Hội thảo “Hệ thống chợ dân sinh tại TP.HCM - Nhìn về tương lai” vừa được Sở Công Thương TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật phối hợp tổ chức.
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày một số kết quả khảo sát, phân tích về các chủ đề như: Xu hướng thay đổi hành vi tiêu dùng trong kỷ nguyên số; vị thế cạnh tranh của chợ dân sinh trong hệ sinh thái phân phối hàng hóa tiêu dùng tại TP.HCM.
Đề xuất chiến lược tổng thể phát triển hệ thống chợ dân sinh tại TP.HCM giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2035...
Gen Z sẽ là đối tượng đi chợ dân sinh trong tương lai
TS. Nguyễn Hoàng Dũng, Trường Đại học Kinh tế - Luật , đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết kết quả khảo sát hành vi người tiêu dùng tại chợ cho thấy: đối tượng khách hàng mua sắm chủ yếu hiện nay thuộc thế hệ Gen X và Gen Y, những người quen thuộc với phương thức mua sắm truyền thống.
Tuy nhiên, đối tượng khách hàng sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của kênh mua sắm này trong tương lai lại chính là thế hệ Gen Z.
Theo TS. Dũng, để đảm bảo sự phát triển bền vững và lâu dài của hệ thống chợ, các nhà hoạch định chính sách cần cân bằng giữa việc đáp ứng nhu cầu của cả nhóm khách hàng truyền thống Gen X, Y và nhóm khách hàng tương lai Gen Z.
Ông dự báo, 10 năm tới, Gen Z sẽ trở thành lực lượng tiêu dùng chủ lực. Do đó, các chợ cần phải thay đổi, đặc biệt là ứng dụng công nghệ, để thu hút thế hệ này.
Vì vậy, để thu hút và giữ chân Gen Z, các chính sách cần tập trung vào việc hiện đại hóa chợ, ví dụ như hỗ trợ tiểu thương chuyển đổi số từ khâu thanh toán đến tương tác với khách hàng qua ứng dụng.
Áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm và cải thiện trải nghiệm mua sắm thông qua việc thiết kế không gian hiện đại, hấp dẫn hơn đối với thế hệ trẻ.
Tính tươi mới của thực phẩm tươi sống là một trong những yếu tố được người dân thích đi chợ. Ảnh: TÚ UYÊN
Người dân phản hồi tích cực nếu hạ tầng chợ dân sinh được cải tạo
Đáng chú ý, nhằm làm rõ xu hướng mua sắm tại chợ trong tương lai, nhóm nghiên cứu đã khảo sát phản ứng của người tiêu dùng đối với các kịch bản phát triển chợ khác nhau cho thấy kết quả bất ngờ.
Kịch bản 1: Giữ nguyên hiện trạng chợ (không cải tạo). Kết quả cho thấy 45,6% người tiêu dùng vẫn chọn tiếp tục đi chợ.
Đây là nhóm khách hàng trung thành, đi chợ vì thói quen và yêu thích không khí gần gũi, sự tương tác trực tiếp với tiểu thương.
Tuy nhiên, có đến 41,4% lựa chọn chuyển sang các kênh bán lẻ hiện đại. Nhóm này thường ưu tiên các yếu tố về chất lượng hàng hóa, không gian mua sắm và dịch vụ đi kèm.
Nhóm còn lại (13%) chọn chuyển sang mua sắm trên TMĐT. Đây đa phần là người trẻ, yêu thích công nghệ, đề cao sự tiện lợi và có quỹ thời gian eo hẹp cho việc mua sắm.
Kịch bản 2: Cải tạo hạ tầng chợ. Kịch bản này nhận được phản hồi rất tích cực từ người tiêu dùng.
Cụ thể, 67,4% người được hỏi cho biết sẽ ưu tiên chọn đi chợ mua sắm nếu chợ được cải tạo về hạ tầng và không gian.
Trong trường hợp này, tỷ lệ người chọn mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại khác giảm xuống còn 20,5%. Tỷ lệ chọn kênh TMĐT cũng giảm nhẹ nhưng không đáng kể.
Như vậy, có thể thấy việc cải tạo hạ tầng sẽ tác động rất tích cực đến quyết định lựa chọn đi chợ của người tiêu dùng trong thời gian tới.
Kịch bản 3: Phát triển chợ thành chợ phiên cuối tuần (họp 1-2 lần/tuần) vừa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, vừa kết hợp du lịch.
Với kịch bản này, tỷ lệ người tiêu dùng chọn chợ để mua sắm là 53,5%, vẫn cao hơn so với kịch bản giữ nguyên hiện trạng.
Nhờ sự độc đáo, mới lạ của các buổi chợ phiên, xu hướng lựa chọn đi chợ của người tiêu dùng cũng có chuyển biến tích cực.
Tỷ lệ người tiêu dùng lựa chọn kênh bán lẻ hiện đại trong kịch bản này cũng giảm xuống so với chợ giữ nguyên.
Kịch bản 4 và 5: Chợ chuyển thành tổ hợp siêu thị hoặc thành khu kinh doanh chuyên biệt, tỷ lệ người dân chọn đến địa điểm này mua sắm vẫn tăng so với kịch bản giữ nguyên.
Kịch bản 6: Đối với chợ hoạt động không hiệu quả, chuyển đổi công năng sang mục đích khác, chỉ khoảng 13,2% người dân chọn chuyển sang mua sắm ở một khu chợ truyền thống khác.
66,8% sẽ chuyển sang các kênh bán lẻ hiện đại, phần còn lại có thể chuyển sang TMĐT hoặc các hình thức khác.
Người dân đi chợ phần lớn là gắn bó với chợ. Ảnh: TÚ UYÊN
Chợ dân sinh cần được hỗ trợ để hiện đại nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa
Từ các kết quả trên, TS. Dũng cho biết nhóm nghiên cứu đề xuất TP.HCM trước hết cần có chính sách đầu tư đồng bộ vào việc cải thiện, nâng cấp hạ tầng các chợ dân sinh hiện hữu.
Việc tạo ra không gian mua sắm sạch sẽ, tiện ích công cộng đầy đủ sẽ khuyến khích người dân quay trở lại chợ thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, việc phát triển chợ gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm cũng là một hướng đi tiềm năng.
Hơn nữa, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, việc xây dựng chiến lược phát triển chợ bền vững, thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới là hết sức cần thiết.
Các chợ dân sinh cần được hỗ trợ để chuyển mình theo hướng linh hoạt, hiện đại hơn, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa và tính cộng đồng vốn có.
“Việc triển khai đồng bộ những chính sách này sẽ góp phần quan trọng vào việc bảo tồn và phát triển hệ thống chợ dân sinh trong thời kỳ mới”- TS. Dũng nói.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết hiện nay kênh phân phối hiện đại tại TP.HCM mới chỉ chiếm khoảng 25% - 30% thị phần. Tuy nhiên, hoạt động của các chợ truyền thống đang ngày càng gặp khó khăn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ kênh hiện đại.
“Tôi vừa có dịp quay lại tham dự một hội chợ thực phẩm tại Singapore. So với 20 năm trước, Singapore đã thay đổi không thể hình dung nổi, nhưng các khu chợ truyền thống của họ thì gần như không thay đổi gì nhiều,” ông Phương chia sẻ kinh nghiệm.
Do đó, qua 12 buổi tọa đàm, hội thảo đã tổ chức, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, ban quản lý chợ, UBND các địa phương. Mục tiêu là hoàn thiện chiến lược và giải pháp phát triển hệ thống chợ dân sinh tại thành phố giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến 2035, đáp ứng yêu cầu phát triển chung trong bối cảnh chuyển đổi số.
Hiện nay, TP.HCM có 232 chợ đang hoạt động. Xu hướng người tiêu dùng ngày càng chú trọng hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm, ưu tiên lựa chọn hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
Tuy nhiên, bên cạnh tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp tại nhiều chợ, các vấn đề như bán không đúng giá niêm yết, hàng nhái, hàng giả,... vẫn còn tồn tại, khiến người tiêu dùng dần mất niềm tin và quay lưng với chợ dân sinh.
TÚ UYÊN