Điểm tựa cho ngư dân bám biển

Điểm tựa cho ngư dân bám biển
21 giờ trướcBài gốc
“Rừng vàng, biển bạc
Việt Nam có diện tích vùng biển rộng với nhiều đảo, điểm đảo, vì vậy tiềm năng kinh tế biển là rất lớn. Biển Việt Nam có trữ lượng hải sản vô cùng lớn và phong phú mà ngư dân ta đã khai thác qua nhiều đời nay.
Ông Trà Văn Lợi, ngư dân huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận chia sẻ: “Với hơn 25 năm đi biển, tôi thấy đất nước mình có biển rất rộng nên tôm, cá và các loại hải sản nhiều vô kể. Đặc biệt, các vùng biển xa xôi khu vực đảo Hoàng Sa, Trường Sa lại càng nhiều hơn nữa”.
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ của các tàu thuyền chuẩn bị cho chuyến vươn khơi dài ngày
Tàu cá của ông Cao Văn Lên trong chuyến vươn khơi ra vùng biển Trường Sa đánh bắt hải sản
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển đảo Phú Quý, anh Cao Văn Lên đã quen với những chuyến ra khơi hàng tháng mới trở về đất liền. Đánh bắt hải sản là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình anh, cũng như nhiều lao động khác quanh vùng. Ngoài ra, nghề đánh bắt xa bờ với những ngư dân như anh còn tự hào là công việc gắn liền với bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Lên chia sẻ: “Những ngư dân huyện đảo Phú Quý rất tự hào khi đất nước mình có vùng biển đảo nhiều hải sản để người dân đánh bắt. Biển chính là nguồn sống của ngư dân. Chúng tôi thường xuyên vươn khơi, bám biển, vừa làm kinh tế vừa để khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước mình”.
Điển tựa giữa trùng khơi
Những chuyến vươn khơi xa bờ luôn mang đến nhiều niềm vui khi tôm, cá đầy khoang, nhưng cũng không ít nguy hiểm, rủi ro bởi phong ba, bão táp. Hiện nay, tại các xã đảo, điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã xây dựng các âu tàu, sẵn sàng cho các tàu của ngư dân trú ẩn an toàn mỗi khi giông bão, sửa chữa tàu thuyền hư hỏng hay gặp vấn đề về sức khỏe cần giúp đỡ. Bên cạnh đó, âu tàu tại các đảo còn là dịch vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân nơi đất liền.
Ông Lê Anh Thu, ngư dân huyện đảo Phú Quý cho biết: “Mỗi chuyến đánh bắt xa bờ đến khu vực đảo Trường Sa chúng tôi đi hàng tháng mới về nhà. Trong quá trình đó cũng gặp nhiều rủi ro như bão, hết nước ngọt, lương thực, xăng dầu, tàu cá hỏng, thậm chí là ốm đau, bệnh tật… Những lúc như vậy, chúng tôi thường ghé vào các âu tàu để trú bão và nhận sự hỗ trợ của quân, dân trên đảo. Vào đây, chúng tôi còn được bộ đội hải quân giúp đỡ rất nhiệt tình, từ đó yên tâm vươn khơi, bám biển”.
Đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ tiếp dầu cho tàu đánh cá của ngư dân Trà Văn Lợi
Chia sẻ với những khó khăn của ngư dân, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Đằng sau sự bình yên của những chuyến tàu đầy khoang tôm, cá là những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Họ luôn sẵn sàng hỗ trợ ngư dân ứng phó với mọi tình huống, bảo vệ tính mạng và tài sản của ngư dân, giữ vững chủ quyền biển đảo.
Hằng năm, âu tàu và dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây hướng dẫn hàng trăm lượt tàu thuyền ra vào âu tàu, đảm bảo an toàn cho bà con ngư dân; sữa chữa hàng chục lượt phương tiện bị hỏng hóc, cung cấp hàng ngàn mét khối nước ngọt cho nhân dân phục vụ sinh hoạt. Đồng thời hướng dẫn hàng trăm lượt người lên bệnh xá của đảo khám chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho ngư dân đất liền ra đánh bắt hải sản. Trung tá Bùi Thái Hà, Đội trưởng Đội dịch vụ âu tàu Song Tử Tây, Hải đoàn 128, Hải quân Việt Nam cho hay: “Khi được vào âu tàu, chúng tôi sẽ cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm miễn phí, đảm bảo nơi ăn, chốn ở cho ngư dân. Đồng thời chúng tôi sửa chữa miễn phí tàu thuyền khi bị hỏng hóc, cung ứng các dịch vụ về dầu nhớt... Trong bất cứ hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy, anh em chúng tôi cũng luôn tạo điều kiện tốt nhất cho ngư dân vươn khơi, bám biển theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước - nơi nào có ngư dân, nơi đó có Tổ quốc”.
Đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ mì gói cho ngư dân Trà Văn Lợi
Đội dịch vụ hậu cần nghề cá âu tàu Song Tử Tây hỗ trợ sửa chữa một số thiết bị hỏng hóc trên tàu đánh cá của ngư dân
Âu tàu Song Tử Tây - điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển
Giữa muôn trùng sóng gió, biển là quê hương, đảo chính là nhà, là một phần lãnh thổ của quốc gia không thể tách rời. Biển, đảo Trường Sa không chỉ là điểm tựa vững chắc để ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản mà còn khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Văn Đoàn
Nguồn Bình Phước : https://baobinhphuoc.com.vn/news/383/171078/diem-tua-cho-ngu-dan-bam-bien