Thị trường bán lẻ Việt Nam 2025: Đổi mới trong 'bão' kinh tế toàn cầu

Thị trường bán lẻ Việt Nam 2025: Đổi mới trong 'bão' kinh tế toàn cầu
7 giờ trướcBài gốc
Niềm tin tiêu dùng - “Đòn bẩy” cho tăng trưởng bền vững
Tại một cửa hàng WinMart ở chung cư nằm trên đường Hồng Hà, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh, đang cẩn thận lựa chọn thực phẩm, chị Nguyễn Thị Lan chia sẻ: “Tôi thích mua hàng ở đây vì nguồn gốc rõ ràng, lại có nhiều sản phẩm xanh sạch, thân thiện môi trường”.
Câu chuyện của chị Lan phần nào đang phản ánh xu hướng tiêu dùng mới, không chỉ mua sắm vì giá cả mà người Việt ngày càng ưu tiên chất lượng, tính bền vững và trải nghiệm.
Theo các chuyên gia, niềm tin ấy không tự nhiên mà có. Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, niềm tin tiêu dùng là chìa khóa để kích cầu nội địa. Khi kinh tế toàn cầu bất ổn, người dân thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cần minh bạch hơn bao giờ hết.
Các “ông lớn” nội địa như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh, WinComerce… đang đầu tư mạnh vào chiến dịch truyền thông về nguồn gốc sản phẩm, cải thiện dịch vụ khách hàng và đảm bảo giá cả hợp lý.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, niềm tin không chỉ đến từ doanh nghiệp. Biến động tỷ giá và chính sách thuế quan từ Mỹ... có thể sẽ ảnh hưởng tới thu nhập của người lao động trong ngành xuất khẩu. Khi thu nhập giảm, sức mua nội địa cũng chịu ảnh hưởng. Vì thế, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để củng cố niềm tin đối với người tiêu dùng.
Doanh nghiệp và các địa phương cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ nhằm kích cầu tiêu dùng, phát triển logistics và xây dựng mô hình bán lẻ xanh, bền vững.
Tại Đà Nẵng, bà Lê Kim Phương - Giám đốc Sở Côngp thương Đà Nẵng cũng thông tin về các chương trình “Kết nối cung cầu” giúp hàng hóa địa phương tiếp cận người tiêu dùng qua các kênh phân phối hiện đại.
“Chúng tôi tổ chức hội chợ, kết nối cung - cầu dịp hè và cuối năm, quảng bá hàng Việt, phát triển mô hình chợ đêm phục vụ khách du lịch, để người dân thấy được chất lượng của sản phẩm Việt" - bà Phương nói.
Tương tự, bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cũng chia sẻ, Sở cũng đẩy mạnh tiêu dùng nội địa gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thúc đẩy sức mua nội địa bằng việc tổ chức các hoạt động như: Chương trình Khuyến mại tập trung, Hội chợ quốc tế quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội…
Nhưng để duy trì đà này, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp cũng cần kết hợp với chính sách hỗ trợ của Chính phủ, từ ưu đãi thuế đến giảm chi phí vận hành. Bà Đoàn Thị Hương Thanh - Giám đốc Khối Pháp chế WinCommerce đề xuất: “Chính phủ nên giảm 20 - 25% chi phí điện năng và hỗ trợ thuế VAT cho các điểm bán ở vùng khó khăn. Điều này giúp chúng tôi ổn định giá cả, giữ chân khách hàng”.
Các chiến dịch truyền thông minh bạch, nâng cao trải nghiệm khách hàng và đảm bảo giá cả hợp lý sẽ góp phần xây dựng lòng tin bền vững, kích cầu tiêu dùng nội địa. Ảnh: Lạc Nguyên
Công nghệ và bán lẻ xanh - Lối đi tất yếu cho tương lai
Sự bùng nổ của thương mại điện tử, với những cái tên như Shopee, Lazada và Tiki, đã làm thay đổi căn bản thói quen mua sắm của người Việt, khi chỉ một cú chạm, hàng hóa từ khắp nơi đã đến tay người tiêu dùng.
Ghi nhận trên thị trường, không chỉ các “ông lớn” quốc tế như Aeon hay Lotte tận dụng công nghệ, doanh nghiệp nội địa như WinCommerce cũng đang chạy đua để bắt kịp. Các doanh nghiệp triển khai hệ thống bán lẻ thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán nhu cầu khách hàng, tối ưu hóa kho bãi và giảm chi phí vận hành.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không thể chỉ là sân chơi của những gã khổng lồ. Bà Nguyễn Kiều Oanh - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội nhấn mạnh, doanh nghiệp nhỏ, từ tiểu thương đến hợp tác xã, cần được hỗ trợ để tiếp cận công nghệ.
"Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ một phần vốn đầu tư cho doanh nghiệp logistics và chính sách khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ cao có hình thức cho thuê, để các doanh nghiệp logistics không phải đầu tư lớn ban đầu cho công nghệ. Đồng thời, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào một số hoạt động logistics" - bà Oanh đề xuất.
Công nghệ và bán lẻ xanh là xu hướng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Lạc Nguyên
Công nghệ không chỉ dừng ở việc bán hàng mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam khẳng định: “Đổi mới công nghệ là yếu tố sống còn. Nếu không, ngành bán lẻ sẽ khó đạt tăng trưởng vượt bậc trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt”. Ông Nguyễn Đức Anh cũng kêu gọi các địa phương quy hoạch lại ngành thương mại, ưu tiên phát triển trung tâm logistics hiện đại, đồng bộ kho bãi và vận tải để giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.
Song song với cách mạng số, bán lẻ xanh đang định hình lại thị trường. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ, ngày càng ưu tiên sản phẩm thân thiện môi trường, từ thực phẩm hữu cơ đến bao bì tái chế. Bà Đoàn Thị Hương Thanh chia sẻ: “Chúng tôi muốn mở rộng mô hình bán lẻ xanh đến vùng sâu, vùng xa vừa cung cấp hàng hóa thiết yếu vừa tạo việc làm đến nông thôn, nhưng cần chính sách ưu đãi thuế, tín dụng và giảm lãi suất dài hạn để giảm gánh nặng chi phí"./.
Ngành bán lẻ Việt Nam năm 2025 đứng trước ngã rẽ: hoặc đổi mới để vươn xa, hoặc bị cuốn trôi trong cơn bão kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp cần sự đồng hành của chính sách, từ ưu đãi thuế đến đầu tư hạ tầng logistics và trên hết là niềm tin từ người tiêu dùng – yếu tố kết nối tất cả.
Lạc Nguyên
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-ban-le-viet-nam-2025-doi-moi-trong-bao-kinh-te-toan-cau-175173.html