Người dân Bạc Liêu bất an vì sạt lở bờ sông, bờ biển

Người dân Bạc Liêu bất an vì sạt lở bờ sông, bờ biển
2 giờ trướcBài gốc
Vị trí sạt lở trôi tuột xuống sông, gây nguy hiểm cho việc đi lại của người dân trên địa bàn. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Thấp thỏm trong vùng sạt lở
Khu vực ven biển Đông, (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) những năm gần đây trở thành điểm nóng về sạt lở bờ biển của tỉnh Bạc Liêu. Mỗi khi triều cường dâng cao, từng cơn sóng dữ vỗ ập vào bờ như muốn “nuốt chửng” đê bao bảo vệ đất sản xuất của người dân.
Ông Nguyễn Văn Mến, cư ngụ tại đây mấy mươi năm qua cho biết: Năm nào sóng biển cũng ăn sâu vào đất liền, hậu quả là nhiều đoạn của tuyến đê biển bị sạt lở rất nguy hiểm. Ông Mến cũng như nhiều hộ dân ở đây cũng mỗi ngày đều mang tâm trạng bất an, lo lắng trước những cơn sóng dữ đánh ập vào bờ đê.
Tương tự, ông Lê Văn Năm, có nhiều thế hệ trong gia đình sinh sống, canh tác ổn định dọc theo tuyến đê biển (ấp Biển Đông A, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu) chia sẻ: Trước đây những vạc rừng mắm, rừng đước chạy dài từ đê ra ngoài biển tới hàng trăm mét, nhưng giờ đây đất, rừng đang mất dần, khu vực đất phía ngoài đã không còn rừng ngập mặn che chắn đê. Ngoài nuôi tôm, gia đình ông Năm còn trồng màu trên diện tích đất bãi bồi. Do bị sóng biển “xâm thực” tạo thành hàm ếch ngày càng rộng nên diện tích trồng màu cũng bị thu hẹp.
Không chỉ sạt lở bờ biển, sạt lở bờ sông tại Bạc Liêu cũng rất báo động. Vào trung tuần tháng 5/2025, sạt lở đã diễn ra tại tuyến đường giao thông nông thôn ấp Bờ Xáng, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu. Đoạn đường bị sạt lở với chiều dài khoảng 50 - 60 m, làm nền bê tông sụt lún, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại.
Chi cục Thủy lợi và Quản lý công trình thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường thành phố Bạc Liêu, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với UBND xã Vĩnh Trạch tiến hành khảo sát tuyến đường giao thông nông thôn cập theo bờ kênh ranh Sóc Trăng - đoạn đi qua ấp Bờ Xáng. Qua khảo sát, nguyên nhân bước đầu được xác định là do ảnh hưởng của triều cường kết hợp với mưa lớn làm đất ven bờ bị cuốn trôi, gây ra hiện tượng sạt lở.
Khu vực sạt lở đã được cắm biển cảnh báo để hạn chế lưu thông. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Gần nhất, vào ngày 17/5, một vụ sạt lở nữa xảy ra tại phía Tây bờ kênh 30/4, đoạn qua khóm Chòm Xoài, phường Nhà Mát (gần khu vực cống ngăn triều). Đây là vị trí đã từng xảy ra sạt lở vào tháng 3/2025, nhưng hiện tượng sạt lở tiếp tục tái diễn, khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng. Ông Thạch Văn Bé, nhà ở ngay khu vực sạt lở cho biết: “Trước đây, bên đường có các gốc đước và khoảng đất 5 m, rồi mới tới lộ bê tông, đợt trước sạt lở mất hết đất sát tuyến lộ. Đợt này, sạt lở gần như cả tuyến lộ chìm xuống sông. Giờ không biết dời đi đâu nữa, vì gia đình không còn đất đai. Tôi mong chính quyền địa phương sớm làm kè để người dân sinh sống và đi lại an toàn”.
Theo ghi nhận đoạn đường bị sạt lở có chiều dài khoảng 20 m, bề ngang khoảng 3 m, gây gián đoạn hoàn toàn việc lưu thông của người dân trong khu vực. Nguyên nhân được xác định mưa to vào ban đêm kết hợp với triều cường làm nền đất yếu đi, dẫn đến mặt đường bị sạt lở. Ngoài thành phố Bạc Liêu, nhiều địa phương khác của tỉnh Bạc Liêu cũng xảy ra tình trạng sạt lở.
Tại thị xã Giá Rai, ông Ngô Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã thông tin: Tình trạng sạt lở trên địa bàn chủ yếu diễn ra tại phường 1 và xã Tân Phong có tuyến kênh xáng Bạc Liêu – Cà Mau chảy qua với khoảng 20 điểm sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở. Hiện tại, sạt lở đang diễn ra tại khu vực bờ Đông, cống Cây Gừa, xã Tân Phong. UBND thị xã Giá Rai đã chỉ đạo thành lập đoàn đến kiểm tra, theo dõi và cắm biển báo tại các khu vực bị sạt lở để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác.
Chờ giải pháp căn cơ
Khu vực sạt lở giáp sông và gần nhà dân nên chính quyền địa phương đẩy nhanh công tác khắc phục để ổn định đời sống và lưu thông của người dân trong khu vực. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Bạc Liêu là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Mạng lưới kênh rạch chằng chịt, cộng với đặc điểm địa hình trũng thấp và thời tiết khắc nghiệt, khiến nguy cơ sạt lở ngày càng tăng cao, đặc biệt trong mùa mưa.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (cũ) cho thấy: Giai đoạn từ năm 2015 đến nay, năm nào tỉnh Bạc Liêu cũng xảy ra các vụ sạt lở và sụt lún đất tại các khu vực ven bờ sông và đê biển Đông. Đáng lưu ý là năm 2023 đến nay, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn. Qua thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có 77 khu vực sạt lở bờ sông, 6 khu vực sạt lở bờ biển, tổng chiều dài sạt lở gần 600 km.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu, nguyên nhân gây sạt lở bờ biển, bờ sông là do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cùng với đó, sự tác động của con người cũng là một trong những nguyên nhân gây ra sạt lở. Đó là việc khai thác cát sông trái phép và thiếu kiểm soát; phát triển đô thị, khu dân cư sát mép sông; phá rừng ngập mặn...
Hậu quả của sạt lở là gây thiệt hại về người và tài sản của người dân. Hàng trăm căn nhà bị sập hoặc buộc phải di dời khẩn cấp. Sạt lở cũng tác động đến sinh kế ngư dân và nông dân mất đất canh tác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nuôi trồng thủy sản. Trong khi đó, việc xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển còn mang tính chất tình thế; việc cảnh báo về sạt lở bờ sông, bờ biển thiếu các giải pháp mang tính tổng thể, đồng bộ và dài hơi.
Trước tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển ngày càng nghiêm trong, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ 3.436 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đối với 5 khu vực sạt lở xung yếu, cấp bách và phòng chống triều cường, bảo vệ sản xuất với tổng chiều dài 80 km. Cụ thể Dự án xây dựng đoạn kè G6, địa bàn thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải, chiều dài 3 km; Dự án xây dựng kè bờ sông Cà Mau - Bạc Liêu khu vực thị xã Giá Rai, chiều dài 5 km;
Dự án xây dựng kè 2 bên bờ kênh 30/4 thuộc Phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu, chiều dài 5,2 km; Dự án Xây dựng hệ thống đê sông và công trình để phòng chống triều cường cho 5 xã phía Tây huyện Đông Hải, chiều dài đê sông 66 km; Dự án xây dựng kè bảo vệ đoạn đê giáp ranh Sóc Trăng để phòng chống sạt lở, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, chiều dài tuyến kè 474 m... Cùng với đó, tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Trung ương ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho công trình ven biển, cùng định mức đầu tư phù hợp với đặc thù vùng sạt lở.
Ngành chức năng và chính quyền địa phương đã gia cố khu vực sạt lở để hạn chế sạt lở lây lan trên diện rộng. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN
Trước mắt, để hạn chế tác động của sạt lở, bờ biển, bờ sông, tỉnh Bạc Liêu triển khai hàng loạt dự án chống sạt lở, đồng thời đẩy mạnh trồng rừng ngập mặn ven biển để giữ đất, giảm sóng; tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác, bảo vệ tài nguyên ven biển, ven sông; điều chỉnh quy hoạch dân cư, di dời khẩn cấp các hộ dân ở khu vực nguy hiểm.
Sạt lở bờ biển, bờ sông không còn là hiện tượng đơn lẻ mà là câu chuyện của ngày mai đã và đang hiện hữu với tầng suất ngày càng tăng, trở thành hồi chuông báo động an toàn tính mạng và sản xuất của người dân Bạc Liêu. Thực trạng này, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và có tầm nhìn dài hạn cùng những giải pháp căn cơ từ chính quyền và ngành chức năng. Có như vậy, người dân mới yên tâm sinh sống, sản xuất không còn phải thấp thỏm, bất an vì sạt lở bờ sông, bờ biển.
Tuấn Kiệt (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/nguoi-dan-bac-lieu-bat-an-vi-sat-lo-bo-song-bo-bien-20250524094855971.htm