Điều chỉnh quy hoạch để cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế

Điều chỉnh quy hoạch để cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế
một ngày trướcBài gốc
Nhu cầu điện thương phẩm dự kiến được điều chỉnh vào năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh. Ảnh: ST
Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đưa ra 4 kịch bản: Kịch bản thấp - GDP tăng trưởng bình quân 6,5%/năm (2031-2050); Kịch bản cơ sở - đảm bảo mức tăng trưởng bình quân 7% (2021-2030), dịch vụ chiếm 55% GDP vào năm 2050; Kịch bản cao - GDP tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030, dịch vụ đạt 65% GDP vào năm 2050 và Kịch bản cao đặc biệt - GDP tăng trưởng hai con số kéo dài. Trong đó, Kịch bản cơ sở phù hợp nhất với mục tiêu tăng trưởng, còn Kịch bản cao và Kịch bản cao đặc biệt là để dự phòng cho nhu cầu điện tăng mạnh khi kinh tế phát triển vượt kỳ vọng.
Tiêu thụ điện liên tục tăng trưởng cao
Theo Viện Năng lượng, giai đoạn 2016-2024, sản lượng điện thương phẩm toàn quốc tăng trưởng gấp 1,7 lần, từ khoảng 158 tỷ kWh lên khoảng 276 tỷ kWh với tốc độ bình quân khoảng 7,2%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2021-2024 đạt khoảng 7,1%/năm, thấp hơn so với giai đoạn 2016-2020 khoảng 8%/năm. Xu hướng thời gian qua bộc lộ rõ tăng mạnh phụ tải điện miền Bắc, nhất là phụ tải điện cho tiêu thụ công nghiệp và tiêu dùng dân cư. Mặc dù hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP có xu hướng giảm nhẹ trong giai đoạn 2019-2023, song nếu phân tích kỹ hơn thì các ngành, lĩnh vực có hệ số đàn hồi điện rất khác nhau, trong đó khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo có hệ số đàn hồi điện cao nhất.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh sẽ đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, việc điều chỉnh đã bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 và nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước. Bộ đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải… Do vậy đã đảm bảo được tính khách quan, chính xác, tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Cụ thể, nhu cầu điện thương phẩm dự kiến được điều chỉnh vào năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.238-1.375 tỷ kWh. Điện sản xuất và nhập khẩu năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.236-1.511 tỷ kWh. Công suất cực đại năm 2030 khoảng 90-100 GW và năm 2050 khoảng 206-228 GW. Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP giảm mạnh từ khoảng 1,25 lần trong giai đoạn 2026-2030 xuống 0,33 lần trong giai đoạn 2046-2050. Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%. Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và quản trị của các đối tác quốc tế.
Ưu tiên phát triển các dự án nguồn điện, lưới điện
Đưa ra ý kiến tham vấn sau nhiều nghiên cứu chuyên sâu, TS. Nguyễn Mạnh Cường - Phòng Phát triển Hệ thống điện (Viện Năng lượng) cho rằng, cần xây dựng danh mục dự án khẩn cấp theo Luật Điện lực 2024; ưu tiên các dự án có khả năng vận hành thương mại trong giai đoạn 2025-2027, được xem xét đưa vào danh mục dự án khẩn cấp để đảm bảo an ninh cung cấp điện. Đặc biệt, các Bộ, ngành, địa phương sớm cấp chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án nguồn điện, lưới điện, đảm bảo quy mô đưa vào vận hành các nguồn điện đáp ứng yêu cầu phụ tải. Đảm bảo tiến độ các dự án đầu tư xây mới, mở rộng và nâng cấp hệ thống truyền tải liên miền, các đường trục chính và hệ thống lưới điện phân phối theo định hướng lưới điện thông minh. Cùng với việc đảm bảo nguồn cung năng lượng sơ cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu LNG, than đáp ứng kịp thời nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy nhiệt điện hiện hữu và phù hợp với lộ trình chuyển dịch năng lượng, cần phát triển nguồn điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đồng thời thực hiện cam kết Net Zero.
Theo tính toán của Viện Năng lượng, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện trong giai đoạn 2026-2030 là 136-172 tỷ USD, trong đó, đầu tư cho các dự án nguồn điện xấp xỉ 118-148 tỷ USD và các dự án lưới điện truyền tải khoảng 18-24 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn điện và lưới điện là 85/15. Như vậy, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư vào khoảng 27-34 tỷ USD. Trong giai đoạn 2031-2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện là 699-801 tỷ USD. Cụ thể, đầu tư cho các dự án nguồn điện từ 655-750 tỷ USD và các dự án lưới điện truyền tải khoảng 44-50 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn điện và lưới điện có chênh lệch lớn so với giai đoạn trước, tỷ lệ là 94/6. Do đó, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn cho các dự án điện được dự tính vào khoảng 35-40 tỷ USD.
Khuyến nghị giải pháp để tăng cường tính khả thi khi thực hiện điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, các chuyên gia của Viện Năng lượng cho rằng, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai thi hành Luật Điện lực đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, nhất là những quy định liên quan đến quy hoạch, phương án phát triển mạng lưới cấp điện.
Đưa ra thêm giải pháp về cơ chế, chính sách, TS. Nguyễn Mạnh Cường đề xuất, cần khuyến khích đầu tư vào phát triển điện lực, tập trung vào cơ chế đầu tư nguồn năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ điện; quan tâm đến cơ chế khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà, pin tích năng; sớm hoàn thiện xây dựng thị trường điện cạnh tranh đầy đủ. Khi chưa hoàn thiện được thị trường điện cạnh tranh, cần xem xét điều chỉnh biểu giá điện cho các nhà máy nhiệt điện than, khí để khuyến khích các nhà máy vận hành linh hoạt trong hệ thống tích hợp cao nguồn năng lượng tái tạo. Đồng thời, xem xét cơ chế thanh toán theo biểu giá 2 thành phần (công suất và điện năng) đối với các hộ tiêu thụ điện, thực hiện lộ trình thí điểm vào năm 2025 và triển khai rộng rãi từ năm 2026; ban hành cơ chế về điều chỉnh phụ tải thương mại. Đây cũng chính là những giải pháp để khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả - TS. Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh./.
PHÚC KHANG
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/dieu-chinh-quy-hoach-de-cung-cap-du-dien-cho-phat-trien-kinh-te-38328.html