Phật giáo có mặt tại thế gian không ngoài mục đích cứu khổ ban vui cho muôn loài. Thế Tôn với lòng bi mẫn, xem tất cả chúng sinh như con một của mình nên sẵn sàng vì họ để thuyết pháp hóa độ. Những người hữu duyên họ dễ tiếp nhận giáo lý, nhưng có khi đối tượng thuyết pháp lại là người đã từng không tin Thế Tôn, thậm chí họ còn phỉ báng và hại Ngài những lúc có dịp.
Dù hiểu rõ nhưng đức Phật vẫn không thay đổi ý nguyện độ sinh của mình.
Đệ tử của Thế Tôn hội đủ bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di. Giáo lý Ngài dạy tùy theo khả năng chúng sinh tiếp nhận để tự mình tu học giải thoát. Khi ấy, có rất nhiều vị cư sĩ hộ pháp hết lòng, vì họ có đủ niềm tin kiên cố về Tam bảo. Tuy là hình dáng cư sĩ nhưng đã dự vào bậc Thánh ngay khi đủ duyên được gặp Thế Tôn.
Trong số đó, có hai vị cư sĩ nổi tiếng thời bấy giờ là ông Anāthapiṇdịka và bà Visākhā. Mỗi người có nhân duyên gặp đức Phật và giác ngộ giáo pháp khác nhau, nhưng cùng một chí hướng thiết tha vì sự tồn tại và phát triển của đạo pháp. Họ được Phật khen ngợi là những vị cư sĩ hộ pháp đắc lực, nhất là về bố thí cúng dường, lại còn chuyên cần tinh tấn trong tu tập. Vậy họ là ai và có điểm giống hay khác đối với sự hộ trì Tam bảo.
Đệ tử Thế Tôn mỗi người tùy theo vị trí cũng như bổn phận của mình trong hàng đệ tử nên họ có những vai trò và hạnh nguyện khác nhau. Dù trong hoàn cảnh nào, hay bằng phương tiện gì, nhưng một khi đã có lòng tin nơi giáo pháp thì người đệ tử không ngần ngại, sẵn sàng hy sinh vật chất hay thân mạng để giữ gìn đạo pháp. Bởi họ hiểu rõ vai trò của mình đối với chính pháp của Như Lai.
Vai trò của người hộ pháp
(Ảnh: Internet)
Phật giáo tồn tại và phát triển nhờ vào bốn chúng gồm tại gia và xuất gia. Mỗi người học hiểu và hành trì theo lời Phật dạy tùy theo khả năng của mình, họ phát nguyện giữ gìn giới luật, cùng nhau hộ trì Tam bảo để Phật giáo tồn tại và phát triển lâu dài.
Đức Thế Tôn thuyết giảng trong kinh Tăng Chi: “Khi Như Lai nhập diệt, các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ sống tôn trọng và vâng lời bậc Ðạo sư;... vâng lời Pháp;... vâng lời chúng Tăng;... vâng lời học pháp;... vâng lời lẫn nhau. Ðây là nhân, đây là duyên,... để diệu pháp được tồn tại lâu dài”[1]. Như vậy, những người cư sĩ không những học và hành trì lời Phật dạy mà còn có tinh thần nhiệm vụ làm những vị hộ pháp đắc lực trong Phật giáo. Vậy ‘Hộ pháp’ được hiểu như thế nào cho đúng nghĩa.
Từ điển Phật học định nghĩa về Hộ Pháp như sau: “HỘ-PHÁP: 護法. Pāladharma, Dharmapāla. Có nghĩa: Dùng các phương tiện tùy theo sức mình mà ủng hộ nền Chính pháp của Phật”[2]. Bên cạnh đó, Từ hộ pháp vừa có nghĩa là người ủng hộ Phật pháp, vừa có nghĩa là sự che chở bảo vệ Chính pháp. Nhờ sự ủng hộ của các bậc có lực lượng lớn nên đạo không bị diệt, từ Phạm thiên, Đế thích, Bát bộ quỷ thần cho đến vua chúa và các đàn việt ở thế gian, tất cả cùng bảo hộ Phật pháp đều được gọi là hộ pháp.
Phật Quang Đại Từ điển định nghĩa: Upāsaka (Ưu-bà-tắc) hay còn gọi là Cận sự nam, chỉ người cư sĩ nam tại gia gần gũi phụng thờ Tam Bảo, và Upāsikā (Ưu-bà-di) hay còn gọi là, Cận sự nữ, chỉ nữ chúng gần gũi Tam Bảo, thụ Tam quy, giữ ngũ giới, thực hành thiện pháp[3]. Họ là những người ủng hộ Phật pháp. Trước tiên, người tại gia cần hỗ trợ vật chất để đảm bảo đời sống an sinh trong chốn già lam, bởi chỗ ở ổn định chư tăng mới yên tâm lo tu học vun bồi phước trí, phát triển Phật giáo. Thấy rõ được điều này nên ông Anāthapiṇdịka (Cấp-cô-độc) và bà Visākhā (Tỳ-xá-khư) là người phát khởi tín tâm cúng dường đến Phật và chư tăng trong giai đoạn đầu của Phật giáo.
Trước hết là chỗ ở, sau đến là tứ sự cúng dường.
Hòa thượng viện trưởng Thích Trí Quảng dạy rằng: “Phật và Thánh chúng mới có Phật pháp. Còn chúng phàm phu chỉ đóng vai hộ trì Phật pháp”[4]. Cho nên, hộ pháp cũng chính là vai trò trách nhiệm của cư sĩ tại gia. Khi một người đã có tâm hộ trì Tam bảo, họ hiểu mình cần làm gì và không nên làm gì để giữ gìn cho đạo Phật.
Thời tại thế, đức Phật và Tăng đoàn mỗi ngày đều đi khất thực, nhờ vào sự cúng dường của người tại gia để gieo bồi phước dức. Nên đức Phật cho phép hàng xuất gia chỉ cất giữ ba y và một bình bát làm phương tiện. Người xuất gia không tự sản xuất ra vật chất sử dụng trong sinh hoạt thường nhật mà phải nhờ vào sự hiến cúng của hàng cư sĩ, từ thức ăn, y áo, vật dụng cho đến chỗ ở... để duy trì mạng sống mà nuôi lớn thân huệ mạng.
Người xuất gia trong thời kỳ đầu, không bận tâm trong việc xây dựng chùa chiền, ngoài giờ khất thực để gieo duyên cho mình cho người, các vị ấy chỉ chuyên tâm tu tập để được giác ngộ và hướng dẫn người khác biết đến phật pháp.
Tóm lại, vai trò của người hộ pháp là ủng hộ giữ gìn Phật giáo phát triển. Bên cạnh đó, người cư sĩ còn có trách nhiệm thừa tự pháp của Như Lai, học hiểu đúng để thực hành đúng và đem lại lợi lạc cho mình, cho người, ở đời này và đời sau, đó mới đúng là tinh thần hộ pháp của người cư sĩ hiểu đúng chính pháp.
Điểm tương đồng giữa ông Anāthapiṇdịka và bà Visākhā
Khi bàn đến sự hộ pháp của hai vị cư sĩ thời đức Phật, ai cũng biết ông Anāthapiṇdịka và bà Visākhā. Bởi họ là những người giàu có, lại rất có niềm tin nơi Tam bảo, được dự vào dòng Thánh trong hiện tại. Phát nguyện trọn đời lo cho Phật và chúng Tăng trong khả năng của mình. Vì có niềm tin kiên cố nơi Tam bảo, tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, tin sâu nhân quả và hiểu đúng lời Phật dạy nên họ đã dành trọn cuộc đời mình để cống hiến cho sự phát triển của Phật giáo.
Không những thế, cả hai đều nổi tiếng với sự bố thí rộng lượng. Họ là những tấm gương sáng về sự hộ độ Tăng chúng, góp phần to lớn trong việc truyền bá Phật pháp đến mọi người. Ông Anāthapiṇdịka được biết đến với việc đã cúng dường khu đất Jetavana để xây dựng Tịnh xá Kỳ Viên, một trong những trung tâm Phật giáo quan trọng nhất thời bấy giờ. Bà Visākhā cũng đã xây cất tịnh xá Pubbārāma cúng dường đức Phật và tăng đoàn,cúng dường nhiều tài sản cho Phật giáo. Cả hai tuy là cư sĩ nhưng đều đã đắc quả Dự Lưu khi được nghe pháp. Đây là minh chứng cho sự tu tập tinh tấn và lòng tin kiên định của họ đối với đạo Phật.
Tuy nhiên, cả hai vị cư sĩ này cho chúng ta thấy, họ là những tấm gương sáng về lòng tin, sự cống hiến và tinh thần tu tập. Họ quả thật có nhân duyên nên không hẹn mà cùng nhau hộ trì Tam bảo, xây dựng tịnh xá cúng dường, lại được dự vào dòng thánh ngay trong đời này. Cùng thọ một trăm hai mươi tuổi, sau khi chết đều tái sinh về cõi trời.
Điểm dị biệt giữa Anāthapiṇdịka và Visākhā
Ngài Anāthapiṇdịka (ảnh: Internet)
Đối với ông Anāthapiṇdịka (Cấp-cô-độc), một vị Ưu-bà-tắc được mệnh danh là Đại thí chủ và rất tín tâm. Ông là một thương gia rất giàu có ở thủ đô Sāvatthi (Xá Vệ) xứ Kosala (Kiều-tát-la). Với đức tính thương người, thích bố thí, nên được người đời ban tặng với mỹ hiệu là Sudatta Nāthapindika (Tu Đà Cấp Cô Độc) “Ông Cấp Cô Độc đã tiêu hết cho giáo pháp đức Phật một số tiền là năm trăm bốn mươi triệu đồng để xây dựng tịnh xá và ông không nghĩ đến châu báu nào khác ngoài ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng”[5].
Nhờ có lòng thành kính nên Sudatta xin Phật được làm đệ tử của Ngài, xin thọ Tam quy và Ngũ giới trọn đời. Ông muốn thỉnh Thế Tôn về thành Xá-vệ nơi ông sinh ra để thuyết pháp, với mong muốn không những bản thân mình mà còn gia đình, dòng tộc đều được nghe và học giáo Pháp từ Đức Thế Tôn. Anāthapiṇdịka phát nguyện xây dựng tịnh xá, nên đã hỏi mua rừng cây của thái tử Jeta (Kỳ-đà). Thái tử không muốn bán nên nói đùa với ông rằng nếu lấy vàng trải đất được bao nhiêu thái tử sẽ bán bấy nhiêu.
Tuy nói ra hơi có phần trừu tượng, bởi, đất được xem là tài sản quý như vàng mà ông bà ta thường nói ‘Tấc đất tấc vàng’. Vì thế, ông Anāthapiṇdịka đã dùng vàng để trải kín mặt đất khi mua. Một sự kiện xảy ra chưa từng có từ trước đến nay, có lẽ đó cũng là lần đầu và là duy nhất trong lịch sử ‘Trải vàng mua đất’. Anāthapiṇdịka đã dùng vàng lót đất để mua cho được khu vườn xây dựng Tịnh xá.
Người đời ai cũng ai cũng luôn xem tài sản là vật quý báu mà vàng lại là thứ có giá trị và quý hơn tất cả, thế nhưng Anāthapiṇdịka lại xem thường của cải mà chỉ nghĩ đến việc tạo ra niềm an vui cho mình và người khác. Nên thế gian ngày nay thường xem đó là sự kiện hy hữu và đã viết thành thơ để khen ngợi tán thán những ai có tâm hộ trì Tam-bảo:
“Xưa trưởng giả trải vàng mua đất
Vì Thế Tôn xây cất đạo tràng
Ngày nay chùa được khang trang
Đều do thiện tín sẵn sáng cúng dâng”. (st)
Thái tử chỉ đùa nhưng chính hành động phát nguyện dũng mãnh của Anāthapiṇdịka đã làm thái tử cảm kích nên muốn cùng ông xây cất Tịnh xá Jetavana (Vườn Kỳ Viên)[6] cúng dường đức Phật và Tăng đoàn. Sau khi hoàn mãn Anāthapiṇdịka thỉnh Phật cùng chư Tăng về trú ngụ để ông có cơ hội đến thăm viếng, đảnh lễ đức Phật và nghe Pháp mỗi ngày.Qua việc làm thiện nguyện quá dõng mãnh của ông đã ảnh hưởng lớn đến nhiều thế hệ mai sau về sự hộ trì Tam bảo. Khi làm việcBố thí với niềm tin trong sạch là những hành động phước và chỉ những sự bố thí như vậy mới gọi là Bố-thí ba-la-mật[7]. Anāthapiṇdịka đã thực hành được những gì đức Phật đã dạy, làm với tâm hoan hỷ đến trọn đời.Mặc dù, đối với đời sống của cư sĩ, một thương gia luôn bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng mỗi khi có cơ hội, ông luôn tranh thủ tìm pháp, học pháp nên thường xuyên đến tinh xá để được nghe pháp và thực hành lời dạy cao quý ấy. Tuy là người giàu có và làm được nhiều việc giúp ích Tăng đoàn, nhưng Anāthapiṇdịka luôn khiêm cung và tôn kính người xuất gia, thể hiện rõ tính cách của một cư sĩ Phật giáo thuần thành. Khi Anāthapiṇdịka làm việc phước thiện, không nghĩ đến tài sản vì nó là vật ngoài thân, nên đã dùng tất cả nhưng gì có thể để làm phước, đến một ngày do bố thí không ngừng nghỉ, do không kinh doanh, tiền thâu vào ít dần, tài sản vị ấy đi đến khánh tận. Dần dần vị đại triệu phú rơi vào cảnh nghèo thiếu, gia sản, áo quần, sàng tọa, thực phẩm không còn được như xưa. Dầu ở trong tình trạng như vậy, ông Cấp Cô Độc vẫn cúng dường chúng Tăng[8]. Nhờ phước báu làm lành với niềm tin trong sạch nên sau này gia sản tự nhiên dần dần được khôi phục.
Cuối đời, Trưởng giả Anāthapiṇdịka lâm bệnh, trong giây phút ngắn ngủi này, tuy nằm trên giường bệnh đau đớn về thể xác nhưng ông lại được nếm vị ngọt của chính pháp, được ngài Ānanda và Sāriputta đến bên thăm hỏi động viên và khuyên: “Này cư sĩ, ta mong rằng ông có thể kham nhẫn, ta mong rằng ông có thể chịu đựng! Ta mong rằng khổ thọ được giảm thiểu, không gia tăng”[9]. Và thuyết cho ông nghe về Pháp Vô Ngã, khuyên ông nên thực hành theo. Dù rất đau đớn về thân xác nhưng ông đã được tắm mình trong giáo pháp cam lồ nên không còn nghĩ đến cơn đau và ông bậc khóc vì cảm động: “Dầu cho bậc Đạo sư được con hầu hạ đã lâu và dầu các vị Tỳ kheo tu tập ý lực, con chưa từng được nghe một thời thuyết pháp như vậy. Này cư sĩ, thuyết pháp…không nói cho hàng cư sĩ áo trắng… thuyết pháp như vậy chỉ nói cho hàng xuất gia. Vậy thưa Tôn giả Sāriputta, hãy thuyết pháp như vậy cho hàng cư sĩ áo trắng... bởi có những người… nếu không được nghe pháp, sẽ bị đọa lạc nhưng họ không thể biết được Chính pháp”[10]. Sau khi các Tôn giả ra về, ông qua đời và được tái sinh lên cõi trời Tusita trở thành một vị Thiên tử Anāthapiṇdịka. Thọ một trăm hai mươi tuổi.
Như vậy, nhờ ông Anāthapiṇdịka mà bài pháp Vô Ngã được đức Phật cho phép chúng tăng thuyết cho người cư sĩ nghe. Qua đó cho thấy, ông không những đóng góp về vật chất mà còn đóng góp về mặt giáo pháp được Phật giáo phát triển. Ông Anāthapiṇdịka xứng đáng là mẫu người cư sĩ lý tưởng đúng nghĩa, để cho đàn hậu học dù ít nhiều cũng được học theo gương hạnh của ông.
Bà Visākhā (ảnh: Internet)
Visākhā hay còn gọi là Tỳ Xá Khư, được sinh ra trong một gia đình triệu phú Dhanañjaya (Đạt Nan Xà Dạ), là cháu gái của nhà triệu phú Meṇdạka ở Uruvela. Với Visākhā lúc này chỉ bảy tuổi, nhưng cô bé biết đó là Thế Tôn, là bậc Chính Đẳng Giác mà ai cũng cung kính ngưỡng mộ, nên rất vui mừng và đi đến gần để được đảnh lễ đức Phật và nghe Ngài thuyết pháp: “Nghe dứt thời pháp cô Visākhā cùng năm trăm cô bé đều đắc quả Tu Đà Hoàn”[11], lòng tin nơi Tam Bảo của cô càng vững chắc hơn.
Đến tuổi trưởng thành, cô là một thiếu nữ xinh đẹp mà thế gian khó ai sánh được. Visākhā kết duyên cùng Puṇnạvaḍḍhana là con trai của triệu phú Migāra, một tín đồ của Nigantha, họ có cuộc sống giàu sang phú quý, thọ hưởng mọi dục lạc trên đời. Không những thế, nàng rất thông minh, trí tuệ hơn người, vừa thông suốt việc thế gian, vừa thông minh trong đạo pháp nên đã cư xử rất khéo léo trong cuộc sống: “Tỳ-xá-khư rất thông minh, tài trí sắc bén như góc cạnh viên kim cương là do cô đã phát lời thệ nguyện cũng như do bổn nguyện cô hằng ôm ấp trong một trăm ngàn kiếp”[12]. Lúc bấy giờ về vật chất và quyền lực thì cô không thiếu nhưng Visākhā lại chưa được hạnh phúc trọn vẹn. Bởi làm dâu trong một gia đình không cùng tôn giáo, rất khó để giữ gìn tín ngưỡng của mình, nhất là cha chồng rất có niềm tin với tín ngưỡng Nigaṇha Nã̄taputta (Kỳ-na giáo). Ông đã nhiều lần làm khó dễ nàng dâu, bắt bẻ những chuyện vặt trong cuộc sống, vì đôi lúc ông thấy Visākhā không hài lòng khi bị yêu cầu đón chào những vị lõa thể của Nigaṇha Nã̄taputta, hay việc nàng chăm sóc gia súc lúc sinh nở cùng với gia nô,... Nhưng với lòng từ bi và sự khéo léo, Visākhā đã hướng dẫn gia đình bên chồng quy ngưỡng Tam Bảo, cha mẹ chồng cùng dự vào dòng Thánh và cùng cô ủng hộ Phật pháp. Đây là việc khó nhưng người đệ tử Phật nên thực hiện, không những mình là người học pháp hành pháp mà còn biết khuyến hóa người khác cùng học giáo lý, thực hành pháp Phật để được an lạc đời này và đời sau. Việc làm ấy được đức Phật khen ngợi: “Này Visākhā, nữ nhân có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sinh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến chân chính đoạn diệt khổ đau. Như vậy, này Visākhā, là nữ nhân đầy đủ trí tuệ”[13]. Qua điều này, thể hiện rõ sự bình đẳng trong tu tập, chuyển hóa khổ đau nhờ khai mở trí tuệ, nên giờ đây Visākhā có cuộc sống mới nơi xứ người vô cùng hạnh phúc.
Ngoài việc cúng dường chư tăng hằng ngày, Visākhā còn xây dựng tịnh xá Pubbārāma cúng dường đức Phật và Tăng đoànvới kinh phí xây cất là hai trăm bảy mươi triệu tiền vàng (27 kotị)[14]. Bên cạnh đó, bà còn hộ trì chư Ni về mọi mặt trong tu tập, vì vậy bà luôn được sự khen ngợi và tán thán.Nhờ có phước báu bởi niềm tin và những hành động thiết thực cụ thể, nên dù ở tuổi xế chiều bà Visākhā vẫn xinh đẹp như thời trẻ. Vì có lòng tin Phật pháp sâu sắc, Visākhā luôn kính trọng đức Phật và chư Tăng cùng chư Ni. Thường xuyên đến chùa để nghe đức Phật và các vị Thánh đệ tử giảng pháp. Thực hiện được tâm nguyện này nhờ vào phước báu nhiều đời được Phật thọ ký: “Tín nữ tên là Visākhā, sẽ được đức Phật ấy ban cho tám đặc ân”[15]. Chính câu chuyện của bà đã được lưu truyền trong nhiều thế kỷ và là nguồn cảm hứng cho các Phật tử trên khắp thế giới, nữ đại thí chủ Visākhā chính là nữ cư sĩ điển hình mẫu mực trong Phật giáo.
Vô thường đến, con người cũng đổi thay, không ai tránh khỏi quy luật tuần hoàn của sinh-lão-bệnh-tử, bà Visākhā cũng không ngoại lệ. Sau khi cúng dường với tất cả những gì trong khả năng và thực hành những tâm nguyện của mình. Nhờ phước báu thiện lành ấy, nên khi qua đời bà Visākhā đã được tái sinh vào cõi trời Hóa Lạc, đạt đến ngôi vị chính hậu của Sunimmita Thiên chủ[16].
Cuộc đời nữ cư sĩ Visākhā như một bức tranh, vẽ lên những hình ảnh đẹp giữa cuộc đời trần thế, làm xong những nguyện ước của mình và thọ một trăm hai mươi tuổi.
Giá trị lịch sử từ hai nhân vật
Cư sĩ Anāthapiṇdịka vàVisākhā đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Phật giáo, được xem là những đại thí chủ uy tín và có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của Phật giáo trong thời kỳ đầu. Ông Anāthapiṇdịka được biết đến với vai trò là một đại thí chủ, trong khi bà Visākhā được biết đến với vai trò là một nữ Phật tử tiêu biểu trong Phật giáo.
Về Anāthapiṇdịka, ông đãthể hiện lòng sùng kính Phật pháp và tinh thần cống hiến phi thường cho sự nghiệp hoằng dương đạo Phật. Lại góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển cộng đồng Phật giáo thời kỳ đầu. Không những thế, Anāthapiṇdịka còn là tấm gương sáng cho các thế hệ Phật tử noi theo về tinh thần bố thí và hộ trì Phật pháp.
Về bà Visākhā, thể hiện rõ vai trò quan trọng của phụ nữ trong Phật giáo. Góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng ni giới và vai trò của họ trong đạo Phật, luôn ủng hộ chư Ni về mọi mặt kể cả góp một phần để Đức Phật chế giới cho chư ni. Hơn nữa, Visākhālà tấm gương sáng cho các thế hệ nữ Phật tử noi theo về tinh thần cống hiến và hộ trì Phật pháp.
Ngoài ra, Anāthapiṇdịka và bà Visākhā còn là những tấm gương về lòng từ bi và bác ái. Họ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn, thể hiện tinh thần sẻ chia và hướng thiện. Sự tinh tấn trong việc tu tập của họ dành nhiều thời gian và tâm huyết để tu học phật pháp, đạt được nhiều thành tựu trên con đường giác ngộ. Họ luôn nỗ lực bảo vệ và phát triển Phật giáo, góp phần đưa ánh sáng phật pháp đến với mọi người.
Trong hai mươi mốt hạ, đức Phật sử dụng hai chỗ là Jetavana và Pubbārāma thường xuyên vì sự hộ độ rất lớn của trưởng giả Anāthapiṇdịka và tín nữ Visākha[17]. Thực ra, đức Phật trú ngụ thường xuyên ở hai nơi này do sự nhớ ơn của Ngài đối với hai vị thí chủ.
Mặc dù, ông Anāthapiṇdịka là nam, trong khi bà Visākhā là nữ, nhưng ở xã hội Anāthapiṇdịka là một trưởng giả giàu có, trong khi bà Visākhā xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, họ đều là những nhân vật lịch sử quan trọng trong Phật giáo, đóng góp to lớn cho sự phát triển của Phật giáo thời kỳ đầu. Xứng đáng là tấm gương sáng về tinh thần học pháp và hộ trì Tam Bảo để các thế hệ phật tử trên thế giới noi theo.
Qua phân tích ở trên, chúng ta thấy dù Phật giáo trong giai đoạn nào cũng luôn cần có sự hộ trì của hàng cư sĩ. Họ chính là những cánh tay nối dài của người xuất gia, cùng nhau một lòng vì phụng sự đạo pháp và dân tộc.
Thông qua lịch sử cũng như kinh điển ghi chép lại đã minh chứng hai vị cư sĩ trưởng giả Anāthapiṇdịka và tín nữ Visākha là tấm gương lớn về nhân cách cao đẹp và cống hiến hết lòng với Phật giáo. Họ xứng đáng được xưng danh những vị phật tử chân chính, hết lòng vì đạo pháp. Với những công lao to lớn của họ đối với Phật Pháp là “Vô tiền khoáng hậu” đủ làm nổi bậc giá trị nhân vật hộ pháp trong Phật giáo.
Dù thời gian có trải qua, không gian có thay đổi, nhưng những hạnh nguyện và sự đóng góp của hai vị cư sĩ đối với Phật giáo luôn là bài học mang tính nhân văn, phù hợp trên mọi khía cạnh. Như vậy, ngày nay có còn vị cư sĩ như Visākhā và trưởng giả Anāthapiṇdịka hay không là nhờ vào sự giác ngộ, tín tâm của phật tử. Đức Thế Tôn là minh chứng cho bậc giác ngộ của thế gian thì Anāthapiṇdịka và Visākhā là minh chứng cho sự bố thí cúng dường, hộ trì Tam bảo bằng những câu chuyện mang đậm tính lịch sử. Qua đó cho ta thấy một bức tranh nhân đạo rất đẹp và hoàn hảo của cuộc sống ở xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ.
Tác giả: Thích nữ An Hưng
Thạc sĩ Phật Học khóa VI, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM
Chùa Bảo Vân, 33/37, Vạn Kiếp, phường 3, quận Bình Thạnh, Tp.HCM.
Tài liệu tham khảo:
[1] HT. Thích Minh Châu dịch, 2020, Kinh Trung Bộ, Nxb. Hồng Đức.
[2] HT. Thích Minh Châu dịch, 2021, Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Hồng Đức.
[3] HT. Thích Minh Châu - Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch, 2021, Kinh Tiểu Bộ, Nxb. Hồng Đức.
[4] Thích Quảng Độ, 2014, Phật Quang Đại Từ Điển, Nxb. Phương Đông.
[5] Đoàn Trung Còn, 1997, Phật Học Từ Điển, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh.
[6] Trưởng Lão Pháp Minh dịch, 2012, Chú Giải Kinh Pháp Cú, Nxb. Tôn Giáo.
[7] Tỳ Khưu Minh Huệ dịch, 2019, Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), Nxb. Hồng Đức.
[8] Viên Chiếu, 2014, Tích truyện kinh Pháp Cú, Nxb. Hồng Đức.
[9] Thích Trí Quảng, Hộ trì Phật pháp, < http://www.daotrangphaphoa.net/bai-giang/kien-thuc-phat-phap/ho-tri-phat-phap/.
Chú thích
[1] HT. Thích Minh Châu dịch, Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 04, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương V, Năm Pháp, VI, XXI. Phẩm Kimbila (Kimilavăgga), I. Kinh Kimbila (Kimiỉasutta), Nxb. Hồng Đức, 2021, tr. 682.
[2] Đoàn Trung Còn, (1997), Phật Học Từ Điển, Quyển Nhì, Nxb. Thành Phố Hồ Chí Minh, tr. 43.
[3] Thích Quảng Độ, 2014, Phật Quang Đại Từ Điển, Tập 6, Nxb. Phương Đông, tr. 7793 – 7794.
[4] Thích Trí Quảng, Hộ trì Phật pháp, < http://www.daotrangphaphoa.net/bai-giang/kien-thuc-phat-phap/ho-tri-phat-phap/.
[5] HT. Thích Minh Châu – Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch, 2021, Kinh Tiểu Bộ 2, Chuyện Tiền Thân, Iv. Phẩm Tổ Chim Con. Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Khadirangãraịạ̃taka), Nxb. Hồng Đức, tr. 108.
[6] HT. Thích Minh Châu (dịch) (2001), Kinh Tiểu Bộ, Trưởng Lão Tăng Kệ. Chương Ba. Phẩm Ba Kệ, Nxb. VNCPHVN. TP. HCM, tr. 201.
[7] Tỳ Khưu Minh Huệ (dịch) (2019), Đại Phật Sử (Mahā Buddhavaṃsa), tập I, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr. 138.
[8] HT. Thích Minh Châu – Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch, 2021, Kinh Tiểu Bộ 2, Chuyện Tiền Thân, Iv. Phẩm Tổ Chim Con. Chuyện Hố Than Lửa Cây Keo (Khadirangãraịạ̃taka), Nxb. Hồng Đức, tr. 108.
[9] HT. Thích Minh Châu (dịch), (2020), Tam Tạng Thượng Tọa Bộ 02, Kinh Trung Bộ, 143. Kinh Giáo Giới Cấp Cô Độc, Nxb. Hồng Đức, tr. 1083.
[10] Sdd, tr. 1086.
[11] Trưởng Lão Pháp Minh dịch, 2012, Chú Giải Kinh Pháp Cú, Quyển 2, Phẩm Hoa, IV.8- Tích Đại Tín Nữ Thiện Chi (Visākhāvatthu), Nxb. Tôn Giáo, tr. 190.
[12] Viên Chiếu, 2014, Tích truyện kinh Pháp Cú, Tập 1, Phẩm Hoa, 8. Đám cưới bà Tỳ Xá Khư, Nxb. Hồng Đức, tr. 380.
[13] Thích Minh Châu dịch, 2020, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương Tám pháp, Phẩm Ngày trai giới, kinh Visākhā, Nxb Hồng Đức, tr 995.
[14] Trưởng Lão Pháp Minh dịch, 2011, Chú Giải Kinh Pháp Cú, Quyển 1, Phẩm Song Đối, Tích Trưởng Lão Cakkhupāla, Nxb. Tôn Giáo, tr. 15.
[15] Sdd, tr. 210.
[16] HT. Thích Minh Châu – Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch, 2021, Kinh Tiểu Bộ 1, Chuyện Thiên Cung, IV. Phẩm Đỏ Sẫm (Manjitthakavagga) 44. Chuyện Lâu Đài Tinh Xá (Vihāravimānavatthu), Nxb. Hồng Đức, tr. 583.
[17] Tỳ Khưu Minh Huệ, 2019, Đại Phật Sử, tập 4, Nxb. Hồng Đức, tr. 253.