Chiến công thầm lặng
Nhìn những cơn sóng lớn xô vào ghềnh đá, Đại úy Hồ Bá Dũng, Thuyền trưởng tàu CSB 6001, Hải đội 211, Hải đoàn 21, Vùng CSB 2 trầm tư bảo: "Từ cuối tháng 5 đến tháng 10 là giai đoạn có tỷ lệ các tàu bị nạn cao nhất vì mưa, bão. Chính vì vậy, cán bộ, chiến sĩ Tàu CSB 6001 luôn phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc chấp hành và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn để cứu tính mạng và tài sản của ngư dân khi có lệnh".
Tàu CSB 6001 là một trong những tàu đã thực hiện cứu hộ, cứu nạn thành công nhiều ngư dân bị nạn trên biển. Điển hình như: Lúc 22 giờ 45 phút ngày 9-6-2023, sau khi nhận được tin tàu cá BTh 98539 TS gặp nạn ở phía Đông Nam huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, cách tàu 46 hải lý về hướng Tây Nam, tàu đã nhanh chóng tăng tốc cơ động đến vị trí tàu cá bị nạn, đồng thời thông báo trên kênh 16 VHF về tình huống cứu nạn, đề nghị các tàu hoạt động, đi qua khu vực phối hợp hỗ trợ tìm kiếm, kịp thời cứu nạn 5 ngư dân, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, dù thời điểm tìm kiếm lúc giữa đêm, tầm nhìn rất hạn chế.
Cảnh sát biển Việt Nam cứu hộ ngư dân gặp nạn trên biển.
Công tác cứu hộ, cứu nạn thường vào những thời điểm sóng to, gió lớn, nhưng hễ có lệnh là cán bộ, chiến sĩ CSB Việt Nam lập tức lên đường cứu người, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nhiên liệu, tổ chức lai dắt tàu ngư dân về nơi tránh trú an toàn, góp phần giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân. Từ năm 2024 đến nay, lực lượng CSB đã tiếp nhận và xử lý hơn 300 thông tin báo nạn từ các đơn vị, lực lượng hiệp đồng, bà con ngư dân; điều động 26 lượt tàu, 13 lượt xuồng, huy động 1.956 lượt cán bộ, chiến sĩ, thực hiện 34 vụ việc cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy, chữa cháy (trong đó có 23 vụ việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, 11 vụ việc cháy rừng, nhà dân), cứu được 4 phương tiện, 94 người dân và tham gia vớt 11 thi thể. Trong đó, ngày 24-10-2024, Tàu CSB 3006, Vùng CSB 1 đi tìm kiếm cứu nạn tàu HT 96868 TS, đã cứu hộ được 7 lao động cùng 1 ngư dân bị nạn đã tử vong, tiến hành bàn giao cho chính quyền địa phương xã Xuân Hội (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) theo đúng quy định.
Bảo đảm tốt lực lượng, phương tiện
Việt Nam là quốc gia ven biển, nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên tai, đặc biệt là bão, áp thấp nhiệt đới, nước biển dâng... Đại tá Đào Bá Việt, Phó tham mưu trưởng CSB Việt Nam cho biết: Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; duy trì nghiêm chế độ ứng trực, nắm chắc tình hình, đề xuất điều động các lực lượng tham gia phòng, chống, xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ thiên tai, tai nạn, sự cố và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn cả nước. Tổ chức trực cứu hộ, cứu nạn 24/24 giờ; tiếp nhận và xử lý thông tin cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng, đúng quy trình, tham mưu cho Thường vụ Đảng ủy, thủ trưởng Bộ tư lệnh CSB Việt Nam sử dụng lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.
Cảnh sát biển Việt Nam tiếp cận cứu hộ tàu ngư dân gặp nạn trên biển.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ tư lệnh CSB, các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng liên quan (Bộ đội Biên phòng các tỉnh, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, Cục Biển và Hải đảo, các đài thông tin duyên hải...) nắm, xử lý thông tin, kịp thời tham mưu cho cấp trên các phương án hiệu quả trong nhiệm vụ ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc. Đại tá Trương Bá Long, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng CSB 2 cho biết: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Vùng chủ động phối hợp với các lực lượng trên biển; bảo đảm tốt lực lượng, phương tiện, các phương án sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thảm họa, thiên tai, bảo vệ môi trường biển, đảo. Song song với đó, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao chất lượng huấn luyện, làm chủ trang bị kỹ thuật hiện đại; chú trọng huấn luyện khả năng cơ động và thực hành tìm kiếm cứu nạn; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với tổ chức diễn tập theo các phương án, tình huống; bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình tham gia cứu hộ, cứu nạn".
Hiện nay, trước diễn biến phức tạp của thiên tai, quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (SAR-79), cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị CSB Việt Nam tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, hướng dẫn thực hiện xử lý thảm họa về tàu, thuyền trên biển; nâng cao nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về các quan điểm, nguyên tắc, phương châm ứng phó các sự cố, thiên tai; nhận thức rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CSB Việt Nam trong tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp luyện tập tìm kiếm cứu nạn với Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc, tại Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch và tổ chức luyện tập phương án ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng loại hình thiên tai, sự cố có tính phổ biến ở từng vùng, miền, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về thiên tai. Đồng thời, phân công chỉ huy, điều hành chặt chẽ; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ứng trực 24/24 giờ, luôn nắm chắc tình hình, diễn biến của thiên tai, sự cố; chuẩn bị chu đáo về lực lượng, phương tiện, chủ động ứng phó kịp thời khi có tình huống xảy ra, nhất là ứng phó với các cơn bão mạnh, tình huống sập, đổ công trình, cháy, nổ, cháy rừng. Các đơn vị thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành, lực lượng tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm việc chỉ đạo, điều hành chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo... Ngoài ra, lực lượng CSB Việt Nam thường xuyên mở rộng hợp tác quốc tế với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong khu vực để nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn vì mục tiêu hỗ trợ nhân đạo, đặc biệt là cứu nạn tàu, thuyền của nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Bài và ảnh: ĐỨC TĨNH