Bộ Công Thương tổ chức Hội Nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng

Bộ Công Thương tổ chức Hội Nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
12 giờ trướcBài gốc
Sáng ngày 22/4/2025 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức Hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nhằm phân tích, đánh giá thực trạng thị trường trong nước, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp phù hợp, kịp thời nhằm đẩy mạnh tiêu dùng, phát triển thị trường hàng hóa trong nước trong các tháng còn lại của năm 2025 và các năm tiếp theo.
Tham dự Hội nghị, ngoài đơn vị chủ trì là Bộ Công Thương còn có sự tham gia, phối hợp của các Bộ ngành gồm: Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước; Sở Công Thương các Tỉnh, Thành phố cùng một số doanh nghiệp lớn trên địa bàn các tỉnh thành; Các Hiệp hội ngành hành lớn; Các doanh nghiệp phân phối lớn, doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng lớn; các tổ chức tín dụng...
Bộ Công Thương tổ chức Hội Nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng
"Phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp trong nước
Phát biểu khai mạc, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều biến động khó lường, tác động tới chuỗi cung ứng, giá cả nguyên vật liệu, tâm lý tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh, thì thị trường trong nước đóng vai trò vô cùng quan trọng, vừa là trụ cột ổn định tăng trưởng, vừa là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn;
Đặc biệt, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, trong đó Chính phủ đặt chỉ tiêu tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 12% trong năm nay. Ngoài ra, câu chuyện thuế đối ứng của Mỹ dự kiến áp vào hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng tác động đến thị trường nội địa và sức mua...
Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh thị trường trong nước đóng vai trò vừa là trụ cột ổn định tăng trưởng, vừa là "phao cứu sinh" cho các doanh nghiệp trong nước
"Việc thúc đẩy thị trường nội địa không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ riêng của ngành Công Thương, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Do đó, trong giai đoạn này, chúng ta cần phát huy cao độ vai trò của từng mắt xích trong chuỗi: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tài chính tín dụng - quản lý nhà nước, để tạo nên một thị trường trong nước năng động, hiện đại và phát triển bền vững", ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội nghị, ông Phan Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) báo cáo tổng quan về thực trạng thị trường hàng hóa trong nước, tình hình tiêu dùng, một số khó khăn, thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thị trường hàng hóa, kích cầu tiêu dùng hiện nay.
Ông Phan Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước báo cáo tổng quan về thực trạng thị trường hàng hóa trong nước
Sức mua hàng hóa trong nước chưa tăng đột phá
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), Quý I Năm 2025, mặc dù các vấn đề bất ổn về chính trị, thương mại trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu và tác động mạnh đến chuỗi cung ứng hàng hóa. Tuy nhiên, thị trường hàng hóa trong nước vẫn tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu vẫn luôn được bảo đảm, giá các mặt hàng không có biến động lớn (riêng mặt hàng thực phẩm như thịt lợn giá có biến động tăng cao trong nửa cuối Quý I nhưng sau đó đã dần ổn định). CPI bình quân Quý I năm 2025 tăng 3,22% so với cùng kỳ năm 2024. Do đó, sức mua trên thị trường mặc dù chưa tăng đột phá nhưng vẫn tiếp tục có sự tăng trưởng so với năm 2024.
Bên cạnh đó, Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý I năm 2025 đạt 1.708.252 tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó nhóm có mức tăng cao là lương thực, thực phẩm, hàng văn hóa phẩm, giáo dục (tăng lần lượt 10,1% và 13,3%); nhóm du lịch, dịch vụ và lưu trú, ăn uống (tăng từ 12,5-18,3%); các nhóm tăng thấp gồm phương tiện đi lại, đồ dùng trang thiết bị gia đình và hàng may mặc (chỉ tăng từ 1,7-6,9%). Nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ Quý I năm 2025 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đồng thời, quy mô thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện đạt khoảng 4.922 tỷ đồng (tương đương khoảng 190 tỷ USD, số liệu năm 2024), trong đó, tiêu dùng cho nhóm hàng lương thực, thực phẩm vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất là 35,7%, tiếp đến là nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình chiếm 10,7%, nhóm hàng may mặc chiếm 5,5%, nhóm phương tiện đi lại chiếm 4,8%, cuối cùng là nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục chiếm 1,3%...
"Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm, các yếu tố như chiến tranh thương mại, biến động tỷ giá ngoại tệ cũng ảnh hưởng đến thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu, làm giảm thu nhập của một bộ phận người dân và gián tiếp tác động đến tiêu dùng nội địa; Thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài; Cuộc cách mạng công nghệ số với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực lao động ngành ngân hàng, kế toán, IT... Các nước lớn như Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất trong nước thông qua việc đánh thuế cao cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường hàng hóa trong nước..." ông Phan Văn Chinh chia sẻ.
Hỗ trợ chính sách thuế phí, lãi suất và tài chính - tín dụng
Trao đổi tại hội nghị có các ý kiến của đại diện Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các Cục ngành về các chính sách hỗ trợ kích cầu tiêu dùng gồm các chính sách về: Tài khóa, tín dụng, thuế, hỗ trợ doanh nghiệp....
Cùng với Báo cáo của Sở Công Thương các địa phương về tình hình thị trường, kế hoạch triển khai các Chương trình kích cầu tiêu dùng, xúc tiến thương mại tại địa phương; những thuận lợi và khó khăn trong việc triển khai Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 của Bộ Công Thương.
Theo Đại diện của Sở Công Thương Hà Nội đã đề xuất, kiến nghị: Thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường và kích cầu tiêu dùng cho thị trường Hà Nội góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên: Đề nghị Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho quy hoạch phát triển hạ tầng logistics; Sớm hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thương mại điện tử, Luật An toàn thực phẩm; Các Bộ, ngành sớm ban hành các Quy chuẩn kỹ thuật hoặc Tiêu chuẩn Quốc gia đối với các sản phẩm thuộc quản lý của ngành để các doanh nghiệp có cơ sở tự công bố và các cơ quan quản lý có căn cứ pháp lý để hướng dẫn và kiểm tra doanh nghiệp; Bộ Tài chính: tham mưu cơ chế hỗ trợ (về miễn, giảm tiền thuê đất, về ưu đãi lãi suất cho vay đối với đầu tư xây dựng chợ) đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đảm bảo giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, hợp tác xã…
Đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng báo cáo thực trạng tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, định hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đề xuất giải pháp và kiến nghị.
Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối
Đại diện doanh nghiệp chuỗi bán lẻ, WinCommerce đề xuất, kiến nghị về giải pháp hỗ trợ Doanh nghiệp bán lẻ như: xây dựng và liên kết hệ thống hạ tầng bán lẻ hiện đại, phát triển hệ thống logistics tại vùng, địa phương để đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, song song với việc chú trọng phát triển mạng lưới logistics quốc gia, đầu tư hệ thống kho bãi, vận tải và các trung tâm logistics hiện đại; Hỗ trợ chính sách thuế phí, lãi suất và hỗ trợ tài chính = tín dụng (chính sách giảm 2% thuế VAT đối với một số mặt hàng hóa dịch vụ (theo Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội và Nghị định số 180/2024/NĐ-CP) đã mang lại sự hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp bán lẻ nói riêng; Chính sách hỗ trợ chi phí vận hành cho doanh nghiệp bán lẻ trong các giai đoạn kinh tế khó khăn, đặc biệt là chi phí điện năng đang ở mức cao, tạo ra nhiều khó khăn thách thức cho Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong việt nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực…
Sau Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các ý kiến thảo luận và báo cáo, đề xuất với các cấp có thẩm quyền các kiến nghị phù hợp cần kịp thời tháo gỡ nhằm thúc đẩy thị trường trong nước phát triển ổn định, bền vững.
Hội nghị tập trung vào thảo luận các nội dung:
- Đánh giá thực trạng thị trường hàng hóa, sức mua, nhu cầu tiêu dùng trong nước từ đầu năm đến nay;
- Phân tích những khó khăn, rào cản đang ảnh hưởng tới khả năng tiêu thụ hàng hóa của người dân và doanh nghiệp;
- Thảo luận và đề xuất các giải pháp đồng bộ, hiệu quả và kịp thời để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 và tạo nền tảng cho các năm tiếp theo.
Kim Huệ
Nguồn Tạp chí Công thương : https://tapchicongthuong.vn/bo-cong-thuong-to-chuc-hoi-nghi-ve-cac-giai-phap-day-manh-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc--kich-cau-tieu-dung-139678.htm