Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2025 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2025) đã có những thay đổi quan trọng tại Điều 19 về điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.
Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam
Thứ nhất, công dân nước ngoài và người không quốc tịch có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:
(a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ, người chưa thành niên có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam;
(b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;
(c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;
(d) Đang thường trú ở Việt Nam;
(đ) Thời gian thường trú ở Việt Nam từ 05 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;
(e) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.
Thứ hai, người xin nhập quốc tịch Việt Nam có vợ hoặc chồng hoặc có con đẻ là công dân Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, đ và e nêu trên.
Thứ ba, người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc một trong những trường hợp sau đây thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải đáp ứng các điều kiện c, d, đ và e nêu trên:
- Có cha đẻ hoặc mẹ đẻ hoặc ông nội và bà nội hoặc ông ngoại và bà ngoại là công dân Việt Nam;
- Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
- Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Là người chưa thành niên xin nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có tên bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng dân tộc khác của Việt Nam. Trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam đồng thời xin giữ quốc tịch nước ngoài thì có thể lựa chọn tên ghép giữa tên Việt Nam và tên nước ngoài. Tên do người xin nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn và được ghi rõ trong Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam không được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu việc đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.
Người xin nhập quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp thứ hai và ba nêu trên được giữ quốc tịch nước ngoài nếu đáp ứng các điều kiện sau đây và được Chủ tịch nước cho phép:
- Việc giữ quốc tịch nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Bước tiến trong chính sách pháp luật về quốc tịch
Có thể thấy, một trong những thay đổi đáng chú ý là việc mở rộng nhóm đối tượng được miễn một số điều kiện khi xin nhập quốc tịch.
Trước đây, theo Luật Quốc tịch Việt Nam 2008, chỉ những người là vợ, chồng, cha, mẹ, con của công dân Việt Nam mới được xét miễn các điều kiện như: Biết tiếng Việt, thường trú đủ 5 năm và có khả năng bảo đảm cuộc sống.
Nay, Luật bổ sung thêm đối tượng là những người có ông bà nội, ông bà ngoại là công dân Việt Nam cũng được xét miễn các điều kiện trên khi xin nhập quốc tịch. Điều này phản ánh tinh thần gắn kết huyết thống, hướng đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Quy định mới cũng bổ sung đối tượng người chưa thành niên vào diện được xét miễn nhiều điều kiện. Nếu người chưa thành niên xin nhập quốc tịch theo cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thì không bắt buộc phải chứng minh năng lực tài chính, khả năng ngôn ngữ hay thời gian cư trú.
Đây là một điều chỉnh tiến bộ, thể hiện sự quan tâm đến quyền lợi và tương lai của trẻ em có gốc Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài hoặc tại Việt Nam.
Đoàn kiều bào từ 24 quốc gia trong một chuyến thăm đảo Trường Sa.
Ngoài ra, quy định mới còn cho phép người nhập quốc tịch Việt Nam lựa chọn tên gọi linh hoạt hơn. Không chỉ được chọn tên tiếng Việt, họ còn có thể sử dụng tên bằng tiếng dân tộc Việt Nam hoặc tên ghép với tên nước ngoài nếu được giữ quốc tịch cũ.
Một thay đổi quan trọng khác là quy định rõ ràng hơn về điều kiện cư trú. Việc quy định rõ ràng về điều kiện đang thường trú và đủ thời gian 5 năm, giúp việc áp dụng thực tiễn dễ dàng và thống nhất hơn.
NGUYỄN CHÍNH