Tách bạch giữa phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia

Tách bạch giữa phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia
2 giờ trướcBài gốc
Đó là đề nghị được đại biểu Quốc hội đưa ra tại phiên thảo luận toàn thể về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) chiều 7.11.
Có lộ trình chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh), dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cần bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực.
ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như: giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý, nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Ngoài ra, các quyết định điều chỉnh giá điện cần được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) cũng đề nghị, để bảo đảm tính minh bạch của giá điện, cơ quan soạn thảo cần làm rõ căn cứ, nguyên tắc xây dựng biểu giá điện như: phí đầu tư, năng lượng truyền tải, sửa chữa nâng cấp, truyền tải điện, chi phí bảo dưỡng, bảo trì… Nghiên cứu cách xây dựng biểu giá điện của các nước trên thế giới đã tách bạch tương đối rõ về giá điện phục vụ công ích và những sản phẩm mang tính chất thị trường.
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Thủy (Bình Định) phát biểu. Ảnh: Hồ Long
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy phân tích, người tiêu dùng cần có thông tin đầy đủ để hiểu rõ bản chất của sự việc để chia sẻ và đồng thuận. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng là người giám sát trực tiếp và điều tiết trực tiếp việc sử dụng điện của mình. Đây cũng là giải pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà dự thảo luật hướng đến.
Về giải pháp triển thị trường điện cạnh tranh, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị, dự thảo Luật cần có lộ trình rõ ràng cho việc chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang thị trường điện cạnh tranh. Bổ sung quy định cụ thể về các bước thực hiện mở cửa thị trường điện, bao gồm thị trường bán buôn và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý công việc giám sát và điều phối thị trường điện nhằm đảm bảo công bằng, minh bạch. Cùng với đó là đưa ra các quy định về kiểm soát độc quyền của các tập đoàn lớn trong ngành điện nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và các nhà đầu tư mới.
Tách bạch giữa kinh doanh với quản lý nhà nước
ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) lưu ý, nếu sửa đổi toàn diện như dự thảo Luật, với thực trạng hiện nay của ngành điện, nhiều nội dung đưa ra chưa tạo được hành lang thông thoáng, căn cứ pháp lý mạnh mẽ để phát triển ngành điện, đáp ứng yêu cầu to lớn của sự phát triển đất nước, nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân. Vẫn còn nhiều vấn đề gây tranh cãi liên quan đến ngành điện như: giá điện, mua bán điện, phát điện và hòa điện lên lưới của các nhà máy ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bù chéo, ranh giới giữa kinh doanh với thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội...
ĐBQH Trần Hữu Hậu (Tây Ninh). Ảnh: Lâm Hiển
"Có nhiều nguyên do, nhưng nguyên do căn bản là chúng ta chưa có thị trường điện cạnh tranh thực sự". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Hữu Hậu chia sẻ, cách đây 20 năm, với tư cách là thành viên của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Khóa XI tham gia thẩm tra Luật Điện lực, một vấn đề ông đặc biệt quan tâm là xây dựng, hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh.
Khi đó, nhiều người cũng chưa hình dung làm sao có thể cạnh tranh khi điện là hàng hóa đặc biệt, các nhà máy sản xuất ra hòa chung lên lưới đưa đến từng công xưởng, từng hộ dân, không thể phân biệt được điện năng sử dụng của nhà sản xuất nào và mỗi nhà máy không thể xây lắp một hệ truyền tải điện riêng để bán rộng rãi sản phẩm của mình.
"Thế nhưng, thông qua Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia, chúng tôi mới biết ở đây có thể biết rõ từng nhà máy, từng tổ máy trong nhà máy phát điện như thế nào ở thời điểm hiện tại hoặc trong một thời gian bất kỳ. Do đó, Trung tâm này có thể điều hành tăng, giảm công suất phát điện của từng nhà máy cho phù hợp với tiêu thụ của các phụ tải. Lãnh đạo Trung tâm cũng cho biết, với thông tin và sự điều độ của trung tâm, các đại lý mua bán điện khu vực hoàn toàn có thể mua điện trực tiếp của bất kỳ nhà máy nào", đại biểu Trần Hữu Hậu nói.
Tuy nhiên, cho đến nay, "một thị trường điện cạnh tranh thực sự có vẻ vẫn rất mờ nhạt". Nêu nhận định này, đại biểu Trần Hữu Hậu phân tích, theo Luật Điện lực hiện hành, thị trường cạnh tranh có 3 cấp độ:
Cấp độ 1 là thị trường phát điện cạnh tranh với sự phát triển bùng nổ của đầu tư tư nhân, sự tham gia của Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản vào thị trường. Nhưng phát triển cạnh tranh được không, khi hầu hết điện sản xuất ra đều phải hòa lưới truyền tải điện trên lưới điện do một công ty 100% vốn EVN quản lý và vận hành và họ chỉ có thể bán điện cho các công ty 100% vốn EVN.Cấp độ 2 thị trường buôn bán điện cạnh tranh, nhưng “buôn bán điện có cạnh tranh thật không khi cả 5 đầu mối mua bán buôn hiện tại đều là Tổng công ty 100% vốn EVN?". Cấp độ 3, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, song đến tháng 8.2020, Bộ Công thương mới phê duyệt Đề án thiết kế mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, cho đến nay kết quả còn khiêm tốn.
"Cả 3 cấp độ trên đều là “bề nổi” của thị trường điện cạnh tranh. Muốn có một thị trường điện cạnh tranh thực sự, góp phần gỡ những “rối rắm” hiện nay của ngành điện, thì phải thay đổi triệt để theo đúng hướng mà Đảng, Chính phủ đã chỉ rõ là tách bạch thực sự ba khâu then chốt của ngành điện là phát điện, truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia”, đại biểu Trần Hữu Hậu nhấn mạnh.
Ngành điện là ngành đặc biệt, liên quan đến an ninh năng lượng của đất nước, Nhà nước phải nắm rõ, nắm vai trò chủ đạo, quản lý và điều hành tổng thể, chặt chẽ, nhưng ba khâu trên phải tách bạch, đồng thời, phải tách bạch giữa kinh doanh với quản lý nhà nước, giữa kinh doanh với thực hiện an sinh xã hội.
Sau 20 năm, “trái tim” của hệ thống điện quốc gia, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia mới chính thức tách ra khỏi EVN chuyển về Bộ Công thương vào tháng 8.2024 còn đang lo ổn định tổ chức, nhân sự. “Mạch máu” của hệ thống điện quốc gia, tức là hệ thống truyền tải điện đang thuộc Tổng công ty truyền tải điện quốc gia vẫn trực thuộc EVN.
“Trong khi đó, những sửa đổi trong dự thảo Luật lần này chưa đủ mạnh để có thể giúp cho thị trường điện cạnh tranh vận hành thực sự cạnh tranh, công khai, minh bạch và công bằng, góp phần quyết định cho sự phát triển mạnh, bền vững của ngành điện Việt Nam”.
Do vậy đại biểu Trần Hữu Hậu đề nghị, nếu thông qua tại kỳ họp này thì chỉ nên tập trung vào những vấn đề thực sự cấp thiết đã được đánh giá tác động kỹ lưỡng, làm cơ sở thực hiện mục tiêu trước mắt là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Nếu sửa đổi toàn diện cần có sự nghiên cứu sâu và xem xét kỹ hơn, nên cần thông qua tại 2 kỳ họp.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, chúng ta đã phát điện cạnh tranh, hiện nay 52% là các nhà đầu tư ngoài nhà nước. Chúng ta cũng vừa ban hành chính sách mua bán điện trực tiếp, sửa các quy định về giá bán lẻ như giá hai thành phần, khung giá theo giờ…
“Chúng ta không thể hoàn toàn theo cơ chế thị trường, vì có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cho nên đầu vào có cao đến bao nhiêu thì đầu ra vẫn phải kiểm soát để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Anh Thảo
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tach-bach-giua-phat-dien-truyen-tai-dien-va-dieu-do-he-thong-dien-quoc-gia-post395709.html