Điện Biên: Mường Pồn tái thiết, khắc phục khó khăn sau sau lũ

Điện Biên: Mường Pồn tái thiết, khắc phục khó khăn sau sau lũ
3 giờ trướcBài gốc
Ông Nguyễn Tiến Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) cho biết, trận mưa lũ vừa qua gây thiệt hại 13 người tại xã Mường Pồn (trong đó 4 người chết, 3 người mất tích và 6 bị thương). Bên cạnh đó còn thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân: 91 nhà bị thiệt hại; tại 10 bản (Mường Pồn 1, Mường Pồn 2, Tin Tốc, Lĩnh, Huổi Chan 1, Huổi Chan 2, Cò Chạy 1, Cò Chạy 2, Huổi Un, Pá Chả) bị thiệt hại 159,42 ha cây trồng. Bên cạnh đó là những thiệt hại lớn về thủy sản, vật nuôi khác; hàng trăm hecta đất canh tác bị đất đá vùi lấp; nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, điện và đường giao thông bị sạt lở, phá hủy bởi mưa lũ. Tổng thiệt hại lên tới 175.000 triệu đồng.
Sau những thiệt hại do cơn lũ để lại, Mường Pồn đang tích cực tái thiết, khắc phục khó khăn.
Theo tính toán, nguồn vốn để tái thiết cần tới 256.222 triệu đồng nhưng đến nay mới bố trí được 39.622 triệu đồng cho Mường Pồn.
Những gia đình có người bị chết, mất tích, bị thương đã được kịp thời hỗ trợ về tiền, vật chất và chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, UBND huyện đã có đề nghị Sở LĐ,TB&XH hỗ trợ 61.470kg gạo cho 1.336 khẩu với 333 hộ của các bản: Mường Pồn 1, 2; Tin tốc; Huổi Chan 1, 2 và hỗ trợ gạo trong 3 tháng đối với người dân tại bản Lĩnh (hỗ trợ 15 kg gạo/người/tháng). Hiện nay, các cơ quan chuyên môn của huyện đang phối hợp với UBND xã Mường Pồn rà soát danh sách để hỗ trợ theo quy định (dự kiến sẽ thực hiện hỗ trợ trong tháng 10/2024).
Theo ông Cường, huyện cũng đã phê duyệt phương án hỗ trợ và cấp 1.333 triệu đồng hỗ trợ 90 nhà ở và cấp chính quyền xã Mường Pồn đang rà soát các hộ dân nằm trong vùng thiên tai cần phải di chuyển để điều chỉnh chế độ, chính sách hỗ trợ cho người dân và chi trả theo quy định hiện hành.
Vừa qua, Công an huyện Điện Biên cũng đã bàn giao cho các hộ dân 10/20 nhà từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ Công an, vốn của huyện và đối ứng của người dân tại bản Lĩnh; 10/20 hộ còn lại đang chờ quỹ đất để thực hiện. Ban Chỉ huy quân sự huyện đã giúp hộ dân tháo dỡ, di chuyển, dựng nhà và đang hoàn thiện 8/71 nhà từ nguồn hỗ trợ của Bộ Quốc Phòng, 63 hộ đang chờ các dự án ổn định dân cư san gặt mặt bằng tạo quỹ đất để thực hiện.
Huyện Điện Biên đang tập trung chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện các phương án sắp xếp ổn định dân cư để có quỹ đất làm nhà ở cho các hộ dân còn lại và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý IV/2024.
Một số gia đình đã được hỗ trợ xây dựng nhà đến nơi ở mới, trên nền đất của những người thân.
Và đang tiếp tục thi công, hoàn thiện những hạng mục phụ trợ.
Ngoài ra, để đảm bảo cuộc sống, tái thiết sản xuất, huyện Điện Biên cũng đã phê duyệt phương án hỗ trợ và cấp kinh phí cho 571 hộ bị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ mô hình chăn nuôi gà thương phẩm (chu kỳ 1 lứa) tạo sinh kế cho 278 hộ; hỗ trợ mô hình trồng trọt, cải tạo đất, chỉnh trang bờ thửa ruộng sau khi đã được san gạt lớp mặt để khôi phục sản xuất (bao gồm cả diện tích nhà nước hỗ trợ khắc phục và diện tích do nhân dân tự khắc phục) với diện tích 115 ha…
Cơn lũ băng qua san phẳng, vùi lấp những ngôi nhà và nhiều diện tích đất canh tác của người dân.
Phần diện tích rộng lớn đang được quy hoạch lại, xử lý và tái thiết cuộc sống.
Dù vậy, trên thực tế thực hiện tái thiết, Mường Pồn gặp phải những khó khăn nhất định. Các phần diện tích đất nông nghiệp của người dân trước khi bị ảnh hưởng bởi lũ chưa được đo đạc lập bản đồ hiện trạng nên hiện nay việc xác định diện tích bị ảnh hưởng của các hộ gia đình, cá nhân gặp vướng. Công tác xác định các diện tích bị ảnh hưởng được thực hiện theo kê khai của nhân dân dẫn đến việc chưa nhất trí về diện tích giữa các chủ sử dụng đất. Đây chính là những khó khăn trong việc chia lại đất sau khi khôi phục, cải tạo đất đối với các hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Các phần diện tích đất bị vùi lấp hoàn toàn không có khả năng khôi phục chưa có căn cứ để thực hiện thu hồi và chi trả bồi thường theo quy định hiện hành.
Cấp chính quyền còn gặp khó trong việc xác định diện tích đất, di dời và cấp đất cho người dân bởi trước đó diện tích đất của người dân chưa được đo đạc, lập bản đồ cụ thể.
Phương án ổn định dân cư gặp khó khăn bởi có phần nằm trong phần diện tích rừng phải chờ được phê duyệt; bởi dự kiến cấp 300m2 đất cho mỗi hộ dân nhưng một số hộ dân chưa đồng thuận và đề nghị cấp diện tích như trước khi thiên tai xảy ra trong khi mưa lũ, sạt lở đất đã làm mất hiện trạng ban đầu.
Nguồn vốn để khắc phục hậu quả thiên tại tại Mường Pồn còn rất khó khăn do thiệt hại gây ra quá lớn, vượt quá khả năng cân đối ngân sách của huyện. Địa phương cùng các sở, ngành chuyên môn đang xem xét, đề xuất với Trung ương sớm cân đối bố trí thêm nguồn vốn hỗ trợ huyện thực hiện hoàn chỉnh các dự án sắp xếp ổn định dân cư; đầu tư cơ sở hạ tầng để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.
Đông A
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dien-bien-muong-pon-tai-thiet-khac-phuc-kho-khan-sau-sau-lu-10293241.html