Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thị trấn Davos (Thụy Sĩ) ngày 21-1, các nhà lãnh đạo từ Liên minh châu Âu (EU), Đức và Trung Quốc đã đồng loạt kêu gọi bảo vệ hợp tác toàn cầu, trong bối cảnh lo ngại căng thẳng thương mại sẽ gia tăng sau khi ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng, theo hãng tin AFP.
Các chính sách áp thuế quyết liệt của ông Trump đã làm dấy lên bóng ma chiến tranh thương mại, một lần nữa đe dọa cấu trúc kinh tế toàn cầu.
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thị trấn Davos (Thụy Sĩ) ngày 21-1. Ảnh: WEF
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đinh Tiết Tường, và Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã kêu gọi duy trì đối thoại và hợp tác.
Ông Đinh chỉ trích chủ nghĩa bảo hộ mà không nhắc trực tiếp đến ông Trump: "Chủ nghĩa bảo hộ không đem lại lợi ích cho bất kỳ ai và không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại”.
Ông Trump đã cảnh báo áp mức thuế quan mới vào các công ty Trung Quốc nếu Bắc Kinh không đáp ứng yêu cầu bán bớt cổ phần trong TikTok. Phía Trung Quốc phản ứng thận trọng, kêu gọi Mỹ tạo môi trường kinh doanh công bằng.
"Châu Âu sẵn sàng đối thoại và đàm phán thực tế nhưng luôn giữ vững các giá trị và nguyên tắc” - bà Leyen nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi tìm kiếm giải pháp hợp tác với Trung Quốc bất chấp các căng thẳng về thuế quan đối với xe điện và trợ cấp công nghệ xanh.
Trong khi đó, bà Leyen lại có giọng điệu hòa giải, nói rằng “ưu tiên hàng đầu của EU sẽ là tham gia sớm, thảo luận về lợi ích chung và sẵn sàng đàm phán” với ông Trump.
"Chúng tôi sẽ thực tế, sẽ luôn tuân thủ các nguyên tắc của mình để bảo vệ lợi ích và duy trì các giá trị của mình” - bà nói.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng nói rằng châu Âu "phải hợp tác mang tính xây dựng với Trung Quốc để tìm giải pháp vì lợi ích chung của các bên" bất chấp căng thẳng giữa hai bên về thuế quan đối với xe điện và trợ cấp công nghệ xanh vẫn đang leo thang.
Trong khi đó, Thủ tướng Scholz cảnh báo: "Cô lập sẽ chỉ làm tổn hại sự thịnh vượng chung".
"Tổng thống Trump nêu cao slogan ‘nước Mỹ trước tiên' và ông ấy thật sự muốn như vậy. Không có gì sai khi quan tâm đến lợi ích của đất nước bạn. Chỉ là sự hợp tác và thấu hiểu với nước khác cũng thường mang lại lợi ích cho bạn mà thôi" - ông Scholz nói.
Ông Trump chưa lên tiếng về các phát ngôn trên.
DƯƠNG KHANG