Uống cà phê khi chưa ăn sáng không phải là ý tưởng tuyệt vời. Ảnh: Freepik.
Đối với nhiều người, một ly cà phê là "nghi thức" không thể thiếu mỗi sáng, giúp họ khởi động ngày mới và tăng cường sự tỉnh táo.
Uống cà phê có nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau như giảm đau cơ sau khi tập thể dục, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, trầm cảm… Tuy nhiên, việc uống cà phê mà không ăn sáng trước có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực hơn.
Tăng độ axit dạ dày
Theo India Times, cà phê có tính axit cao, và khi uống lúc đói bụng có thể dẫn đến tăng sản xuất axit dạ dày. Lượng axit dư thừa này gây khó chịu, bao gồm chứng ợ nóng, trào ngược axit và loét dạ dày. Theo thời gian, việc tiếp xúc lâu dài với nồng độ axit dạ dày cao có thể làm hỏng niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm, loét dạ dày.
Mất nước
Caffeine là chất lợi tiểu, có nghĩa là nó thúc đẩy quá trình sản xuất nước tiểu, dẫn đến tăng mất nước từ cơ thể. Uống cà phê khi bụng đói có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước, đặc biệt là nếu không duy trì đủ lượng nước uống trong ngày. Mất nước có thể gây ra các triệu chứng như đau đầu, chóng mặt và mệt mỏi, ảnh hưởng thêm đến sức khỏe và tinh thần tổng thể.
Gây rối loạn tiêu hóa
Uống cà phê khi bụng đói làm gián đoạn quá trình tiêu hóa tự nhiên. Thông thường, cơ thể giải phóng axit dạ dày và các enzyme tiêu hóa để đáp ứng với lượng thức ăn, hỗ trợ quá trình phân hủy và hấp thụ các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, chỉ uống cà phê mà không ăn sáng sẽ kích hoạt giải phóng các dịch tiêu hóa này sớm, có khả năng dẫn đến tiêu hóa không hoàn toàn và kém hấp thu chất dinh dưỡng.
Đối với những người đang mắc các vấn đề về tiêu hóa như hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc bệnh viêm ruột (IBD), uống cà phê khi bụng đói có thể khiến triệu chứng trầm trọng thêm. Tác dụng kích thích của caffeine có thể làm tăng nhu động ruột, gây tiêu chảy hoặc đau bụng.
Tăng bồn chồn và lo lắng
Cà phê chứa caffeine, chất kích thích tăng mức độ tỉnh táo và năng lượng. Tuy nhiên, nếu uống khi bụng đói, quá trình hấp thụ caffeine diễn ra nhanh hơn, khiến năng lượng tăng - giảm đột ngột. Sự dao động nhanh chóng về mức năng lượng này góp phần gây ra cảm giác bồn chồn, lo lắng và bất an, đặc biệt ở những người nhạy cảm với caffeine.
Uống cà phê khi bụng trống rỗng có thể ảnh hưởng dạ dày, tiêu hóa, làm tăng đường huyết... Ảnh: Delish.
Ảnh hưởng lượng đường trong máu
Uống cà phê khi bụng đói cũng có thể ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Caffeine đã được chứng minh là làm giảm độ nhạy cảm với insulin, có khả năng dẫn đến lượng đường trong máu cao hơn.
Điều đó có thể khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi, cáu kỉnh và thèm đường hoặc caffeine hơn để làm giảm các triệu chứng. Theo thời gian, những dao động này có thể góp phần gây ra tình trạng kháng insulin và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Giảm hấp thụ chất dinh dưỡng
Cà phê chứa hợp chất tannin, có thể tương tác với một số chất dinh dưỡng như sắt và canxi, làm giảm sự hấp thụ của chúng trong cơ thể.
Đặc biệt, tannin càng có tác động rõ rệt khi bạn uống cà phê lúc đói. Chúng sẽ cản trở sự hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu từ những bữa ăn tiếp theo. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Mai Phương