Định hướng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0

Định hướng nghề nghiệp trong thời đại công nghệ 4.0
20 giờ trướcBài gốc
Trước những thách thức và cơ hội việc làm trong thời đại công nghệ 4.0, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác định hướng nghề nghiệp giúp học sinh nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường lao động trong kỷ nguyên số, trang bị kiến thức, kỹ năng, tăng khả năng thích ứng và sẵn sàng đáp ứng các điều kiện lao động trong tình hình mới.
Học sinh Trường THPT Vĩnh Yên hào hứng tham gia chương trình “Ngày hội STEM - Trải nghiệm AI”. Ảnh: Dương Chung
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ với những công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), máy học, dữ liệu lớn… đã và đang làm thay đổi nền tảng, thúc đẩy các nền kinh tế truyền thống chuyển đổi sang kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo; đồng thời, làm thay đổi lớn về cơ cấu ngành nghề trong tương lai, tạo ra nhiều ngành nghề mới đòi hỏi sự linh hoạt và thích nghi với xu hướng.
Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp từ sớm, giúp học sinh tự nhận biết, phát triển các điểm mạnh, sở thích, khả năng của bản thân, trang bị các kỹ năng và kiến thức cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động được các trường chú trọng thực hiện.
Tại Trường THPT Vĩnh Yên (Vĩnh Yên), hướng nghiệp là hoạt động mang tính chiến lược và được thực hiện ngay từ khi học sinh bắt đầu bước vào lớp 10.
Cô Nguyễn Thị Yến, giáo viên phụ trách hướng nghiệp, Phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Vĩnh Yên cho biết: “Chương trình hướng nghiệp được nhà trường xây dựng, định hướng cho học sinh trên cơ sở kết hợp giữa khám phá bản thân và hiểu rõ, nắm bắt nhu cầu xã hội.
Ngay từ lớp 10, học sinh được làm 3 bài test (kiểm tra) đánh giá nhanh về khí chất, trí thông minh và sở thích giúp học sinh tự đánh giá, được cung cấp những gợi ý cụ thể ngành nghề phù hợp. Sau khi hoàn thành các bài test, kết quả sẽ được tổng hợp thành hồ sơ hướng nghiệp cho từng học sinh với đánh giá toàn diện về tính cách, khả năng, sở thích và sự phù hợp với nghề nghiệp của các em.
Giáo viên Trường THCS Kim Ngọc, xã Bình Định (Yên Lạc) thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung trong môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh. Ảnh: Dương Chung
Hồ sơ này sẽ được sử dụng trong quá trình học tập và tham vấn định hướng nghề nghiệp trong tương lai cho học sinh; giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh cũng có thể dựa vào kết quả này để đồng hành cùng học sinh trong các quyết định liên quan đến việc chọn trường, chọn ngành.
Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa giúp học sinh phát triển năng lực bản thân, nắm bắt xu hướng thị trường lao động trong tương lai với các chủ đề như định vị bản thân, xu hướng nghề nghiệp thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0, con đường khám phá nghề nghiệp, giáo dục STEM, trải nghiệm AI…”.
Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS cuối cấp cũng được các trường chú trọng thực hiện, với mục tiêu giúp học sinh có ý thức định hướng nghề nghiệp, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân.
Cô giáo Nguyễn Thị Đào, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Ngọc, xã Bình Định (Yên Lạc) cho biết: “Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 sẽ giúp các em sớm có định hướng nghề nghiệp trong tương lai, từ đó có kế hoạch học tập hiệu quả ở bậc THPT, giảm tỷ lệ chọn sai ngành, sai trường ở bậc đại học.
Thời gian qua, nhà trường tích cực tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh bằng nhiều hình thức như nâng cao chất lượng giảng dạy môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; căn cứ vào kết quả các đợt khảo sát và thành tích học tập để phân luồng, tư vấn cho học sinh; tổ chức các chương trình thảo luận, tư vấn, trải nghiệm… Mới đây, nhà trường đã tổ chức talkshow “Phụ huynh 4.0 đồng hành hiệu quả cùng con”, được phụ huynh và học sinh hưởng ứng, nhiệt tình tham gia”.
Trong 5 năm thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”, Vĩnh Phúc luôn có tỷ lệ phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS đạt ở mức cao, là tỉnh nằm trong top 6 cả nước có tỷ lệ phân luồng đạt trên 30%.
Việc định hướng phân luồng học sinh phổ thông hiệu quả không chỉ giúp định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện của mỗi học sinh mà còn góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với thị trường, vừa tạo nguồn nhân lực chất lượng cao vừa khắc phục tình trạng thừa “thầy”, thiếu “thợ”...
Để thích ứng với sự thay đổi của cơ cấu ngành nghề và xu hướng phát triển của kinh tế - xã hội trong thời đại 4.0, công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh đang được ngành Giáo dục tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức.
Từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập quốc tế.
Thùy Linh
Nguồn Vĩnh Phúc : https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/126066//dinh-huong-nghe-nghiep-trong-thoi-dai-cong-nghe-40