Mô hình cây ăn quả (mít, bưởi da xanh) tại xã Noong Luống, huyện Điện Biên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên đã ban hành nhiều văn bản nhằm định hướng cho các địa phương trong việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn theo Đề án đã đề ra, triển khai các quy trình sản xuất cây ăn quả, cây ăn quả theo VietGAP…, các văn bản hướng dẫn, phòng trừ sinh vật gây hại trên cây ăn quả…Sở cũng chỉ đạo các chi cục, trung tâm trực thuộc phối hợp các đơn vị liên quan triển khai, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất các nội dung, chính sách hỗ trợ sản xuất cây ăn quả; sử dụng linh hoạt các nguồn kinh phí được giao hàng năm để ưu tiên triển khai, thực hiện các nội dung hỗ trợ, thúc đẩy phát triển cây ăn quả trên địa bàn.
Căn cứ Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, 10/10 huyện, thị xã, thành phố đã ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án; thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phát triển cây ăn quả, các quy trình, tiến bộ khoa học kỹ thuật, công tác phòng trừ sinh vật gây hại trên cây ăn quả. Các huyện đã tập trung rà soát địa điểm, quỹ đất, diện tích các vùng trồng cây ăn quả dự kiến phát triển tập trung bổ sung, rà soát quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện… xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kế hoạch sử dụng đất cho phù hợp. Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa và đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả là 578ha, tập trung soát lại diện tích, cơ cấu giống các loại cây ăn quả già cỗi, năng suất, chất lượng kém để ghép cải tạo, chuyển đổi sang các giống mới có năng suất, chất lượng tốt hơn.
Việc triển khai thực hiện các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cây ăn quả đã giúp người sản xuất nông nghiệp tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước thay đổi tư duy trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung, bền vững, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, nhiều người dân, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động tham gia liên kết, hợp tác; đã làm chủ được kỹ thuật sản xuất, năng suất, chất lượng sản phẩm dần được nâng cao.
Tính đến hết ngày 31/5/2024, tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt 4.134, 4ha, tăng 1.093,2ha so với năm 2020, đạt 82,7% so với mục tiêu của Đề án (đến năm 2025). Bước đầu hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và thành phố Điện Biên Phủ với tổng diện tích cây ăn quả là 3.192ha, với một số loại cây ăn quả chính như: xoài, mít, dứa, bưởi, lê, bơ để tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới cung cấp nguyên liệu chế biến cho các Công ty Nafoods Tây Bắc; Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; TH True milk...
Để công tác sản xuất giống trên địa bàn được chủ động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nộp hồ sơ để xin công nhận đặc cách giống cây trồng và tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã làm thủ tục công nhận vườn cây đầu dòng để làm nguồn vật liệu nhân giống, chủ động cung ứng giống cho sản xuất.
Sản xuất áp dụng các quy trình VietGAP, hữu cơ, an toàn... ngày càng được doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân quan tâm. Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam (huyện Điện Biên) đã được chứng nhận hữu cơ cho 3,5ha cây ăn quả (cam; bưởi; chuối), là cơ sở đầu tiên được công nhận hữu cơ cho cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Công ty cổ phần thương mại xuất nhập khẩu Điện Biên được chứng nhận GLOBALGAP năm 2023 với 3ha cây ăn quả (ổi, bưởi)…
Công tác đào tạo, tập huấn, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong trông, bảo quản, chế biến sản phẩm cây ăn quả; đào tạo người nông dân điển hình, có khả năng truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hộ nông dân khác trong vùng; công tác đào tạo, nâng cao năng lực quản trị, quản lý, năng lực khoa học kỹ thuật, năng lực thị trường... ngày càng được quan tâm thực hiện.
Sở Nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến các cơ sở các văn bản, hội nghị liên quan đến công tác xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Hàng năm, tham gia phối hợp, liên kết tổ chức hội chợ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lồng ghép và triển khai có hiệu quả các chính sách Trung ương và các chính sách địa phương để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả, tập trung nghiên cứu, rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách phù hợp với nguồn ngân sách của tỉnh và thực tiễn sản xuất tại địa phương phục vụ phát triển cây ăn quả.
Nhiều hộ dân trồng cây ăn quả.
Thực tế triển khai Đề án còn một số bất cập, hạn chế. Sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phát triển còn gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng được yêu cầu đặc biệt là trong khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm. Khuyến nông viên cấp xã và cộng tác viên khuyến nông thôn, bản còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, chưa phát huy được vai trò sát cánh cùng với khuyến nông tỉnh, huyện trong công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, trực tiếp hoặc phối hợp thực hiện các mô hình, giúp nông dân tiếp cận được với công nghệ mới, thích ứng với nền sản xuất hàng hóa.
Hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân là những lực lượng quan trọng trong triển khai, thực hiện các định hướng, mục tiêu phát triển cây ăn quả nhưng năng lực quản lý, điều hành theo cơ chế thị trường còn hạn chế. Một bộ phận nông dân còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa chủ động trong việc đổi mới phương thức sản xuất, định hướng sản xuất lâu dài. Các kênh tiêu thụ chủ yếu thông qua tư thương; mạng lưới tiêu thụ sản phẩm quả của tỉnh còn mang tính tự phát, hệ thống vận chuyển xử lý, phân loại, đóng gói, tiêu thụ và tiếp thị mở rộng thị trường còn nhiều hạn chế. Kỹ thuật canh tác còn nhiều bất cập, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa được chú trọng, phần lớn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác thực hiện Đề án…
Thời gian tới, các địa phương trong tỉnh Điện Biên cần quan tâm hơn nữa đến việc hỗ trợ phát triển cây ăn quả tại địa phương, sử dụng hiệu quả, tập trung các nguồn lực của các chương trình, chính sách của Trung ương và địa phương để khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn. Cùng với đó, hỗ trợ nâng cao năng lực về quản lý, điều hành, tài chính để các hợp tác xã, doanh nghiệp có trách nhiệm hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật đầy đủ cho nông dân.
Cần có các nghiên cứu cơ bản, khoa học và hệ thống trong việc đánh giá tiềm năng đất đai, khí hậu và lựa chọn cây trồng phù hợp với từng địa phương và tập quán canh tác của người dân, tạo sự khác biệt mang tính đặc trưng của từng vùng, khả năng cạnh tranh cao. Hỗ trợ xây dựng, hình thành các nhà máy chế biến sâu sản phẩm cây ăn quả trên địa bàn tạo ra nguồn thu mua ổn định, tạo lòng tin với người sản xuất để mở rộng vùng nguyên liệu; chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm cây ăn quả, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và ổn định cho người sản xuất.
Tăng cường kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Triển khai, thực hiện các dự án nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới sản xuất theo vùng; có liên kết với nhà máy chế biến hoặc đơn vị bao tiêu sản phẩm để thuận tiện trong việc quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm và tránh tình trạng nông sản khó tiêu thụ hoặc bị thương lái ép giá.
TRUNG DŨNG