PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Lê Huỳnh Tấn Duy - Phó Trưởng khoa Luật Hình sự cho biết: Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, thảo luận và đưa ra những đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, kiến nghị các biện pháp phòng, chống nhóm tội phạm này trước hiện trạng các tội phạm về ma túy tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia trên thế giới nói chung đang diễn biến phức tạp, không những gia tăng về số vụ phạm tội, số người phạm tội mà còn được thực hiện với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, mang tính xuyên quốc gia.
Hội thảo “Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, người hành nghề trong lĩnh vực tư pháp.
Hội thảo nhận được 15 bài tham luận từ các giảng viên, chuyên gia trong và ngoài trường, tại hội thảo đã có 6 tham luận được trình bày và nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận góp phần hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như kiến nghị các biện pháp phòng, chống các tội phạm về ma túy trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới.
ThS. Lê Thị Anh Nga - giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM Đề xuất về định hướng phòng ngừa các tội phạm về ma túy ở Việt Nam tại hội thảo.
Đề xuất về định hướng phòng ngừa các tội phạm về ma túy ở Việt Nam, nhóm tác giả ThS. Lê Thị Anh Nga và TS. Lê Nguyên Thanh - giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM gợi mở: Để phòng ngừa tội phạm này cần có sự đầu tư quy mô lớn, chú trọng hợp tác quốc tế để nắm bắt được các trục đường của các băng nhóm tội phạm ma túy, nắm bắt được xu hướng của tội phạm về ma túy trên thế giới để kịp thời có phương án phòng ngừa, xử lý tội phạm, không để bị động trước các thủ đoạn mới của tội phạm.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng có sự cập nhật kịp thời các công thức sản xuất ma túy mới để đưa vào danh mục các tiền chất bị cấm. Mặt khác, cần có chính sách cai nghiện hiệu quả, phòng ngừa nhắm đến các đối tượng mà tội phạm hướng tới, có chính sách quan tâm giáo dục rộng rãi trong cộng đồng, có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đối với các em nhỏ để phòng tránh sự lợi dụng của các đối tượng xấu.
Bàn về “Chính sách hình sự đối với các tội phạm về ma túy trong pháp luật một số nước - Gợi mở cho Việt Nam”, TS. Nguyễn Thị Ánh Hồng - giảng viên Trường Đại học Luật TP.HCM nhận định: Hiện nay, chính sách hình sự đối với các tội phạm về tội phạm ma túy trên thế giới đang trải qua nhiều thay đổi đáng chú ý, phản ánh sự dịch chuyển từ việc chỉ tập trung vào biện pháp trừng phạt hình sự sang các phương pháp tiếp cận toàn diện hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa - Trưởng khoa Luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM chủ trì hội thảo.
Theo đó, chính sách hình sự đối với tội phạm ma túy của các quốc gia trong giai đoạn hiện nay với điểm nổi bật là chính sách nhân đạo hơn đối với các tội phạm ma túy thể hiện ở chính sách phi tội phạm hóa đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; phi tội phạm hóa và phi hình sự hóa đối với hành vi sở hữu chất ma túy cho mục đích sử dụng cá nhân và chính sách hình phạt khoan hồng hơn đối với các tội phạm về ma túy.
Hội thảo “Phòng ngừa, xử lý các tội phạm về ma túy” được tổ chức theo 2 hình thức offline và online.
Từ đó, tác giả đưa ra nhiều đề xuất để hoàn thiện hơn các quy định của BLHS năm 2015 theo hướng nhân đạo hơn như: Hoàn thiện chính sách hình phạt khoan hồng hơn đối với các tội phạm ma túy như hạn chế quy định và áp dụng hình phạt tử hình; giảm mức hình phạt tù quy định trong các tội phạm cụ thể; quy định thêm các hình phạt chính không giam giữ đối với một số tội phạm nhất định; nghiên cứu để quy định các chương trình xử lý chuyển hướng đối với các tội phạm về ma túy; quy định chính sách hình phạt khoan hồng hơn với người phạm tội là người chưa thành niên,…
Đan Hà - Thiên Nhã