Diễn đàn 'Người Việt có xài sang?': Sang không có nghĩa là đắt tiền

Diễn đàn 'Người Việt có xài sang?': Sang không có nghĩa là đắt tiền
3 giờ trướcBài gốc
Theo nhiều cuộc phân tích và khảo sát xã hội, phần đông khách hàng của những thương hiệu xa xỉ là tầng lớp trung lưu. Trong các đợt mở bán và tạo làn sóng mua sắm theo “trend” thì chiếm phần lớn là những khách hàng vừa bắt đầu có chút tiền dư dả và muốn thực hiện ngay giấc mơ lúc họ còn nghèo là được sở hữu những món đồ “sang”, tạo phong cách sinh hoạt hào nhoáng hơn.
Còn với tầng lớp thượng lưu, đa phần cái họ nghĩ tới không phải là cố sắm sửa hàng xa xỉ, mà là tìm ra phương thức đầu tư và kiếm nhiều tiền hơn. Ít thấy ai thật sự giàu lại đi khoe giàu bằng những món hàng hiệu. Đó là sự chênh lệch trong tư duy, kéo theo là sự phát triển không bền vững của nền kinh tế.
Minh họa AI: Vy Thư
Thông thường, những khu vực mới phát triển và đang giàu lên một cách nhanh chóng sẽ có mức chi tiêu hàng xa xỉ cao hơn phần còn lại của thế giới. Kiếm tiền dễ dàng giúp họ mua sắm thả ga.
Tuy vậy, việc chi tiêu nhiều vào những món đồ xa xỉ theo trào lưu, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chìm trong khó khăn, là một hồi chuông đáng báo động. Đặc biệt, trong thời buổi nhiều biến động, việc chi tiêu thông minh và dành tiền để đầu tư, hoặc tiết kiệm phòng hờ những bất trắc như thiên tai, dịch bệnh, trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Một hệ lụy cần quan tâm khi người ta giàu lên quá nhanh và đột ngột, cũng như mức chi tiêu hàng xa xỉ vượt nhu cầu cần thiết, đó chính là sự chênh lệch với trình độ phát triển văn hóa.
Khi tiền đến quá nhanh và dễ dàng, nhiều người có tâm lý hưởng lạc để đền bù quá khứ thay vì trau dồi và nâng cao cách cư xử cùng tư duy để tương xứng với số tiền họ có. Kéo theo nhiều hình ảnh đáng buồn, như dựa vào tiền để hành xử ngông nghênh, bừa bãi.
Việc mua sắm hàng xa xỉ theo trào lưu không phải là cách để thể hiện vị trí hay đẳng cấp. Để nâng cao giá trị, cần có kế hoạch tiêu dùng thông minh và không ngừng nâng tầm văn hóa của bản thân cho tương xứng.
Việc mua sắm theo phong trào, để bằng bạn bằng bè, khi không thực sự có nhu cầu sử dụng, là một loại lãng phí. Nhất là có nhiều người còn vay tiền để sắm hàng xa xỉ, dù đồ đang dùng vẫn còn sử dụng tốt, trở thành gáng nặng tài chính vô cùng lớn cho bản thân và gia đình.
Ông Patrick Thomas, Tổng Giám đốc Hermes toàn cầu, từng chia sẻ: “Sang” không có nghĩa là “đắt tiền”. Bởi không phải lúc nào đắt tiền cũng có chất lượng tốt và ngược lại.
Họ dùng hàng xa xỉ với mong muốn sở hữu nó nhiều hơn là lý do họ cần có nó.
Mỗi người lại có một định nghĩa xài “sang” khác nhau. Đôi khi, được sử dụng những món đồ ngày xưa là sang. Có lúc mua cho ba mẹ một chiếc điện thoại đời mới thay cho cái “cục gạch” để ông bà gọi video cũng là sang. Có người thấy ở nhà cao tầng là sang. Có người thích hòa cùng thiên nhiên mới là sang.
Nói chung, xài “sang” không nên phụ thuộc vào giá cả, mà cần dựa vào sự phù hợp trong từng hoàn cảnh, suy nghĩ.
Nguyên Văn
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dien-dan-nguoi-viet-co-xai-sang-sang-khong-co-nghia-la-dat-tien-19624100610152945.htm