Quang cảnh cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Hai tháng sau khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã đánh thuế quan đối với hàng hóa từ các nước láng giềng "thân thiết" Canada và Mexico cũng như từ đối thủ Trung Quốc. Tất cả các mặt hàng thép và nhôm, ô tô và phụ tùng ô tô của nước ngoài khi vào thị trường Mỹ cũng bị áp thuế. Ông Trump đồng thời đã đe dọa một số quốc gia khác, bao gồm cả các đồng minh truyền thống trong Liên minh châu Âu (EU), về khả năng áp dụng các mức thuế quan cao.
Tổng thống Mỹ coi ngày 2/4/2025 là "đỉnh cao" của chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" của mình, khi ông nỗ lực thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước bằng cách khiến các doanh nghiệp phải trả nhiều chi phí hơn để đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ.
Theo kế hoạch, vào ngày 2/4/2025, Tổng thống Trump sẽ công bố mức thuế quan đối ứng, sẽ áp dụng đối với các quốc gia "đóng góp" lớn nhất vào khoản thâm hụt thương mại 1.200 tỷ USD của Mỹ. Chính sách thuế quan này có thể sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 3/4/2025.
Thuế quan đối ứng
Tổng thống Trump đã tiết lộ rằng thuế quan đối ứng - hay còn gọi là thuế quan "có đi có lại" - sẽ tương ứng với mức thuế quan mà các nước áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Vào ngày 13/2, ông Trump đã ký một bản ghi nhớ chỉ đạo các quan chức thương mại Mỹ rà soát từng đối tác thương mại để đưa ra mức thuế quan phù hợp. Tổng thống Mỹ từng phàn nàn rằng Mỹ đã cho phép các quốc gia khác áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ mà không phải chịu bất kỳ hậu quả nào.
Liên quan đến chính sách thuế quan đối ứng, tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cho biết các quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là nhóm 15% các đối tác "đóng góp" nhiều nhất vào thâm hụt thương mại của Mỹ và áp đặt mức thuế quan lớn nhất đối với hàng hóa Mỹ. Bộ trưởng Bessent nhấn mạnh rằng nhóm "Dirty 15'" này đã áp dụng mức thuế quan cao và dựng lên các rào cản thương mại không công bằng khác đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Nhà Trắng chưa công bố danh sách 'Dirty 15'". Tuy nhiên, có thể "điểm danh" các đối tác có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ là Trung Quốc, EU, Mexico, Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Thụy Sĩ... theo tờ Wall Street Journal.
Theo giới quan sát, những bình luận của Bộ trưởng Bessent cho thấy chính quyền Mỹ có thể thu hẹp phạm vi áp dụng thuế quan "có đi có lại" so với những gì ông Trump đề xuất ban đầu.
Trong bối cảnh gia tăng quan ngại về môi trường kinh tế ở cả trong và ngoài nước Mỹ, ông Trump mới đây đã hạ thấp quy mô của mức thuế quan dành cho các quốc gia khác. Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt nói với các phóng viên rằng, "Tổng thống Mỹ nghĩ rằng một số trong các mức thuế quan này sẽ thận trọng hơn nhiều so với dự đoán của nhiều người".
Liệu chính sách thuế quan có đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái?
Các nhà kinh tế lo ngại rằng thuế quan "có đi có lại" trên diện rộng có thể gây tổn hại thêm cho nền kinh tế đang suy yếu và dẫn đến giá cả cao hơn đối với người tiêu dùng.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng của Moody's nhận định rằng thuế quan đối ứng trên diện rộng sẽ dẫn đến những hậu quả như: chi phí sinh hoạt cao hơn đối với những người có thu nhập thấp và trung bình; mức thuế quan mới đối với các doanh nghiệp Mỹ; thuế trả đũa từ các quốc gia khác; và những khó khăn trên thị trường chứng khoán sẽ xóa sổ khối tài sản đáng kể của những người có thu nhập cao.
Đồng thời, ông Zandi thừa nhận thật khó để dự đoán vì chính sách thuế quan "lúc lên lúc xuống" của Tổng thống Trump, nhưng theo ông, kinh tế Mỹ có thể cận kề kịch bản suy thoái vì chính sách thuế quan này.
Hoạt động tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Phố Wall phản ứng thế nào với kế hoạch thuế quan mà Tổng thống Mỹ gọi là 'Ngày Giải phóng'? Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, thị trường chứng khoán Mỹ đã lao dốc khi các nhà đầu tư bán tháo để phản ứng với chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ và lo ngại về lạm phát. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm hơn 700 điểm, tương đương khoảng 1,7%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ ngày 10/3/2025. Chỉ số S&P 500 đã giảm hơn 100 điểm. Các mức tăng của thị trường chứng khoán sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi tháng 11/2024 đã bị xóa sạch khi ông Trump triển khai chính sách thương mại của mình.
Các nước khác sẽ phản ứng thế nào với chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ? Theo các chuyên gia phân tích, các mức thuế quan đối ứng của ông Trump có khả năng sẽ làm leo thang một cuộc chiến thương mại toàn cầu vốn đã diễn ra ngay cả trước khi có thông báo về chính sách này.
Hương Giang/TTXVN (Tổng hợp)