Điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp

Điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ hợp pháp
một ngày trướcBài gốc
Lãi suất giảm đẩy tỷ giá tăng
Ngày 10/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tỷ giá tỷ giá trung tâm tăng 12 đồng so với phiên trước. Giá mua-bán USD tại nhiều ngân hàng thương mại được điều chỉnh giảm với biên độ phổ biến từ 8-15 đồng so với phiên bản trước. Cụ thể, giá mua bán ở Vietcombank là 25.920 - 26.310 đồng/USD. Cao hơn 1 chút, tại Techcombank, giá mua bán đồng USD được giao dịch ở mức 25.929 - 26.326 đồng.
Trên thị trường thế giới, chỉ số đô la Mỹ-thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ sáu đồng tiền chính-giảm 0,1%, xuống còn 97,338 điểm, nối tiếp mức giảm 0,2% trong phiên liền trước. Như vậy, tính từ đầu năm tới nay, chỉ số DXY đã giảm hơn 10%, trong khi VND vẫn tiếp tục mất giá 2,8%.
Lý giải nguyên nhân có sự trái ngược này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để duy trì sức mạnh đồng tiền thì trước hết đồng tiền đó phải có sức hấp dẫn, thể hiện ở lãi suất. Tuy nhiên thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện các chính sách điều hành nhằm duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất liên tục giảm từ cuối năm 2022 đến nay, tính riêng từ đầu năm đến nay, lãi suất cho vay bình quân đã giảm thêm 0,6%/năm.
“Để có lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có sự đánh đổi về tỷ giá", ông Phạm Chí Quang cho hay. Ngoài ra, theo lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ, thời gian qua, để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận được lãi suất thấp, NHNN đã duy trì lãi suất liên ngân hàng ở mức thấp. Điều này dẫn tới chênh lệch lãi suất VND và USD ở trạng thái âm, từ đó kích thích cầu đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây áp lực cho tỷ giá.
Mặc dù nhìn cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn ổn định, cán cân thương mại vẫn thặng dư nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh do dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay, gây sức ép lớn lên thị trường ngoại hối.
Chia sẻ thêm, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động mới nhiều yếu tố, từ chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng đến căng thẳng địa chính trị tăng. Rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính, tiền tệ thế giới tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế-chính trị quốc tế diễn biến khó lường, NHNN đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ hoạt động thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời; tỷ giá VND diễn biến linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đồng mất giá gần 3%.
Tỷ giá vẫn chịu nhiều áp lực
Phân tích về tỷ giá, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh đưa ra nhận định, việc chỉ số DXY giảm đã giúp giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá vẫn đang duy trì ở mức cao, cho thấy áp lực này còn hiện hữu. Bên cạnh đó, tỷ giá có xu hướng mang tính mùa vụ. Trong giai đoạn hiện tại, tỷ giá có thể giảm, nhưng dự báo bắt đầu tăng trở lại vào khoảng tháng 8-9/2025, nên cần theo dõi thêm kết quả đàm phán thuế quan giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong khi đó, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu dự báo, tỷ giá cho cả năm 2025 có thể tăng ít nhất 5%. Theo vị chuyên gia này, thuế quan với Mỹ sẽ là yếu tố tác động rất mạnh đến tỷ giá. Ngoài ra, việc tăng trưởng kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu cũng là một yếu tố cố hữu. Khi nhập khẩu nhiều, nhu cầu ngoại tệ sẽ tăng, từ đó đẩy tỷ giá lên. Ông Hiếu cho rằng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhập khẩu, nên cân nhắc việc mua các hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn từ các ngân hàng. Điều này giúp họ bảo vệ mình trước biến động của tỷ giá, bảo đảm có đủ ngoại tệ để thanh toán và ấn định được một mức tỷ giá ngay từ khi ký hợp đồng.
Từ phía cơ quan quản lý, trong nửa cuối năm 2025, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ đánh giá tỷ giá USD/VND tiếp tục chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là chính sách lãi suất của FED và định hướng thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Mặc dù nhiều nền kinh tế lớn như châu Âu hay Nhật Bản đã bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ nhờ lạm phát hạ nhiệt nhưng lạm phát tại Mỹ vẫn diễn biến phức tạp, dao động quanh ngưỡng mục tiêu.
Ông Phạm Chí Quang nhận định: “Dù FED nhiều lần khẳng định sẽ giảm lãi suất hai lần trong năm 2025, nhưng thời điểm đó liên tục bị lùi: Từ tháng 3, sang tháng 6, tháng 7 và nay dự kiến là tháng 9. Việc trì hoãn liên tục cho thấy sự bất định của môi trường chính sách quốc tế, và điều đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến điều hành tỷ giá và lãi suất tại Việt Nam”.
Một yếu tố quốc tế khác có thể tác động mạnh đến tỷ giá trong thời gian tới là chính sách thương mại của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Những chính sách thuế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chuỗi cung ứng, dòng vốn đầu tư và từ đó tác động gián tiếp đến tỷ giá và lãi suất trong nước. Ở trong nước, dù nền kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng ông Quang nêu dữ liệu của Cục Thống kê cho thấy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn rất cao. Điều đó sẽ tác động ngược trở lại đến điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá.
Đại diện NHNN khẳng định, nhà điều hành thường xuyên cập nhật diễn biến của thị trường để đưa ra giải pháp phù hợp, điều hành tỷ giá linh hoạt theo cung–cầu thị trường, đảm bảo các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ.
Hà An
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/kinh-te/dieu-hanh-ty-gia-linh-hoat-dam-bao-nhu-cau-ngoai-te-hop-phap-i774385/