Gian hàng của thương hiệu ô tô Trung Quốc MG tại Everything Electric London, một triển lãm xe điện và năng lượng gia đình, tại London vào ngày 17 tháng 4. Ảnh: Xinhua.
Anh – thị trường xuất khẩu EV lớn thứ hai của Trung Quốc
Sau nhiều năm trung thành với các thương hiệu xe hơi châu Âu, một doanh nhân tại London đã quyết định thay đổi khi mua một chiếc xe điện (EV) của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
“Tôi từng nghĩ đến Tesla, nhưng giá hơi cao so với khả năng của tôi. Với giá cả leo thang như hiện nay, tôi tự hỏi tại sao không chọn một giải pháp vừa túi tiền hơn?”, anh chia sẻ.
Hiện nay, ngày càng nhiều người Anh đang chuyển sang các dòng xe điện có nguồn gốc từ Trung Quốc – một xu hướng đang phát triển mạnh tại Vương quốc Anh, bất chấp rào cản thuế quan ở Liên minh châu Âu.
Trong khi các loại EV Trung Quốc phải đối mặt với mức thuế nhập khẩu lên tới 45,3% tại EU, thì tại Anh, mức thuế chỉ ở mức tiêu chuẩn 10% – tương đương với các đối thủ ngoài khối.
Theo số liệu hải quan Trung Quốc, Anh hiện là điểm đến xuất khẩu xe điện lớn thứ hai của Trung Quốc trong quý I năm nay, đồng thời đứng thứ năm về xe hybrid.
Dù lượng xe điện thuần túy nhập khẩu từ Trung Quốc vào Anh giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước, lượng xe hybrid cắm điện lại tăng gần 600%. Chỉ riêng trong tháng 3, Trung Quốc đã xuất khẩu 3.898 xe hybrid plug-in sang Anh – tăng vọt 1.849% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một trong những mẫu xe gây chú ý là MG HS – mẫu hybrid cắm điện của thương hiệu MG, vốn có nguồn gốc từ Anh nhưng hiện thuộc sở hữu của SAIC Motor (Trung Quốc).
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất và kinh doanh ô tô Anh (SMMT), MG HS hiện là mẫu xe bán chạy xếp thứ 7 tại Anh trong năm nay, chỉ sau các tên tuổi như Ford Puma – mẫu hybrid được sản xuất tại Romania.
Tại phòng trưng bày MG ở khu vực Piccadilly Circus, một trong những điểm du lịch nhộn nhịp nhất London, một nhân viên bán hàng cho biết, nhiều khách du lịch châu Âu và Mỹ thường dừng lại để chiêm ngưỡng các mẫu xe trưng bày.
MG, thương hiệu có lịch sử từ những năm 1920, được SAIC Motor mua lại vào năm 2007. Dù sản xuất tại Trung Quốc, MG vẫn giữ đội ngũ thiết kế tại Anh và đặt trụ sở chính ở London – yếu tố giúp hãng duy trì hình ảnh “thương hiệu bản địa” tại thị trường Anh.
Người mua xe tại Anh rất cởi mở với các thương hiệu quốc tế
Không chỉ MG, các thương hiệu khác như BYD, GWM và Omoda cũng đang dần tạo dựng vị thế tại thị trường Anh. Trong quý I năm 2025, BYD – hãng xe điện hàng đầu Trung Quốc – đã bán 9.271 xe tại Anh, vượt cả tổng doanh số năm 2024.
BYD cho biết mức độ nhận diện thương hiệu tại Anh đã tăng nhanh, từ chỉ 1% vào năm 2023 lên 31% vào năm ngoái, nhờ vào chiến lược giá cạnh tranh và thiết kế hiện đại. Mẫu BYD Dolphin hiện có giá khoảng 26.205 bảng Anh (khoảng 35.000 USD) – thấp hơn gần 14.000 bảng so với Tesla Model 3.
Theo khảo sát “Road to 2030” của Auto Trader – thị trường ô tô trực tuyến lớn nhất Anh, 4 trong 10 người tiêu dùng Anh cho biết họ sẽ cân nhắc mua một chiếc xe Trung Quốc. Sự quan tâm đặc biệt đến từ nhóm 17–34 tuổi, với 57% cho biết họ bị thu hút bởi giá thành và công nghệ. Trong khi đó, chỉ 25% người tiêu dùng trên 55 tuổi bày tỏ sự quan tâm tới các thương hiệu Trung Quốc.
Auto Trader dự đoán rằng xe điện Trung Quốc có thể chiếm tới 25% thị trường EV của Anh vào năm 2030, tương đương khoảng 400.000 xe lưu thông trên đường phố.
Vậy điều gì khiến xe điện Trung Quốc được đón nhận tại Anh, tạo ra bước tăng trưởng mạnh đặc biệt là mẫu hybrid cắm điện? Giám đốc điều hành SMMT, ông Mike Hawes nhận định: “Người mua xe tại Anh luôn rất cởi mở với các thương hiệu quốc tế. Khoảng 9 trong 10 xe mới tại Anh được nhập khẩu từ nước ngoài.”
Ông cho biết, thị trường Anh từng chào đón các thương hiệu châu Âu, sau đó là Nhật Bản trong thập niên 1980, Hàn Quốc vào thập niên 1990, và giờ đây là làn sóng đến từ Trung Quốc. Sự đa dạng đó giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn ở mọi phân khúc và mức giá – góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang xe điện.
Với đà tăng trưởng hiện tại, xe điện Trung Quốc không chỉ thâm nhập thị trường Anh mà còn định hình lại cuộc chơi, tạo ra một cuộc cạnh tranh mới – nơi chất lượng, công nghệ và giá cả trở thành yếu tố quyết định thay vì chỉ là xuất xứ thương hiệu.
Tiến Dũng