Ngay từ những khoảnh khắc đầu tiên trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter, tân Giáo hoàng Leo XIV đã đưa ra 3 "manh mối" quan trọng về phong cách ông sẽ dẫn dắt Giáo hội Công giáo gồm 1,4 tỷ thành viên, Reuters cho biết.
Giáo hoàng Leo XIV, trước đây là Hồng y Robert Prevost của Mỹ, đã được các hồng y trên thế giới bầu làm Giáo hoàng mới hôm 8/5 trong ngày thứ hai của mật nghị để chọn người kế nhiệm Giáo hoàng Francis, người đã qua đời vào tháng trước.
Ông Prevost là Giáo hoàng đầu tiên đến từ Mỹ, nhưng có quốc tịch kép ở Peru, nơi ngài đã là một nhà truyền giáo trong nhiều thập kỷ trước khi trở thành hồng y.
"Manh mối" đầu tiên là sự lựa chọn tên của ngài. Các Giáo hoàng thường sử dụng sự lựa chọn này để gửi tín hiệu quan trọng đầu tiên về các ưu tiên của nhà lãnh đạo mới.
Cố Giáo hoàng Francis lấy tên của mình từ Thánh Francis thành Assisi thế kỷ 13, người đã từ chối sự giàu có và muốn chăm sóc người nghèo.
Tân Giáo hoàng lấy tên Leo từ Leo XIII, người đã tập trung phần lớn thời gian trị vì của mình từ năm 1878 đến 1903 vào việc đấu tranh cho quyền của người lao động, kêu gọi trả lương công bằng, điều kiện làm việc công bằng và quyền tham gia các đoàn thể.
"Bằng cách chọn tên Leo XIV, tân Giáo hoàng cho thấy ngài cam kết với giáo lý xã hội của nhà thờ", Linh mục Thomas Reese, một nhà bình luận Dòng Tên, cho biết.
Đức Giáo hoàng Leo XIV đọc thông điệp trên ban công của Vương cung thánh đường Thánh Peter tại Vatican, ngày 8/5/2025. Ảnh: USA Today
"Manh mối" thứ hai của Giáo hoàng Leo là cách ngài chọn ngôn ngữ và những lời ngài nói, nhấn mạnh rõ ràng vào nhu cầu hòa bình, điều mà Giáo hoàng Francis cũng thường tập trung vào.
Không có bài phát biểu nào của ngài trước đám đông tụ tập tại Quảng trường Thánh Peter bằng tiếng Anh, mà là tiếng Italy, ngôn ngữ của Giáo hoàng, và một đoạn hội thoại ngắn bằng tiếng Tây Ban Nha để chào cộng đồng trước đây của ngài ở Peru. Ngài không đề cập đến Mỹ.
"La pace sia con tutti voi!" (Bình an cho anh em!), những lời đầu tiên của Giáo hoàng Leo trước công chúng, lặp lại những lời mà các tín đồ Công giáo sử dụng trong các buổi lễ của họ nhưng cũng đưa ra thông điệp hòa bình ngay lập tức trong một thế giới đang bị chia rẽ bởi xung đột.
Trước khi bước vào mật nghị vào ngày 7/5, các hồng y trên thế giới đã đưa ra một tuyên bố than thở về các cuộc xung đột "ở Ukraine, Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới" và đưa ra "lời kêu gọi chân thành" cho hòa bình.
Tân Giáo hoàng cho biết ông muốn chia sẻ hòa bình của Chúa, gọi đó là "một nền hòa bình không vũ trang và một nền hòa bình giải trừ vũ khí", "khiêm tốn và bền bỉ".
Giáo hoàng Leo cũng nhắc đến người tiền nhiệm của mình – Giáo hoàng Francis, người đã ban phước lành cuối cùng cho đám đông ở Rome vào Chủ Nhật Phục sinh, một ngày trước khi ông qua đời vì đột quỵ sau nhiều tuần chống chọi với bệnh viêm phổi kép.
"Chúng ta vẫn còn trong tai mình giọng nói yếu ớt nhưng luôn can đảm của Giáo hoàng Francis", Giáo hoàng Leo nói.
"Manh mối" thứ ba của Giáo hoàng Leo nằm ở cách ông lựa chọn trang phục. Không giống như Giáo hoàng Francis, Giáo hoàng Leo đã mặc một bộ lễ phục giáo hoàng màu đỏ truyền thống bên ngoài áo chùng trắng của mình.
Mặc dù Giáo hoàng Leo đi theo bước chân của người tiền nhiệm, nhưng ông cũng đã ra hiệu rằng mình là một Giáo hoàng mới và khác biệt.
Giáo hoàng Leo XIV có thể sẽ tiếp tục di sản của người tiền nhiệm trong việc ủng hộ bảo tồn môi trường và phục vụ những người dân nghèo khổ trên thế giới, Linh mục Art Purcaro, phó chủ tịch phụ trách truyền giáo và mục vụ tại Đại học Villanova – một người được cho là thân thiết với tân Giáo hoàng, nói với CNN.
"Giáo hoàng Leo XIV sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả chúng ta nhận thức và làm những gì có thể để biến thế giới này trở nên tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người, nghĩa là quan tâm đến những thứ mà chúng ta có và đã được ban tặng cho chúng ta", Linh mục Purcaro cho biết.
Linh mục Purcaro và Hồng y Robert Prevost – hiện là Giáo hoàng Leo XIV, lần đầu tiên cùng nhau làm việc là ở miền Bắc Peru, phục vụ một cộng đồng nông dân nghèo tự cung tự cấp. Hai vị đã làm việc cùng nhau giữa Rome và Peru trong hơn 2 thập kỷ.
Vị linh mục tin rằng Đức Giáo hoàng Leo XIV sẽ sống khiêm nhường như Đức Giáo hoàng Francis đã làm.
Minh Đức (Theo Reuters, CNN)