; không thuộc diện bị thu hồi đất; phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được phê duyệt.
Đối với đất ở, diện tích tối thiểu để tách thửa tại xã là 60m², với cạnh tiếp giáp đường giao thông tối thiểu 4m và chiều sâu tối thiểu 6m. Tại phường, thị trấn, diện tích tối thiểu là 40m², với cạnh tiếp giáp tối thiểu 3m và chiều sâu tối thiểu 4m.
Quy định cũng nêu rõ, diện tích tối thiểu không bao gồm phần đất thuộc hành lang bảo vệ, khu vực bảo vệ, vành đai an toàn công trình.
Đối với đất thương mại, dịch vụ, và đất sản xuất phi nông nghiệp, việc tách thửa chỉ được phép khi dự án đầu tư được chia, tách theo quy định pháp luật.
Đối với đất nông nghiệp, diện tích tối thiểu sau khi tách thửa là 3.000m² cho đất lâm nghiệp và 1.000m² cho các loại đất nông nghiệp khác tại xã, 500m² tại phường, thị trấn.
Về việc hợp thửa đất, các thửa đất liền kề đáp ứng điều kiện của Luật Đất đai 2024 sẽ được phép hợp thửa. Nếu các thửa đất có thời hạn sử dụng khác nhau, người sử dụng có thể chọn thời hạn ngắn nhất mà không cần điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/11/2024. Trong quá trình thực thi quyết định, nếu có vướng mắc, phát sinh, UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị các đơn vị báo qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp cho UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Chính phủ đề xuất tiếp tục hợp đồng BT để phát triển hạ tầng
Ngày 30/10, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Luật Đấu thầu. Tờ trình do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc sửa đổi này nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời đẩy mạnh phân cấp và phân quyền trong lĩnh vực quy hoạch và đầu tư.
Ảnh minh họa
Điểm nổi bật trong dự thảo là đề xuất tiếp tục áp dụng hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao) trong Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh rằng, dự thảo quy định tiếp tục sử dụng hợp đồng BT với hai hình thức thanh toán: bằng tiền và bằng quỹ đất, nhằm đổi mới cách thức thực hiện và thanh toán cho nhà đầu tư, đồng thời khắc phục những bất cập đã xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng này.
Dự thảo luật cũng quy định rõ ràng về tổng mức đầu tư, yêu cầu tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, và cần xác định cụ thể, minh bạch cơ chế thanh toán ngay từ giai đoạn lập dự án. Đáng chú ý, một loại hợp đồng BT mới không yêu cầu thanh toán cũng được bổ sung, áp dụng cho các công trình kết cấu hạ tầng do nhà đầu tư tự đề xuất và xây dựng.
Chính phủ cho rằng, so với đầu tư công, hợp đồng BT có nhiều lợi thế như thu hút nguồn vốn từ khu vực tư nhân, giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa công trình vào khai thác sớm hơn. Gần đây, một số địa phương như Hà Nội, TP HCM và Nghệ An đã được cho phép thí điểm áp dụng loại hợp đồng này, cho thấy sự cần thiết phải mở rộng áp dụng để tận dụng lợi ích của hợp đồng BT.
Tuy nhiên, trong thẩm tra nội dung, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, các quy định về hợp đồng BT vẫn chưa được tổng kết và đánh giá tác động đầy đủ. Ông nhấn mạnh rằng cần có thêm thời gian kiểm nghiệm để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của các quy định này, đồng thời đề nghị Chính phủ hướng dẫn chi tiết về cơ chế và trình tự thực hiện.
Trước đó, vào năm 2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức PPP, trong đó đã bỏ hình thức hợp đồng BT. Việc "hồi sinh" hợp đồng này đang được xem xét kỹ lưỡng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hạ tầng tại Việt Nam.
Huy Tùng (T/h)
Nguồn PetroTimes : https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/diem-tin-xay-dung-bat-dong-san-ngay-3110-gia-nha-dat-tai-cac-do-thi-lon-tiep-tuc-tang-cao-719910.html