Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 23/7 nhận định các cuộc biểu tình ở Ukraine là vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, ông cho rằng phương Tây có lý do chính đáng để lo ngại về cách Kiev sử dụng viện trợ. Ông nhấn mạnh tình trạng tham nhũng kéo dài tại Ukraine có thể khiến phần lớn nguồn tài trợ từ Mỹ và châu Âu bị thất thoát.
“Có thể khẳng định rằng một phần đáng kể số tiền này đã không được sử dụng đúng mục đích” - ông Peskov nói. “Mức độ tham nhũng cao là thực tế đã được công nhận.”
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang chứng kiến làn sóng biểu tình lớn sau khi Quốc hội thông qua luật mới ảnh hưởng đến cơ cấu các cơ quan chống tham nhũng. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký ban hành luật ngay tối 23/7, làm dấy lên lo ngại trong nước và quốc tế.
Luật mới chuyển quyền giám sát Cục Chống tham nhũng Quốc gia (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chống tham nhũng Đặc biệt (SAPO) về cho tổng công tố viên Ukraine. Hai cơ quan này được thành lập với mục tiêu điều tra tham nhũng cấp cao một cách độc lập, không chịu sự chi phối từ cơ quan hành pháp hay chính trị.
Người biểu tình tại Kiev ngày 22/7/2025 phản đối luật mới bị cho là làm suy yếu tính độc lập của các cơ quan chống tham nhũng. Ảnh: The Kiev Independent
Hàng nghìn người đã xuống đường tại Kiev, Lviv, Odesa và Dnipro để phản đối đạo luật mới. Họ mang theo các biểu ngữ kêu gọi phủ quyết, bảo vệ tính độc lập của NABU và SAPO, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu minh bạch trong điều hành đất nước. Nhiều người nhắc lại phát biểu của Tổng thống Zelensky vào năm 2019, khi ông kêu gọi công chúng không im lặng trước tham nhũng và khuyến khích liên hệ trực tiếp với đường dây nóng của NABU để tố giác tiêu cực.
Các cuộc tuần hành thu hút nhiều thành phần xã hội, từ cựu chiến binh, sinh viên đến các nhà hoạt động. Đây là làn sóng biểu tình lớn nhất tại Ukraine kể từ đầu năm 2022.
Trong tuyên bố chung, NABU và SAPO cảnh báo rằng luật mới khiến vai trò của họ trở nên hình thức. Họ cam kết tiếp tục làm việc độc lập và bày tỏ biết ơn người dân đã ủng hộ.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế tại Ukraine cho rằng luật mới là “một bước thụt lùi”, đồng thời chỉ trích các cuộc khám xét gần đây nhằm vào NABU. Theo tổ chức này, những hành động đó gây áp lực không cần thiết đối với các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực chống tham nhũng.
Liên minh châu Âu cũng bày tỏ lo ngại. Ủy viên phụ trách mở rộng EU Marta Kos cho rằng việc làm suy yếu tính độc lập của NABU và SAPO đi ngược với các tiêu chuẩn pháp quyền mà Ukraine cần tuân thủ. Bà nhấn mạnh đây là điều kiện then chốt trong tiến trình đàm phán gia nhập EU.
Trong bài phát biểu tối 24/7, Tổng thống Zelensky trấn an dư luận, khẳng định các cơ quan chống tham nhũng sẽ tiếp tục hoạt động bình thường. Ông cho biết luật mới nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc tồn đọng và nhấn mạnh rằng mọi cáo buộc đều phải được điều tra minh bạch, công bằng.
Chính phủ Ukraine thông báo sẽ xây dựng một kế hoạch hành động trong vòng hai tuần để bảo đảm NABU và SAPO duy trì tính độc lập. Một số nghị sĩ đề xuất thành lập nhóm công tác để rà soát nội dung luật và đề xuất điều chỉnh nếu cần thiết.
Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đang theo dõi sát sao các diễn biến tiếp theo. Giới phân tích nhận định đây là phép thử quan trọng đối với cam kết cải cách của Ukraine và tiến trình hội nhập châu Âu.
Tùng Lâm