Hơn 18.000 ngôi chùa cầu nguyện vận hành thông suốt mô hình chính quyền 2 cấp

Hơn 18.000 ngôi chùa cầu nguyện vận hành thông suốt mô hình chính quyền 2 cấp
5 giờ trướcBài gốc
Đúng 6h sáng 1/7, hơn 18.000 ngôi chùa khắp cả nước đã khởi 3 hồi chuông trống và thực hiện khóa lễ cầu nguyện quốc thái dân an, theo đúng hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng hành ghi dấu thời khắc lịch sử đất nước: Ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp tại 34 tỉnh/thành sau sáp nhập.
Nghi thức cử hành chuông trống Bát nhã, cầu quốc thái dân an tại chùa Quán Sứ, Hà Nội
Nghi thức cử hành chuông trống Bát nhã tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam
Cử chuông trống bát nhã là nghi thức rất trang trọng, thiêng liêng, thường được thực hiện trong những khóa lễ tâm linh đặc biệt hàng năm của Phật giáo như đón mừng năm mới, Phật đản, Vu lan...
Nhân dịp những sự kiện lớn của đất nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã nhiều lần chỉ đạo tất cả các chùa trên cả nước cùng cử chuông trống Bát nhã vào một thời khắc nhất định.
Trao đổi với báo giới tại chùa Quán Sứ, trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội cho biết: Trong suốt hơn 2.000 năm lịch sử, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc. Mỗi khi bước vào thời khắc lịch sử của đất nước, Phật giáo luôn tổ chức nghi lễ cầu quốc thái dân an.
Chuông trống là pháp khí của Phật giáo, thể hiện sự dẫn dắt trong lời cầu nguyện, hướng tới những mong ước cao đẹp khi thực hành nghi thức Phật giáo. Ba hồi chuông trống Bát nhã được cử hành đồng thời từ đúng 6h sáng 1/7.
Nghi thức thỉnh ba hồi chuông trống Bát nhã để cung thỉnh chư Phật, Bồ Tát, chư Thiên thiện thần, thánh chúng gia hộ cho những tâm nguyện tốt lành, cho những kế hoạch, định hướng, mục tiêu tương lai được thành công, viên mãn.
Nghi thức tụng kinh Dược sư - nghi thức cầu an của Phật giáo để cầu mong mọi sự bình an, vận hành được thông suốt, thuận lợi, đúng theo ước nguyện.
Nghi thức tụng kinh Dược sư - nghi thức cầu an của Phật giáo
“Sau khi chùa Quán Sứ cử xong 3 hồi chuông trống Bát nhã và chư tăng ni tụng kinh Dược Sư để cầu quốc thái dân an, tôi thấy rất xúc động. Nhìn đồng bào phật tử ai cũng hồ hởi, phấn khởi, dường như tất cả người dân đều có niềm tin vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiệu năng hiệu lực hiệu quả của Nhà nước và công cuộc sáp nhập các tỉnh thành, phường xã trong cả nước. Nói như Tổng Bí thư Tô Lâm: Chúng ta đang sắp xếp lại giang sơn, đem đến sự phồn vinh thịnh vượng cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân”, Thượng tọa Thích Đức Thiện bày tỏ.
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ cảm xúc với báo giới tại chùa Quán Sứ.
Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, thông qua khóa lễ cầu Quốc thái dân an, Giáo hội Phật giáo Việt Nam mong muốn mọi người cùng đồng lòng hướng tâm cầu nguyện cho tất cả bộ máy hành chính 2 cấp trên cả nước hoạt động được thông suốt thuận lợi, mọi người đều an lạc, hoan hỉ, vững vàng niềm tin, bước vào kỉ nguyên mới của dân tộc.
Tham dự nghi thức cầu quốc thái dân an nhân ngày đầu tiên chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Phật tử Nguyễn Duy Lương, ở 11 Liễu Giai, Hà Nội, chia sẻ cảm xúc hạnh phúc, vui mừng.
Phật tử Nguyễn Duy Lương lần đầu tham dự nghi thức cầu quốc thái dân an nhân dịp sự kiện trọng đại của đất nước
“Mọi người ở đây rất tập trung, hoan hỷ tụng kinh, hoàn thành một buổi cầu an trọn vẹn. Ai cũng mong đất nước sẽ ngày càng phát triển. Cá nhân tôi là một người trẻ, sẽ làm việc thật tốt, tuân thủ quy định pháp luật, góp một phần nhỏ để đất nước sẽ có thể sánh vai các cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ”, phật tử Nguyễn Duy Lương nói.
Chung cảm xúc hân hoan về dự khóa lễ cầu quốc thái dân an, phật tử Phạm Thị Xuân, ở số nhà 27A phố Vạn Kiếp, Hà Nội, bày tỏ sự tri ân Phật Pháp Tăng Tam bảo đã là ngôi nhà cho phật tử nương tựa, sống tốt hơn; cảm ơn Chính phủ và các cấp lãnh đạo tích cực đổi mới để đất nước ngày càng thịnh vượng.
Phật tử Phạm Thị Xuân mong muốn đất nước luôn được hòa bình, nhà nhà ấm no, người người an vui, hạnh phúc.
Qua lễ cầu quốc thái dân an lần này, phật tử Phạm Thị Xuân mong đất nước luôn được hòa bình, nhà nhà ấm no, người người an vui, hạnh phúc.
Từ 6h ngày 1/7, Hòa thượng Thích Thanh Quyết - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội thỉnh chuông tại cung Trúc Lâm, chùa Yên Tử, Quảng Ninh. Ảnh: T.Tình
Đúng 0h ngày 1/7, Tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở Hà Nội, hàng nghìn tăng ni sinh trang nghiêm tổ chức Đại lễ cầu nguyện Quốc thái dân an. Ảnh: T.Tình
34 ban trị sự Giáo hội Phật giáo bắt đầu hoạt động từ 1/7
Ngày 7/11/1981, tại trụ sở chùa Quán Sứ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức ra đời trên cơ sở đoàn kết hòa hợp, hợp nhất của 9 hệ phái tổ chức Phật giáo trong cả nước, thành lập ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Với tinh thần nhập thế của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, thường xuyên hướng dẫn tăng ni, Phật tử phát huy tinh thần yêu nước, đem lại hạnh phúc cho mọi người dân.
Trước cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của đất nước, Giáo hội cũng dừng hoạt động của ban trị sự Phật giáo cấp huyện, sáp nhập ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại những địa phương được tiến hành sáp nhập.
Ngày 30/6, Đức Trưởng lão Hòa Thượng Chủ tịch Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ký quyết định thành lập mới đối với 23 ban trị sự ở những địa phương được sáp nhập, và giữ nguyên 11 ban trị sự ở những địa phương không tiến hành sáp nhập địa giới hành chính. Các ban trị sự bắt đầu hoạt động từ 1/7/2025.
Bình Minh
Thế Bằng
Xuân Minh
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/hon-18-000-ngoi-chua-cau-nguyen-van-hanh-thong-suot-mo-hinh-chinh-quyen-hai-cap-2416955.html