'Điểm tựa' của người lao động tự do khi về già

'Điểm tựa' của người lao động tự do khi về già
2 giờ trướcBài gốc
Là lao động tự do, trước đây, chị Quách Thị Thoa ở khu Sào, thị trấn Bo (Kim Bôi) chưa hiểu chính xác, đầy đủ thông tin về bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, thậm chí còn nhầm tưởng loại hình bảo hiểm này với các loại hình bảo hiểm nhân thọ. Bởi vậy chị chưa có ý định tham gia. Thế nhưng giờ đây, suy nghĩ của chị đã khác.
Chị Thoa chia sẻ: "Trước đây tôi nghĩ rằng chỉ cần tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) để được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh là đủ. Sau khi được cán bộ BHXH của địa phương tuyên truyền về quyền lợi, mức hưởng, mức đóng, phương thức đóng… tôi nhận thấy loại hình BHXH tự nguyện là "của để dành” đối với những người lao động tự do, bởi được thụ hưởng không ít quyền lợi thiết thực. Nhất là khi về già, suy giảm khả năng lao động, tôi sẽ có một khoản lương hưu hàng tháng, giúp cuộc sống ở tuổi xế chiều an nhàn hơn; được cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động; người thân được nhận chế độ tử tuất khi người tham gia không may qua đời… Hơn nữa, có các mức đóng và phương thức đóng để mỗi người lựa chọn phù hợp với điều kiện của bản thân. Khi hiểu đúng, đủ về BHXH tự nguyện tôi đã tham gia”.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tuyên truyền về chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân trên địa bàn TP Hòa Bình.
BHXH, BHYT là hai chính sách trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Trong đó, BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. BHXH tự nguyện cũng là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình, Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí, tử tuất. Với người lao động tự do, người dân ở khu vực nông thôn, BHXH tự nguyện thực sự là "cứu cánh”, góp phần giúp giảm bớt khó khăn khi về già hoặc không còn sức lao động. Đồng thời, còn là sự chủ động, tích cực của người lao động tự do về việc tự an sinh cho chính bản thân.
Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ: hưu trí, tử tuất. Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng: trợ cấp thai sản, hưu trí, tử tuất, bảo hiểm tai nạn lao động. Như vậy, Luật BHXH năm 2024 đã bổ sung thêm 2 chế độ là trợ cấp thai sản và bảo hiểm tai nạn lao động cho người tham gia BHXH tự nguyện. Các chế độ, chính sách về BHXH không ngừng được bổ sung, hoàn thiện đã mở rộng quyền lợi, tăng sức hấp dẫn để thu hút ngày càng nhiều người lao động tự do tham gia, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, đến hết tháng 8, toàn tỉnh có 81.815 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 962 người so với tháng 7), 13.548 người tham gia BHXH tự nguyện (tăng 277 người so với tháng 7). Xác định công tác truyền thông có vai trò quan trọng trong phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, bởi vậy thời gian qua, BHXH tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông. Riêng trong tháng 8 tổ chức 38 hội nghị truyền thông với gần 2.000 người tham dự; thường xuyên đăng tải bài viết trên các phương tiện truyền thông và Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh; truyền thông 1.330 lượt thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; phát trên 3.500 tờ rơi, tờ gấp; tổ chức nhiều nhóm nhỏ tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT trực tiếp tại các khu dân cư, hộ kinh doanh, chợ đầu mối… trên địa bàn.
BHXH tự nguyện có giá trị nhân văn, ưu việt và đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tham gia. Không chỉ được thụ hưởng nhiều quyền lợi, chế độ mà thủ tục đăng ký, hình thức đóng BHXH tự nguyện cũng thuận tiện, nhanh chóng, thuận lợi cho người tham gia. Có thể nói, loại hình bảo hiểm này chính là "điểm tựa”, "cứu cánh” cho người lao động tự do khi về già.
Linh Nhật
Nguồn Hòa Bình : http://www.baohoabinh.com.vn/307/194396/diem-tua-cua-nguoi-lao-dong-tu-do-khi-ve-gia.htm