Bộ Công Thương vừa tổ chức hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng.
Hội nghị lắng nghe Sở Công thương các tỉnh thành, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Qua đó, đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường hàng hóa, đặc biệt trong bối cảnh cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Đồng thời nhằm góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước 8%.
Quý I-2025 người Việt chi 4 tỷ USD mua hàng qua thương mại điện tử
Đại diện Sở Công Thương TP.HCM cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I-2025 ước đạt hơn 316.600 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm qua các kênh thương mại điện tử (TMĐT), khiến thị trường online luôn sôi động.
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước-Bộ Công Thương, cho biết, đối với chúng tôi, TP.HCM cùng Hà Nội, Đà Nẵng là những địa phương quan trọng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.
Năm nay Chính phủ giao ngành Công thương tăng trưởng 12% và để góp phần đạt mục tiêu này, Bộ Công thương giao cho Sở Công thương các địa phương phấn đấu tăng 18%.
Tuy nhiên, Quý I tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM chỉ tăng 14,2%. Ba quý tiếp theo nếu TP.HCM không có giải pháp đột phá khó góp phần vào đạt mục tiêu chung. Do đó, chúng tôi trông chờ vào TP.HCM, cần có giải pháp quyết liệt hơn nữa.
Đồng thời, ông đánh giá cao TP.HCM tập trung vào phương thức kinh doanh mới như TMĐT.
Theo ông Linh, TMĐT đang trở thành phương thức kinh doanh phổ biến. Trong quý I-2025, chỉ riêng doanh thu của hai sàn TMĐT lớn chiếm khoảng 95% thị phần đã đạt khoảng 100.000 tỷ đồng tương đương 4 tỷ USD.
Mặt khác, ông Linh cho biết, ông lo lắng khi hiện nay Bộ Công Thương đang xét duyệt, cấp đăng ký cho một số mô hình TMĐT xuyên biên giới, nếu họ đủ hồ sơ thì phải cấp phép. Ví dụ các nền tảng TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein.
“Giả sử được cấp phép chính thức, người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa trên các nền tảng này dễ dàng mà không phải mua hàng tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra thách thức cạnh tranh rất lớn cho các DN Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hiện nay các nước lân cận chúng ta khả năng cũng có thể bị Mỹ áp thuế. Hiển nhiên Việt Nam và các nước cũng là địa bàn để họ đẩy mạnh hàng hóa vào”-ông Linh phân tích.
Đồng thời, ông Linh cho biết nhiều quốc gia như Trung Quốc đang triển khai các chương trình kích cầu lớn chưa từng có trong 30 năm qua. Do đó, TP.HCM cũng cần có những giải pháp kích cầu cụ thể và mạnh mẽ hơn nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, nhận định sự phát triển của ngành thương mại trên thế giới cũng như tại Việt Nam tuần tự qua các giai đoạn.
Đó là từ thương mại truyền thống sang thương mại hiện đại và thương mại điện tử.
Đối với TMĐT, ông Đức đề xuất Bộ Công Thương cần làm rõ hơn các khái niệm, bao gồm cả các hình thức mới như thương mại không qua cửa hàng vật lý, livestream bán hàng, cửa hàng không người bán,...
Ông cho rằng Việt Nam đang có những khoảng trống pháp lý, thiếu cơ chế quản lý hiệu quả đối với các lĩnh vực mới nổi này.
Ông Đức lưu ý rằng các nền tảng như Temu, Shein trên thực tế đã có những điều chỉnh trong mô hình hoạt động để thích ứng với quy định hiện hành của Việt Nam.
Việt Nam có chính sách thuế đối với hàng hóa TMĐT xuyên biên giới, nhưng một số nền tảng này đang thiết lập kho hàng tại Việt Nam hoặc tìm nguồn cung ứng ngay tại Việt Nam để tối ưu hóa hoạt động và tuân thủ quy định. Điều này cho phép họ cạnh tranh trực tiếp và hiệu quả hơn ngay trên thị trường Việt Nam.
Do đó, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế quản lý để đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng và tạo nền tảng phát triển bền vững.
Hàng điện tử tiêu dùng Trung Quốc quảng bá tại triển lãm diễn ra ở TP.HCM. Ảnh: TÚ UYÊN
Ngành xăm lốp ô tô Việt Nam cạnh tranh Trung Quốc
Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam nhận định, trong bối cảnh thương mại thế giới biến động, khi gặp khó khăn đầu tư kinh doanh ở thị trường Mỹ, châu Âu, các doanh nghiệp nước ngoài có thể chuyển hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam, trở thành những đối tác hoặc đối thủ cạnh tranh mới.
“Do đó, chúng ta cần có chiến lược tái cấu trúc thị trường, phân vai hợp lý giữa các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư hiện hữu và doanh nghiệp thuần Việt, nhằm tạo nền tảng phát triển nhanh và bền vững,” ông Đức nhấn mạnh.
Ông Hà Phước Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC) nêu vấn đề: Việt Nam đang bàn cách phát triển thị trường trong nước, nhưng thời gian qua việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) diễn ra khá ồ ạt, thiếu sự cân nhắc về chiến lược phát triển tổng thể của từng ngành kinh tế.
Điều này vô hình trung có thể gây áp lực cạnh tranh gay gắt, thậm chí triệt tiêu doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Lộc, nếu sắp tới Mỹ áp thuế 46% các doanh nghiệp nội địa như DRC sẽ không xuất khẩu được sang Mỹ. Đồng thời, các nhà máy FDI cũng không xuất được và lượng lớn hàng hóa đó có nguy cơ sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam.
“Do đó, Việt Nam cần có chiến lược thu hút FDI với tầm nhìn theo từng ngành cụ thể, đảm bảo doanh nghiệp trong nước có thể cùng tồn tại, và ưu tiên cho doanh nghiệp trong nước đầu tư. Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng 8% nhưng với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp không biết phải đầu tư, mở rộng như thế nào để đóng góp đạt được mục tiêu đó”- ông Lộc chia sẻ.
TÚ UYÊN