Điện Biên: Vướng mắc tại dự án trường học 45 tỷ đồng

Điện Biên: Vướng mắc tại dự án trường học 45 tỷ đồng
2 giờ trướcBài gốc
Thông tin tìm hiểu được biết, dự án xây dựng Trường THCS thị trấn Tuấn Giáo có tổng diện tích được xây dựng trên diện tích 14.640 m2 tại bản Chiềng Khoang, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương do UBND huyện Tuần Giáo làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh Điện Biên có quyết định phê duyệt từ 31/5/2021.
Dự án có quy mô: Khối nhà 3 tầng với 18 phòng học; khối nhà 2 tầng với 8 phòng học bộ môn; nhà Ban giám hiệu và hỗ trợ học tập; cùng các hạng mục phụ trợ như: Nhà bảo vệ, cổng, tường rào, gara xe dành cho giáo viên, gara xe học sinh, nhà vệ sinh giáo viên và học sinh…
Tuy nhiên, cho đến nay, các hạng mục xây dựng công trình cơ bản được hoàn thiện nhưng ngay tại giữa trung tâm khuôn viên của trường học vẫn còn một phần lớn diện tích đất chưa được chủ đầu tư giải quyết việc đền bù, giải phóng mặt bằng. Được biết, phần diện tích đất chưa thể giải phóng mặt bằng có diện tích gần 1.000 m2 thuộc về hộ gia đình ông Đào Quang Trung.
Các khối nhà thuộc dự án được xây dựng hoàn thiện nhưng phần diện tích đất chưa thể giải phóng mặt bằng vẫn nằm trong "lõi" của dự án.
Trao đổi với PV, ông Đào Quang Trung cho biết, đây là mảnh đất và ngôi nhà duy nhất của gia đình ông. Tuy nhiên, do việc xác định và áp dụng cơ chế đền bù chưa được thỏa đáng nên ông chưa đồng ý và đã phải gửi đơn khiếu nại tới nhiều cấp và cơ quan chức năng xem xét được thấu tình, đạt lý. Đến nay, do quá trình xây dựng các hạng mục khiến ngôi nhà của ông bị ảnh hưởng nên đã phải dời đi, ở nhờ nhà của người thân.
Dù khẳng định là tuân thủ pháp luật và hoàn toàn ủng hộ sự cần thiết đối với việc xây dựng trường học nhưng ông Trung vẫn cho rằng gia đình không đồng ý với phương án và cơ chế đền bù của huyện đối với phần đất của mình. Ông Trung lý giải: Bản thân ông đi bộ đội từ năm 1972 đến 1978. Năm 1990 ông cưới vợ là người bản Chiềng Khoang và vợ chồng ông sinh sống ổn định đến nay. Hiện tại, gia đình ông có 5 nhân khẩu, vợ chồng đã già yếu, 3 người con không có việc làm ổn định và còn đang đi học, kinh tế rất khó khăn.
Nói về nguồn gốc đất của mình, ông Trung cho biết: Năm 1991, ông Trung được Hợp tác xã (HTX) Chiềng Noong cho thầu khoán lò ngói có diện tích 2.200 m2 để sản xuất ngói phục vụ chủ trương “ngói hóa nông thôn” tại địa phương giai đoạn đó. Thời điểm đó, vì gia đình ông là xã viên của HTX, là hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, có hộ khẩu tại địa phương nhưng chưa có đất sản xuất nên từ năm 1991 đã được HTX chia cho 600 m2 (nằm ngoài diện tích đất lò ngói được giao thầu khoán) để làm nhà ở, chỗ sản xuất và chăn nuôi. Cũng từ thời điểm đó gia đình ông đã khai hoang thêm nên tổng diện tích đất đã tăng lên 999 m2 như hiện tại và đã làm nhà ở, các công trình phụ trợ,…
Ông Đào Quang Trung lý giải nguồn gốc sử dụng đất của gia đình mình được giao từ năm 1991 và việc áp phương án đền bù của cấp chính quyền đối với mình chưa được đảm bảo quyền lợi.
Ông Trung viện dẫn cho việc gia đình làm nhà, sinh sống ổn định suốt từ năm 1991 trên mảnh đất của mình nhưng dù chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng vẫn nộp thuế đất theo quy định bằng những biên lai thu thuế nhà, đất. Việc chưa làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là do suy nghĩ gia đình đã có nhà ở, ổn định lâu dài và trên thực tế thì do tập quán địa phương nên nhiều hộ dân trong bản cũng cùng quan niệm như vậy nên qua các giai đoạn thay đổi của Luật Đất đai nhưng vẫn không thực hiện thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Trung khẳng định, diện tích 2.200 m2 đất được giao thầu đã được thanh lý hợp đồng với cấp chính quyền, diện tích đất 999 m2 ông đang sử dụng không liên quan gì đến phần đất lò ngói được giao thầu.
Trước những vấn đề như: Dự án chưa hoàn thiện công tác giải phóng mặt bằng, chưa thống nhất giải quyết bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân có đất, nhà ở trên địa điểm xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tổ chức thi công các hạng mục công trình khiến cuộc sống của hộ gia đình ông Đào Quang Trung bị đảo lộn; chủ đầu tư thực hiện quy trình thi công như vậy đã bảo đảm đúng quy trình, quy định của pháp luật như thế nào; hơn nữa, trong quá trình thi công xây dựng đã xảy ra sự việc 1 nam công nhân tử vong trong dự án khiến dư luận phải băn khoăn về việc nhà thầu thi công và chủ đầu tư đã thực hiện bảo đảm đúng quy định về an toàn lao động, sử dụng nhân sự như thế nào...
Chia sẻ với PV, ông Hà Cầm Hồng, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo ghi nhận dự án đang gặp vướng và trong quá trình giải quyết công tác đền bù với trường hợp của ông Đào Quang Trung. Ông Hồng đánh giá, liên quan đến giải phóng mặt bằng, vì cơ chế chính sách của nhà nước không theo diễn biến giá cả, thực tế nên giá đền bù không đáp ứng được nguyện vọng của người dân. Trường hợp 1 người tử vong xảy ra tại công trường là trường hợp lao động khoán gọn của các doanh nghiệp, không phải là lao động thường xuyên trực tiếp với đơn vị nhà thầu đó. Sự việc không may xảy ra, các nhà thầu thi công đã quan tâm, hỗ trợ đối với gia đình người bị nạn. Vì liên quan đến cái chết nên cơ quan công an cũng đã nắm tình hình.
Ông Ngô Cương Quyết, Giám đốc Ban Quản lý dự án và phát triển quỹ đất huyện Tuần Giáo cho biết, phần diện tích đất ông Trung khai hoang là 381 m2. 618 m2 đất liền kề là đất lò ngói được giao thầu ngày xưa thì huyện không đền bù. Trường hợp của ông Trung đang được phối hợp với sở ngành và xin ý kiến chỉ đạo của tỉnh. Việc ông Trung không có chỗ ở khi giải phóng mặt bằng cho dự án thì huyện đề xuất xin tỉnh cho cơ chế để đền bù, giao đất có thu tiền. Liên quan đến sự việc khiến 1 nam lao động tử trong công trình, ông Quyết cho rằng, sự việc xảy ra ngoài ý muốn và cũng được giải quyết theo hướng dân sự giữa các bên… Cũng theo ông Quyết, kế hoạch là tới tháng 12/2024 công trình trường học sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
Đông A
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/dien-bien-vuong-mac-tai-du-an-truong-hoc-45-ty-dong-10292482.html