Điều chưa biết về chiếc xe tăng số hiệu 980 trên Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột

Điều chưa biết về chiếc xe tăng số hiệu 980 trên Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột
21 giờ trướcBài gốc
Những hiện vật đặc biệt
Ngày 3/4, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng, nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp; nguyên Tư lệnh Quân khu 4; cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch Tây Nguyên 1975 – đã có mặt tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk để làm thủ tục bàn giao một số kỷ vật quý giá gắn liền với chiến thắng Buôn Ma Thuột tháng 3/1975.
Nhân dịp này, Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng xoay quanh những thông tin liên quan đến chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 980 – phương tiện mà ông trực tiếp chỉ huy trong trận đánh lịch sử ấy.
Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Ngược dòng ký ức, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng cho hay, trong trận đánh vào Buôn Ma Thuột, ông là Đại đội trưởng Đại đội 9, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn xe tăng 273 (Quân đoàn 3), đồng thời cũng là trưởng xe tăng 980.
"Khi ấy, đại đội của tôi được giao nhiệm vụ tiến công từ hướng Tây, tiến thẳng vào Sư đoàn 23 ngụy – một mục tiêu trọng yếu của địch mà quân ta hướng đến. Nếu chiếm được Sư đoàn 23 ngụy, thì coi như làm chủ được toàn bộ thị xã Buôn Ma Thuột. Thời điểm đó, có nhiều xe tăng tiến công vào Sư đoàn 23 ngụy, trong đó có xe tăng mang số hiệu 980. Đây là loại xe tăng T-54B (loại xe tăng hiện đại nhất lúc bấy giờ do Liên Xô sản xuất), tôi tiếp nhận từ tỉnh Lạng Sơn và hành quân mấy tháng trời mới vào đến Buôn Ma Thuột", Trung tướng Hưởng kể.
Mô hình chiếc xe tăng T-54 mang số hiệu 980 trên Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột.
Trong xe tăng 980 lúc đó có 4 người tham gia chiến đấu, với 4 nhiệm vụ khác nhau gồm: 1 lái xe là ông Mai Đình Mỹ (quê ở tỉnh Nam Hà nay là tỉnh Nam Định), 1 pháo 1 là Phan Lạc Vinh (quê tỉnh Phú Thọ), 1 pháo 2 là ông Nông Văn Vĩnh (quê ở tỉnh Cao Bằng) và ông Đoàn Sinh Hưởng vừa là trưởng xe vừa là Đại đội trưởng Đại đội 9 (Trung đoàn xe tăng 273).
Quá trình chiến đấu, mỗi thành viên trên xe tăng 980 bắt buộc phải đội chiếc mũ có gắn tai nghe, máy nóiđể thường xuyên nắm bắt thông tin và liên lạc với nhau. "Nếu không có chiếc mũ này thì 4 thành viên trong xe không thể liên lạc với nhau được vì tiếng máy nổ gầm rú, kêu rất lớn nên không thể tài nào nghe được", ông Hưởng nói.
Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng nói về vai trò của các vật dụng, thiết bị trên xe tăng 980.
Cả 4 chiếc mũ nói trên đều được kết nối với đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng. Đây là hệ thống liên lạc nội bộ và với sở chỉ huy, giúp các xe trong đội hình tác chiến trao đổi thông tin theo nhiều tần số khác nhau. Với tầm quan trọng này, chiếc đài được đặt bên trái của trưởng xe tăng.
Ông Hưởng khẳng định: "Nếu không có chiếc đài này thì xe tăng không hoạt động được. Bởi đây là hệ thống thông tin liên lạc để chỉ huy, tiếp nhận mệnh lệnh của cấp trên và chỉ đạo thực tế hành động. Ban đầu, khi mới tiếp nhận, không ai biết sử dụng chiếc đài này. Do đó, trên đường hành quân từ Lạng Sơn vào Buôn Ma Thuột, chúng tôi vừa học vừa khai thác để phát huy tối đa hiệu quả phục vụ chiến đấu".
Ngoài các thiết bị quan trọng trên, xe tăng 980 còn có một chiếc đồng hồ hành trình thời gian, có khả năng chịu va đập cực tốt. Chiếc đồng hồ này đã theo ông Hưởng suốt hơn 50 năm nay như một kỷ vật vô giá.
4 chiếc mũ của 4 thành viên trên xe tăng 980 được ông Hưởng gìn giữ hơn 50 năm nay.
Tinh thần chiến đấu quật cường
Khoảng 5h15’ sáng 10/3/1975, đơn vị của ông Hưởng đi vào cửa mở gần khu vực kho Mai Hắc Đế (thị xã Buôn Ma Thuột). "Tại khu vực cửa mở dày đặc lô cốt của địch, buộc lực lượng ta phải dùng tất cả các loại đạn của xe tăng bắn chi viện vào trong để mở cửa. Thời điểm đó, rất nhiều chiến sĩ bộ binh đã hy sinh. Họ cứ xông lên rồi ngã xuống, nhưng vẫn không ngừng chiến đấu quyết liệt", ông Hưởng nghẹn lời.
Cũng tại cửa mở, ông Nông Văn Vĩnh (pháo 2 của xe tăng 980) bị trúng đạn vào tay, khiến trong xe chỉ còn lại 3 người. Trong tình thế khẩn cấp, các chiến sĩ lập tức điều chỉnh vị trí tác chiến. Người pháo 1 chuyển sang nhiệm vụ làm pháo 2, riêng ông Hưởng vừa đảm nhiệm vai trò trưởng xe, đại đội trưởng, vừa trực tiếp vận hành pháo 1.
Chiếc đài thông tin liên lạc P-123 trên xe tăng.
Vẫn theo lời kể của ông Hưởng, khoảng 9h đến 9h30’ sáng 11/3/1975, xe tăng 980 là chiếc xe tăng đầu tiên cùng bộ binh Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24, Sư đoàn 10 xông vào đánh chiếm và làm chủ Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, sau đó phát triển thế trận ra Ngã Sáu Buôn Ma Thuột.
Đến khoảng 7h sáng 12/3/1975, trong lúc kiểm tra đội hình tại vị trí tập kết sau chiến đấu, ông Hưởng không may bị trúng mảnh bom vào chân trái. Trưa cùng ngày, ông được đưa vào trạm phẫu của Trung đoàn xe tăng 273 và được giải phẫu vào tối cùng ngày. Tuy nhiên, do mảnh bom nằm quá sâu nên bác sĩ không thể lấy ra được và buộc phải khâu lại. Đêm hôm đó, khoảng 11 giờ, ông đã âm thầm trốn khỏi trạm phẫu, trở về đơn vị để tiếp tục chuẩn bị cho trận đánh tại thị xã Cheo Reo (tỉnh Phú Bổn, nay là thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai). Tinh thần chiến đấu quật cường của ông khiến nhiều người không khỏi kinh ngạc và khâm phục.
Chiếc đồng hồ hành trình thời gian đã theo ông Hưởng hơn 50 năm nay như một kỷ vật vô giá.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại trận đánh Buôn Ma Thuột, xe tăng 980 tiếp tục tham gia đội hình của Đại đội 9 đánh chiếm thị xã Cheo Reo (tỉnh Phú Bổn). Khoảng từ ngày 17-18/3/1975, đơn vị của ông Hưởng nhận lệnh giao xe 980 cho đơn vị khác. Được biết, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, xe tăng 980 đã bị bắn cháy tại khu vực cầu Xáng (nay thuộc địa bàn huyện Hóc Môn, Tp.Hồ Chí Minh).
Nhằm ghi nhớ chiến công của quân và dân ta trong trận Buôn Ma Thuột, đặc biệt là vai trò quan trọng của xe tăng, năm 1995, chính quyền tỉnh Đắk Lắk quyết định xây dựng Tượng đài Chiến thắng ở khu vực Ngã Sáu. Trên tượng đài này là mô hình chiếc xe tăng mang số hiệu 980.
Xe tăng của ta tấn công Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy tại thị xã Buôn Ma Thuột.
Ông Đoàn Sinh Hưởng (SN 1949, trú tại Tp.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Năm 1966, khi mới 17 tuổi, ông nhập ngũ, bước vào con đường quân ngũ với tinh thần yêu nước mãnh liệt.
Năm 1968, trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông là Tiểu đội trưởng kiêm Trung đội phó Đại đội súng cối 82 ly thuộc Trung đoàn 88. Trong 4 trận đánh ác liệt, ông đã đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 khẩu đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ, lập công lớn trong chiến dịch. Nhờ thành tích xuất sắc, ông được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", "Dũng sĩ diệt xe cơ giới", "Chiến sĩ thi đua" và đặc biệt được kết nạp Đảng ngay tại trận địa khi mới 19 tuổi.
Năm 1975, trong Chiến dịch Tây Nguyên, ông đã chỉ huy xe tăng 980 dẫn đầu đội hình tiến công vào trung tâm thị xã Buôn Ma Thuột. Xe tăng của ông đã tiêu diệt hàng chục lính địch, phá hủy 2 xe bọc thép M113, 1 xe tăng M41, 5 xe quân sự, tạo điều kiện cho bộ binh làm chủ trận địa, bắt sống Tỉnh trưởng tỉnh Đắk Lắk. Tháng 9/1975, khi mới 26 tuổi, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Sau khi đất nước thống nhất, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục phục vụ trong quân đội, giữ nhiều chức vụ quan trọng như Tư lệnh Binh chủng Tăng Thiết giáp, Tư lệnh Quân khu 4.
Khánh Ngọc
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/dieu-chua-biet-ve-chiec-xe-tang-so-hieu-980-tren-tuong-dai-chien-thang-buon-ma-thuot-204250403175338212.htm