Mới là bước đầu
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Giám đốc Vận hành Công ty cổ phần Đầu tư EverSolar cho rằng, sự ra đời của Nghị định 135/2024/NĐ-CP (NĐ 135) là nỗ lực lớn từ ban soạn thảo và Chính phủ vì nội dung đã phản ánh được một phần lớn kiến nghị của cộng đồng phát triển điện mặt trời mái nhà.
“Nghị định đã tạo điều kiện cho đầu tư, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi xanh, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu và mục tiêu phát triển bền vững (ESG) của các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng thời cũng giúp người dân có nhu cầu tự sản xuất, tự tiêu thụ có được cơ chế thông thoáng để lắp đặt”, vị này nói.
Cũng hoan nghênh sự ra đời của NĐ 135, ông Lê Quang Vinh đến từ Công ty BayWa r.e. Solar Systems Việt Nam cho rằng, Nghị định đã giúp các nhà đầu tư vào sản xuất có cơ sở làm điện mặt trời mái nhà nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải để có chứng chỉ xanh với hàng hóa khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao.
Một dự án điện mặt trời mái nhà được đầu tư tại KCN Bàu Bàng, Bình Dương
“Năm 2024, vẫn có khoảng 800 MW tấm quang điện mặt trời được nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này cho thấy thị trường vẫn có nhu cầu lắp đặt điện mặt trời mái nhà. Tuy nhiên NĐ 135 mới chỉ giải quyết phần ngọn. Nhà đầu tư, các Sở Công thương cũng như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn có nhiều câu hỏi chưa được Bộ Công thương giải đáp rõ ràng nên chúng tôi cũng chưa hiểu sẽ triển khai và được thanh toán ra sao”, ông Vinh chia sẻ.
Đồng quan điểm nên có hướng dẫn cụ thể hơn, đại diện một quỹ nước ngoài quan tâm tới các dự án điện mặt trời tại Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam cho hay, kể cả là cơ quan chức năng có hướng dẫn lên tới 1.000 điều kiện, gạch đầu dòng mà nhà đầu tư cần phải làm theo khi thực hiện một dự án thì cũng rõ ràng hơn câu “theo quy định của pháp luật”.
“Thực tế chúng tôi có thể không biết hết mọi quy định trong quá trình triển khai dự án nên khi cơ quan thanh kiểm tra chỉ ra các vấn đề pháp lý ở các văn bản của các bộ ngành khác thì chúng tôi cũng rất bối rối. Vì thế, rất mong vấn đề pháp lý cần phải được làm rõ ràng và chi tiết ngay từ đầu, để nhà đầu tư nắm chắc và an tâm tính toán, triển khai các thương vụ tại Việt Nam”, vị này nói.
Trách nhiệm chưa rành mạch
Có rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra trong buổi giải thích NĐ 135 được Bộ Công thương tổ chức với sự tham gia của 789 điểm cầu. Tuy nhiên, không phải câu trả lời nào cũng rành mạch, rõ ràng như mong đợi của các nhà đầu tư, ngành điện, sở Công thương…
Đơn cử như tại Quảng Nam, Công ty Điện lực rất phân vân về tiêu chí phân bổ chỉ tiêu được phát triển 48 MW điện mặt trời mới được ghi trong Quy hoạch điện VIII ra sao và câu trả lời của Bộ Công thương là “do UBND tỉnh quyết định”.
Hiện NĐ 135 quy định, Sở Công Thương phối hợp với đơn vị điện lực địa phương rà soát công khai tổng công suất điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đấu nối với hệ thống điện quốc gia được phân bổ theo kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Hệ thống điện mặt trời mái nhà của Công ty Honda Việt Nam.
Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Mạnh Tuấn, chuyên gia ngành điện cho hay, do làm quy hoạch cũng rất tốn kém nên thực tế nhiều địa phương chỉ làm Quy hoạch điện lực tỉnh đến cấp 110 kV. Do các cấp nhỏ hơn hay thay đổi nên địa phương không làm cụ thể quá để đỡ bó chân khi cần thay đổi. Nhưng như vậy thì cũng sẽ mất thời gian để rà soát và cho ý kiến với các đề nghị của phía muốn lắp điện mặt trời mái nhà trên địa bàn.
Đáng chú ý, theo khoản 1 Điều 8, hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất.
Tuy nhiên, Quy hoạch Điện VIII lại đang chặn việc phát triển điện mặt trời mái nhà có nối lưới không được vượt quá 2.600 MW từ nay tới 2030. Vậy đặt trường hợp có khoảng 30.000 hộ gia đình phát triển điện mặt trời mái nhà có nối lưới cỡ 100 kW - nghĩa là thuộc loại không giới hạn công suất thì tổng công suất nhóm này đã lên khoảng 3.000.000 kW, tương đương 3.000 MW. Điều này có vi phạm mức 2.600 MW của Quy hoạch VIII không là câu hỏi mà chưa thấy câu trả lời rõ ràng.
Theo các chuyên gia, vấn đề này cần tính tới bởi vào thời điểm ngày 1/1/2021, cả nước đã có 104.282 hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 9.580 MWp được hưởng giá FIT, mà đa phần được phát triển trong khoảng hơn 1 năm.
Ngoài ra phải tính tới thực tế, có rất nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà của cả hộ dân lẫn các doanh nghiệp trượt giá FIT ở thời điểm 31/12/2020 thì giờ đây với NĐ 135 lại được phép bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia khi làm các thủ tục theo quy định.
Như vậy, hoàn toàn có thể xảy ra tình huống chỉ riêng các hệ thống điện mặt trời mái nhà "trượt" FIT muốn nối lưới cũng đã vượt con số 2.600 MW và sẽ xảy ra tình trạng xin - cho để vào diện được nối lưới.
Soi NĐ 135 các chuyên gia cũng chỉ ra, tại Điều 15, 16 có quy định, bên lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải “mua sắm thiết bị theo đúng quy định tại Nghị định này và phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng”. Tuy nhiên, toàn bộ NĐ 135 không thấy quy định cụ thể là tiêu chuẩn ra sao. Như vậy sẽ gây tranh cãi trong quá trình sau này là thiết bị đúng quy định hay chưa và nếu chưa đúng thì có được phép đấu nối, bán điện dư thu tiền hay không.
Mông lung xác định 20% công suất điện dư
Điểm được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt là việc được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế thì hiện chưa biết xác định ra sao.
Ông Lê Quang Vinh cho hay, nhà ông đang dùng hệ thống điện mặt trời mái nhà. Sau khi NĐ 135 ban hành thì ông đã hỏi Điện lực Long Biên và Tổng công ty Điện lực Hà Nội nhưng chưa có câu trả lời về quy trình để bán điện dư vào lưới ra sao.
"Tôi hiểu là ngành điện cũng đang chờ Bộ Công thương hướng dẫn", ông Vinh nói.
Được biết, hiện EVN đang nghiên cứu các phương án và nghiên về giải pháp sử dụng thiết bị hạn chế nhằm đảm bảo không phát quá lượng điện năng dư thừa đã giới hạn từ hệ thống điện mặt trời tạo ra và phát ngược trở lại lưới điện.
Phương pháp này được EVN cho là giúp cho việc tính toán, thanh toán điện năng hàng tháng đơn giản, không phải qua tính toán như các phương án khác và khách hàng chỉ phải đầu tư công tơ điện tử bình thường có thu thập được từ xa.
Theo hướng này sẽ cần phải lắp đặt thêm một thiết bị điều khiển và đo đếm hai chiều cũng như phải giảm sát thiết bị giới hạn công suất làm việc đúng, chính xác, nhất là khi hiệu suất tấm quang điện bị suy giảm theo thời gian. Tuy nhiên, bên bán hay bên mua điện sẽ phải lắp thiết bị này thì lại không được Bộ phân định rõ, và nếu EVN lắp thì tự nhiên chi phí sẽ bị đội lên và tính vào giá thành điện.
Ở một khía cạnh khác, chuyên gia đến từ các công ty phân phối điện cho hay, hiện tại chu kỳ đo của công tơ là 30 phút/lần và 1 ngày có 48 chu kỳ. Rất có thể sẽ xẩy ra tình huống trong 1 chu kỳ 30 phút thì có độ 2-3 phút mức công suất bán dư vượt lên trên mốc 20% công suất quy định thì xử lý ra sao?
“Nếu ngành điện loại hẳn chu kỳ 30 phút đó ra không thanh toán thì thiệt cho bên có điện mặt trời mái nhà phát vào lưới, nhưng nếu không thì không biết ghi nhận thế nào bởi công nghệ ghi chỉ số điện và đo đếm hiện nay do máy thực hiện và chỉ hiện thị được như vậy, người không can thiệp được”, ông Mạnh Tuấn giải thích.
Ngoài ra, NĐ 135 đang tính 20% công suất bán điện dư giới hạn theo công suất (kW) nhưng lại trả tiền theo sản lượng điện năng (kWh) là có sự không đồng nhất về các đại lượng đo.
Cạnh đó, các chuyên gia cũng đặt câu hỏi, NĐ 135 giới hạn mức công suất bán điện dư là 20% nhưng hệ thống hoàn toàn có thể xẩy ra tình huống thiếu điện cần huy động thêm điện mặt trời mái nhà. Vậy khi đó tính toán trả thêm ra sao? Có cho phép điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu đóng góp thêm cho hệ thống hay không khi khối này hoàn toàn có khả năng.
Cũng có băn khoăn khác là hiện NĐ 135 quy định lấy giá bình quân thị trường năm trước để áp cho điện mặt trời mái nhà bán dư, tuy nhiên nếu năm trước đó giá nhiên liệu khí, than đột biến tăng lên khiến giá thị trường chung bị tăng vọt lên thì việc chỉ điện mặt trời mái nhà bán dư được hưởng mức lợi này là có công bằng với các điện mặt trời khác đang được hưởng mức giá cố định thấp hơn không?
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Cường có cho rằng, trước hết doanh nghiệp nên tập trung vào việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. còn phần 20% công suất hiện đang vướng mắc và cần chờ văn bản tháo gỡ thì cứ từ tù và coi đây như phần thưởng thêm.
“Tôi cũng có băn khoăn là không biết việc hậu kiểm khoản thanh toán cho 20% bán điện dư lên lưới của các hệ thống ĐMTMN sẽ ra sao bởi EVN là doanh nghiệp nhà nước.Vì thế cần phải có văn bản hướng dẫn chi tiết mới có thể thực hiện trả tiền được”, ông Cường nói.
Cũng theo nhận xét của ông Vinh, thực ra các Quỹ ngoại vẫn tìm cách, nhưng làm bây giờ rủi ro lớn vì bỏ tiền ra nhưng chưa chắc có luật bảo vệ việc xuất hóa đơn bán điện.
Trước thời điểm 22/10/2024 (ngày NĐ 135 có hiệu lực), Quỹ có thể xuất hóa đơn cho nhà máy dưới đó bởi đã đầu tư vào hệ thống điện mặt trời mái nhà. Nhưng sau ngày 22/10, nếu lắp hệ thống mới thì phải áp dụng NĐ135, tức là không cho phép bên thứ 3 mua bán điện với nhà máy bên dưới nữa, thì Quỹ phải đi đăng ký kinh doanh chức năng cho thuê tài sản.
Theo ông Vinh, như vậy phải có hướng dẫn luật của các Bộ, ngành về việc Quỹ có được cho thuê tài sản hay không. Bởi NĐ 135 đang quy định, muốn kinh doanh bán điện thì phải được ủy quyền của EVN mà EVN thì không có quyền cho doanh nghiệp nước ngoài, người nước ngoài kinh doanh điện.
“Tôi nghĩ là phải có thêm các giải thích rõ ràng nữa, nếu không các doanh nghiệp "nhảy" vào làm bây giờ thì có rủi ro. Nếu lách bằng cách cho thuê thì vẫn vi phạm, nên bộ phận pháp chế của các Quỹ hiện đang tìm hiểu thêm”, ông Lê Quang Vinh nhận xét.
Thanh Hương