Công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá điện

Công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá điện
3 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tại phiên thảo luận chiều 7/11.
Minh bạch trong giá điện
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thu Hằng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông cho rằng, về nguyên tắc định giá, vấn đề nhất quán là giá điện phải đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, hợp lệ và có lợi nhuận cho đơn vị điện lực. Nếu thực hiện đúng nguyên tắc này sẽ có tác dụng đòn bẩy tích cực đến nền kinh tế, khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện cũng như tạo áp lực sử dụng điện tiết kiệm, từ đó giảm dần tiến tới xóa bỏ bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng vùng, miền.
Cho rằng cơ chế giá điện cần minh bạch, linh hoạt, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị bổ sung và làm rõ các quy định về cơ chế giá điện, đặc biệt là giá điện cho từng loại hình năng lượng khác nhau và cho từng khu vực. Đại biểu đề xuất xây dựng cơ chế tính giá điện linh hoạt dựa trên các yếu tố như giờ cao điểm và thấp điểm, điều kiện địa lý và nguồn cung cấp năng lượng. Điều này sẽ khuyến khích sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm vào khung giờ thấp điểm, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng trong việc tiếp cận thông tin về giá điện và quy trình điều chỉnh giá điện. Các quyết định điều chỉnh giá điện nên được công khai, minh bạch và có sự tham gia giám sát của cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhấn mạnh, tính minh bạch của giá điện là một trong những nhóm vấn đề quan trọng mà dự thảo Luật hướng đến để sửa đổi lần này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các căn cứ, nguyên tắc xây dựng các biểu giá điện từ chi phí đầu tư, năng lực truyền tải, sửa chữa, nâng cấp truyền tải, phí bảo dưỡng, bảo trì...
Đại biểu kiến nghị nghiên cứu cách tính toán biểu giá điện của một số nước trên thế giới trong tách bạch tương đối rõ về giá điện phục vụ công ích cũng như là những hoạt động mang tính chất thị trường. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, người tiêu dùng cũng cần có thông tin đầy đủ để hiểu rõ bản chất của sự việc để chia sẻ và đồng thuận, đồng thời qua đó người sử dụng cũng sẽ là người giám sát trực tiếp và điều tiết trực tiếp với việc thực hiện sử dụng điện của mình. Đây cũng chính là việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng mà luật đang hướng đến.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, quy định về giá điện và giá dịch vụ về điện trong dự thảo hầu hết đều giao cho Bộ Công Thương xây dựng và thẩm định. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là vẫn chưa có quy định về nguyên tắc xác định giá các loại hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, chưa quy định về chủ thể hợp đồng và trách nhiệm của các bên ký kết hợp đồng sử dụng các loại dịch vụ.
Theo Đại biểu, việc xây dựng như vậy chưa rõ các thành phần cấu thành giá điện, trong khi đó đây là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong thị trường điện cạnh tranh. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung, làm rõ các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định; cơ chế giá điện 2 thành phần quy định với những nguyên tắc, lộ trình rõ ràng, đảm bảo công bằng xã hội, đảm bảo nguyên tắc thị trường, đồng thời khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.
Cùng với các nội dung trên, Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung tiêu chí xác định giá điện bán lẻ để đảm bảo tính công bằng và nguyên tắc thị trường điện cạnh tranh giữa bên bán và bên mua. Cần quy định thêm về trách nhiệm công khai, minh bạch các loại giá, đồng thời xác định đây là vấn đề phải thực hiện thường xuyên chứ không phải chỉ thực hiện công khai, minh bạch các loại giá trong trường hợp cần thiết như dự thảo.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện
Ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu vấn đề dự thảo luật chưa làm rõ được cơ chế xử lý giá điện thay đổi nhanh hoặc không rõ ràng về các loại chi phí cấu thành giá. Quy định về căn cứ lập, điều chỉnh giá điện và giá các dịch vụ về điện cũng chưa có quy định về sự minh bạch đối với các yếu tố chi phí thực tế được sử dụng để lập giá điện như chi phí sản xuất, phân phối và lợi nhuận của các nhà cung cấp, tránh tình trạng tăng giá không hợp lý hoặc bất ngờ.
Như vậy, dự thảo Luật nêu ra cơ chế điều chỉnh giá điện bình quân nhưng chưa quy định rõ về tần suất điều chỉnh và cách thức thực hiện. Vì vậy, Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về tần suất điều chỉnh giá điện và cần thông báo trước thời gian điều chỉnh để người tiêu dùng được biết. Đại biểu cũng cho rằng, cần bổ sung điều khoản yêu cầu công khai toàn bộ cơ cấu giá điện đến công chúng, giải thích rõ cách thức tính giá điện và các yếu tố chi phối việc tăng hoặc giảm.
Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể về bảo vệ người tiêu dùng trước những biến động giá điện, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc các ngành sản xuất phụ thuộc nhiều vào điện. Vì vậy, Đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung một khoản về cơ chế bảo vệ người tiêu dùng, như thiết lập trần giá điện cho các hộ gia đình có thu nhập thấp hoặc trợ giá cho các đối tượng đặc biệt.
Cũng quan tâm đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất quy định các quyền của người tiêu dùng điện như: quyền được tiếp cận thông tin về giá điện, quyền khiếu nại và yêu cầu xử lý khi gặp sự cố; đảm bảo nhà cung cấp điện chịu trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ điện liên tục, bảo đảm chất lượng và an toàn, đồng thời cũng chịu trách nhiệm về bồi thường nếu có.
Trần Huyền
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/cong-khai-minh-bach-cac-yeu-to-hinh-thanh-gia-dien.html