Điều kiện nào để bà Trương Mỹ Lan thoát án tử hình?

Điều kiện nào để bà Trương Mỹ Lan thoát án tử hình?
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 25-11, TAND cấp cao tại TP HCM tiếp tục xử phúc thẩm bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 bị cáo trong đại án xảy ra tại Tập đoàn này, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức liên quan.
Phiên xét xử tiếp tục với phần trình bày quan điểm của đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM đối với các luận điểm bào chữa mà các luật sư bảo vệ cho các bị cáo đã đưa ra trước đó.
Đại diện VKSND cấp cao tại TP HCM cho biết cơ quan này giữ nguyên quan điểm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, bao gồm 16-18 năm tù về tội "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng"; 20 năm tù về tội "Đưa hối lộ" và tử hình về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt bị đề nghị là tử hình.
Bị cáo Trương Mỹ Lan
Theo VKS, bị cáo Lan, với vai trò cổ đông lớn chiếm 91,5% cổ phần và quyền hạn cao nhất tại Ngân hàng SCB, đã chỉ đạo đồng phạm lập khống hồ sơ vay vốn, rút tiền SCB để phục vụ mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng. Trong 1.284 khoản vay, nhóm của bị cáo chiếm 93% tổng nợ gốc, thuộc nợ nhóm 5 (không có khả năng thu hồi).
Dù luật sư cho rằng hành vi của bị cáo chỉ là "đảo nợ", tiền không ra khỏi ngân hàng nhưng VKS khẳng định số tiền vay đã được sử dụng cho nhiều mục đích cá nhân như mua dự án, chi tiêu cá nhân và đã rời khỏi sự kiểm soát của ngân hàng. Quá trình điều tra cũng xác định 84% trong 1.169 tài sản bị kê biên được mua sau năm 2012, trùng thời điểm bị cáo phạm tội.
Các bị cáo tại tòa
VKS kết luận hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan xuyên suốt, gây thiệt hại lớn cho SCB và hệ thống tài chính, do đó mức án tử hình là phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ án.
Liên quan đến yêu cầu của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ đối với tội "Tham ô tài sản", đại diện VKS nhấn mạnh: "Đây là vấn đề lớn cần xem xét kỹ lưỡng".
Theo VKS, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 40 Bộ luật Hình sự nêu rõ người bị kết án tử hình có thể không thi hành án nếu nộp lại ít nhất 2/3 tài sản chiếm đoạt trong hành vi tham ô. Đồng thời, Nghị quyết số 03 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cũng hướng dẫn rằng trường hợp người phạm tội hoặc gia đình nộp lại tối thiểu 3/4 tài sản tham ô, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét giảm án.
Dựa trên quy định này, VKS cho rằng để có cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt tử hình, bị cáo Trương Mỹ Lan cần nộp lại 3/4 số tài sản đã chiếm đoạt. Căn cứ bản án sơ thẩm quy buộc bị cáo tham ô 304.000 tỉ đồng, nếu tính theo tỉ lệ này thì bị cáo Lan phải nộp khoảng 280.000 tỉ đồng mới có cơ sở đề nghị giảm mức án tử hình.
Trong giai đoạn thi hành án, nếu bị cáo hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc khắc phục hậu quả, bị cáo có thể nộp đơn đề nghị Chủ tịch nước xem xét giảm án.
Đại diện VKS cũng cho biết cơ quan này ghi nhận thái độ hợp tác và nỗ lực khắc phục hậu quả của bị cáo Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, vị này nhấn mạnh: "Con số thiệt hại trong vụ án là vô cùng lớn, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp".
Trong quá trình xét xử phúc thẩm vụ án, Cục Thi hành án dân sự TP HCM đã có văn bản gửi TAND cấp cao tại TP HCM, phản hồi đơn đề nghị ngày 13-11-2024 của luật sư bào chữa cho bị cáo Trương Mỹ Lan.
Văn bản cung cấp thông tin về số tiền đã được nộp nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự và khắc phục hậu quả trong vụ án, đồng thời cập nhật tình hình khắc phục hậu quả theo yêu cầu từ phía bị cáo Lan.
Theo đó, tổng số tiền mà cơ quan này hiện tạm giữ trong tài khoản, bao gồm tiền do cơ quan điều tra chuyển và do các cá nhân, tổ chức nộp tại Cục THADS TP là hơn 4.250 tỉ đồng và hơn 27 triệu USD. Trong đó, bị cáo Lan đã nộp 380 tỉ đồng.
Trần Thái - Ảnh: Hoàng Triều
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/dieu-kien-nao-de-ba-truong-my-lan-thoat-an-tu-hinh-196241125121030921.htm