Định hình du lịch ở thắng cảnh hồ Ba Bể

Định hình du lịch ở thắng cảnh hồ Ba Bể
8 giờ trướcBài gốc
Một góc danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Vấn đề cấp thiết sau khi hợp nhất tỉnh Thái Nguyên mới là phải định hình lại du lịch hồ Ba Bể trên cơ sở một quy hoạch tổng thể để “đánh thức” nàng tiên xanh đang say ngủ.
“Nàng tiên" say ngủ
Không phải ngẫu nhiên, được ví von như "nàng tiên xanh". Đến với Ba Bể, khách lãng du sẽ chiêm ngưỡng màu xanh bát ngát của rừng tự nhiên thuộc Vườn quốc gia Ba Bể, màu nước xanh mênh mang của hồ.
Nước hồ Ba Bể xanh quanh năm bởi giá trị địa chất độc đáo của nó khi được hình thành, kiến tạo bởi sụt lún các dãy núi đá vôi cách đây hơn 200 triệu năm. Năm 1995, Ba Bể được hội nghị hồ nước ngọt thế giới tại Mỹ công nhận là một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt cần được bảo vệ.
Năm 1996, hồ được công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Năm 2011, Ba Bể được công nhận là -Khu bảo tồn đất ngập nước có tầm quan trọng của thế giới…
Với sự ghi nhận, công nhận tầm quốc tế ấy, tiềm năng du lịch hồ Ba Bể là một “mỏ vàng”. Khi chưa hợp nhất, tỉnh Bắc Kạn cũ xác định du lịch là kinh tế mũi nhọn và hồ Ba Bể được xác định là “điểm nhấn đặc biệt”, trọng tâm của kinh tế du lịch.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, phát triển du lịch ở hồ Ba Bể vẫn không thể vượt lên để xứng với tiềm năng. Chung quanh hồ chỉ có vài bản homestay và một số ít cơ sở lưu trú, không có nơi vui chơi, giải trí. Nguyên nhân cơ bản là do chưa có một quy hoạch tổng thể, chi tiết để khai thác tiềm năng du lịch tại đây. Người dân, thậm chí doanh nghiệp làm du lịch theo kiểu tự phát.
Vẻ huyền ảo trong động Hua Mạ. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Nhiều khu vực ven hồ bị phá vỡ bởi những ngôi nhà cao tầng lộn xộn, không giấy phép. Tất cả khiến Ba Bể chỉ thu hút được số lượng không nhiều khách nội địa, khách quốc tế chỉ là đơn lẻ, đa dạng cá nhân khám phá.
Sau khi Trung ương đầu tư để tỉnh Bắc Kạn cũ mở tuyến đường du lịch tới hồ Ba Bể, rút ngắn đáng kể thời gian tới hồ thì sự quan tâm của các nhà đầu tư vào du lịch tại hồ đã sôi động hẳn lên. Các nhà đầu tư lớn, có tên tuổi trên cả nước đều đã tới tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất. Nhưng tất cả vẫn chỉ là đề xuất vì sẽ không thể triển khai bất cứ dự án nào khi chưa có một quy hoạch tổng thể.
Định hình du lịch
Khi hợp nhất thành tỉnh Thái Nguyên mới, không gian du lịch của Thái Nguyên đã rộng lớn hơn. Chỉ hai ngày trước khi hợp nhất thành tỉnh Thái Nguyên mới, Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể. Chính phủ cũng giao tỉnh Thái Nguyên mới thực hiện quy hoạch này.
Theo đó, khu vực lập quy hoạch của di tích có diện tích 10.048ha, trong đó, khu vực bảo vệ I rộng hơn 952ha; khu vực bảo vệ II rộng hơn 9.095ha.
Khu vực phát huy giá trị di tích rộng hơn 136ha, nằm ngoài khu vực bảo vệ, được bổ sung vào quy hoạch nhằm tổ chức không gian tái định cư, giao thông, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, giao thông, xây dựng các công trình dịch vụ phụ trợ, khu chức năng phục vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đây chính là “vùng mở” tạo điều kiện thu hút đầu tư “đánh thức” tại hồ Ba Bể trong thời gian tới.
Du khách thăm đảo Bà Góa trên hồ Ba Bể. (Ảnh: TUẤN SƠN)
Để phát huy giá trị đi đôi với bảo tồn, Chính phủ đặt mục tiêu quy hoạch bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị nổi bật về địa chất, địa mạo, cảnh quan thiên nhiên, hang động, hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các giá trị tự nhiên đặc sắc khác của di tích.
Đồng thời, nhận diện đầy đủ các giá trị đặc sắc, nổi bật của danh lam thắng cảnh; giải quyết các vấn đề bất cập về dân cư, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật.
Chính phủ yêu cầu, giữ nguyên diện tích và chức năng các khu vực bảo vệ di tích. Khu vực phát huy giá trị, gồm: thôn Bản Cám, khu điều hành Vườn quốc gia, khu vực động Hua Mạ. Tại đây ưu tiên xây dựng công trình dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, tổ chức tái định cư tại chỗ phục vụ quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo quy hoạch, hồ Ba Bể là hạt nhân, xác lập 4 không gian chức năng chính, gồm: khai thác giá trị cảnh quan sông nước, thác, hang động tự nhiên, văn hóa bản địa, đầu mối kết nối với Na Hang (Tuyên Quang) ở phía bắc. Phía nam hình thành không gian bảo tồn, phát huy văn hóa, kiến trúc bản địa, cảnh quan sinh thái, văn hóa cộng đồng, du lịch dọc sông Lèng.
Phía đông, hình thành trung tâm đón tiếp, điều hành, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, nghỉ dưỡng gắn với Vườn quốc gia Ba Bể.
Phía tây là không gian bảo tồn, khai thác văn hóa cộng đồng bản địa người Mông, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sinh thái.
Các không gian chức năng kết nối theo các trục liên kết sinh thái tự nhiên hồ Ba Bể, trục giao thông quốc lộ 3C, đường Khang Ninh-Na Hang và Nam Mẫu-Quảng Khê.
Quy hoạch cũng định hướng chi tiết 19 phân khu chức năng, như: thác Đầu Đẳng, động Puông, Ao Tiên, động Hua Mạ, khu vực dọc sông Lèng, Pác Ngòi, suối Cốc Tộc, khu dân cư Nà Phại, Đán Mẩy-Nà Nghè…
Chính phủ cũng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật gồm: giao thông đối ngoại, giao thông nội bộ, giao thông tĩnh, giao thông đường thủy, nâng cấp và xây mới bến thuyền, cấp nước, cấp điện, thoát nước thải…
Quy hoạch sẽ được cụ thể hóa bằng 7 dự án thành phần, gồm: bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (DA-01); bảo tồn các giá trị lịch sử-văn hóa, di sản địa chất, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng (DA-02); bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước, bảo vệ phát triển hệ sinh thái rừng (DA-03); bảo vệ môi trường nước của hồ Ba Bể (DA-04); phát triển sản phẩm và xây dựng các công trình dịch vụ du lịch (DA-05); xây dựng cơ sở dữ liệu di sản và ứng dụng công nghệ số phục vụ du lịch bền vững (DA-06); xây dựng hạ tầng kỹ thuật (DA-07).
Thời kỳ thực hiện quy hoạch từ năm 2025 đến năm 2035, tầm nhìn 2050. Trong đó, giai đoạn từ 2025-2030, hoàn thiện nhóm dự án DA-01; thực hiện nhóm dự án còn lại. Giai đoạn 2031-2035, hoàn thiện nhóm dự án DA-02, DA-03; tiếp tục thực hiện các nhóm dự án còn lại. Giai đoạn sau năm 2035 hoàn thiện các dự án còn lại.
Mục tiêu cụ thể được Chính phủ đặt ra tại quy hoạch là phát triển du lịch tại hồ Ba Bể bền vững, hình thành thương hiệu du lịch đặc sắc, trở thành khu du lịch quốc gia trước năm 2030 và trung tâm du lịch trọng điểm của toàn vùng .
Có thể nói “nút thắt” lớn nhất cản trở phát triển du lịch hồ Ba Bể trong thời gian qua đã chính thức được cởi bỏ bằng quy hoạch của Chính phủ. Sau nhiều năm “ngủ dài” giờ đây nàng tiên xanh Ba Bể đã sẵn sàng thức giấc để để tỏa sáng.
THẾ BÌNH-TUẤN SƠN
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/dinh-hinh-du-lich-o-thang-canh-ho-ba-be-post894085.html