Điện mặt trời mái nhà: Đầu tư sau 5 - 6 năm hộ gia đình có thể thu hồi vốn

Điện mặt trời mái nhà: Đầu tư sau 5 - 6 năm hộ gia đình có thể thu hồi vốn
2 ngày trướcBài gốc
Để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời mái nhà, hiện nay Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP cùng các nghị định liên quan, quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới.
Từ quy định của Nghị định 58, các DN khi triển khai hệ thống điện mặt trời mái nhà sẽ chủ động được một phần nguồn điện sử dụng vào ban ngày, khuyến khích lắp đặt thêm hệ thống lưu trữ điện để chủ động sử dụng vào ban đêm, đặc biệt trong các tình huống lưới điện gặp sự cố hoặc mất điện. Đối với hộ gia đình, sau khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà, người dân sẽ có thể sử dụng điện thoải mái hơn mà vẫn tiết kiệm được chi phí điện năng hàng tháng.
Lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, người dân sẽ tiết kiệm được việc sử dụng điện vào giờ cao điểm cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống
Nhận định điện mặt trời sẽ là một trong những nguồn năng lượng quan trọng cho tương lai, góp phần giảm phát thải nhà kính tăng cơ hội để phát triển kinh tế Xanh và bền vững, ông Nguyễn Xuân Quy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam (VCEA) cho rằng, nhu cầu dùng điện trong các năm tới sẽ tăng rất cao đặc biệt là điện sạch. Trong khi đó, xu thế tất yếu trong phát triển năng lượng tái tạo và điện mặt trời tại Việt Nam chính là việc triển khai điện mặt trời mái nhà tại các tòa nhà, nhà xưởng.
“Hàng hóa của các DN xuất khẩu khi dùng điện mặt trời mái nhà sẽ được công nhận Chứng chỉ Xanh. Đây là lợi ích rất lớn với DN khi vào các thị trường có yêu cầu cao, trong bối cảnh giá điện ngày càng tăng và Chính phủ ngày càng chú trọng các chính sách ưu đãi cho năng lượng mặt trời”, ông Quy nhận xét.
Ở mức đầu tư hộ gia đình, theo tính toán của ông Đỗ Văn Năm, Thành viên HĐTV Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), với cơ chế chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản - tự tiêu, người dân sẽ tiết kiệm được việc sử dụng điện vào giờ cao điểm cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống. Chỉ sau khoảng 5 - 6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12 - 15 năm.
Một vấn đề được nhiều người dân và DN quan tâm hiện nay khi đầu tư điện mặt trời mái nhà, đó là các giải pháp công nghệ lưu trữ năng lượng thông minh, an toàn và bền vững. Ông Tony Xu, Nhà sáng lập kiêm CEO của Sigenergy cho biết, bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với các đối tác lớn tại Việt Nam như Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam (VCEA), Công ty CP Hệ thống kỹ thuật ứng dụng (ATS), Công ty CP Tập đoàn PC1, Công ty Sunergy cùng các nhà phân phối uy tín trong nước, Sigenergy đang củng cố sự hiện diện của mình trên thị trường Việt Nam đảm bảo tăng trưởng bền vững, thông qua những nỗ lực hợp tác mang lại lợi ích cho các bên.
“Với hệ thống lưu trữ năng lượng cho thương mại và công nghiệp SigenStack, biến tần hybrid tích hợp thế hệ thứ 2 có công suất từ 50 kW - 125 kW, cùng hệ thống pin lưu trữ thiết kế dạng modul hóa có thể mở rộng theo nhu cầu thực tế sẽ phù hợp với nhiều kịch bản ứng dụng khác nhau, hoàn toàn đáp ứng được cho các dự án năng lượng quy mô lớn, giúp đối tác triển khai linh hoạt. Thiết bị còn được thiết kế sẵn sàng tích hợp hệ thống lưu trữ trong tương lai, cho phép khách hàng dễ dàng nâng cấp pin lưu trữ Sigenergy khi cần, mang lại sự linh hoạt và tiết kiệm lâu dài”, ông Tony Xu thông tin.
Mô hình điện mặt trời mái nhà vừa giúp tiết kiệm chi phí điện năng, vừa góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia và đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển bền vững
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh tầm nhìn từ nay đến năm 2030, toàn hệ thống điện cần lắp mới từ 10.000 - 12.000MW điện năng lượng tái tạo. Quy hoạch cũng đặc biệt ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, tự sản xuất - tự tiêu thụ là tín hiệu hết sức tích cực cho thị trường năng lượng.
Ghi nhận sự quan tâm ngày càng tăng của các DN trong khu vực sản xuất công nghiệp khi đầu tư hệ thống điện mặt trời mái nhà xưởng, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đánh giá, mô hình điện mặt trời mái nhà vừa giúp tiết kiệm chi phí điện năng, vừa góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia và đặc biệt phù hợp với định hướng phát triển bền vững.
Trong khi Việt Nam cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển dịch năng lượng và phát triển nền kinh tế xanh, tuần hoàn. Do đó, từ góc độ cơ quan quản lý và hoạch định chính sách, Bộ Công Thương luôn mong muốn thị trường điện mặt trời tại Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả.
“Sự hợp tác giữa nhà nước và DN đóng vai trò then chốt trong hành trình phát triển năng lượng sạch. Bộ Công Thương cũng kỳ vọng các hãng công nghệ, các nhà cung cấp sẽ tiếp tục mang đến thị trường Việt Nam những sản phẩm tiên tiến nhất không chỉ có hiệu suất cao, còn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn kỹ thuật và các tiêu chuẩn của Việt Nam. Với sự đồng hành của các DN công nghệ hàng đầu, tin rằng mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được”, ông Hùng tin tưởng.
Nguyễn Quỳnh/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/dien-mat-troi-mai-nha-dau-tu-sau-5-6-nam-ho-gia-dinh-co-the-thu-hoi-von-post1192428.vov