Mua đủ dùng, hạn chế hàng xa xỉ
Thời điểm này ở các Tết trước, gia đình bà Nguyễn Thị Thủy ở phường Tân An (TP Bắc Giang) đã cơ bản sắm đủ Tết, trong nhà có đủ cây quất, cành đào. Rồi qua Tết ông Công ông Táo, gia đình bà cùng anh em họ hàng chung nhau mua một con lợn thịt, chờ con cháu ở xa về cùng tổ chức tất niên, rồi làm thêm mấy món giò chả. “Tính tôi hay sợ thiếu nên mua gì cũng nhiều, sau Tết thường ăn cả tháng Giêng mới hết đồ, thậm chí nhiều thứ ăn không kịp bị hỏng. Rút kinh nghiệm, 2 năm trở lại đây, tôi không “đụng lợn” ăn Tết nữa. Hàng hóa, thực phẩm cũng chỉ mua đồ thiết yếu dùng trong 3 ngày Tết. Như vậy vừa tránh lãng phí mà thực phẩm mua mới cũng tươi ngon hơn”, bà Thủy nói.
Dù đã cận Tết nhưng chợ cây cảnh khu đô thị phía Nam TP Bắc Giang vẫn vắng khách.
Quan điểm tiêu dùng ngày Tết của gia đình bà Thủy cũng là xu hướng của nhiều người dân hiện nay. Anh Tạ Nhân Nghĩa, lãnh đạo một doanh nghiệp ở tổ dân phố Tăng Quang, phường Bích Động (thị xã Việt Yên) dẫn con đi mua sắm tại cửa hàng tự chọn Nhan Thuận ở đường Thân Nhân Trung, cùng phường cho hay: “Năm nay kinh tế khó khăn, công ty ít đơn hàng, thu nhập eo hẹp nên tôi hạn chế mua các mặt hàng xa xỉ phẩm, chỉ tập trung chọn các hàng cần dùng. Để gia đình có những ngày Tết vui khỏe, tôi chọn mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng có uy tín, thương hiệu, các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, chất lượng cao, sản phẩm OCOP”.
Theo anh Lưu Thế Thịnh, chủ cửa hàng tự chọn Nhan Thuận, dịp này năm trước, cửa hàng có rất đông khách đến chọn hàng Tết nhưng năm nay, không khí mua sắm khá trầm lắng; lượng người đi sắm Tết chưa nhiều và chủ yếu là mua các mặt hàng ở phân khúc trung bình, các giỏ quà Tết có mức giá vừa phải khoảng 400-500 nghìn đồng/giỏ. Đáng chú ý, một số mặt hàng như rượu bia, hàng nhập khẩu giá cao tiêu thụ rất chậm.
Xu hướng người dân thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm các đồ dùng thiết yếu, bảo đảm chất lượng dịp Tết này cũng là tình trạng trung ở các chợ và hệ thống cửa hàng bán lẻ như siêu thị GO! Bắc Giang, Co.opmart Bắc Giang… Theo đại diện quản lý siêu thị GO! Bắc Giang, những ngày này, lượng khách đến siêu thị đông hơn ngày thường. Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất chủ yếu vẫn là bánh kẹo, nước ngọt, đồ khô, dầu ăn, muối mắm, rau củ quả...
Đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, từ ngày 13/1, siêu thị đã tăng thời gian bán hàng lên 2 giờ mỗi ngày và hoạt động đến 14 giờ chiều 29/12 âm lịch (tức 30 Tết) và bắt đầu mở cửa hoạt động bình thường trở lại từ mùng 2 Tết. Đáng chú ý dịp này siêu thị liên tục mở các đợt khuyến mại, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, nhờ vậy, đến nay, đã tiêu thụ được khoảng 60% nguồn hàng phục vụ Tết.
Giá hàng hóa không biến động lớn
Bên cạnh xu hướng tiêu dùng tiết kiệm của người dân, năm nay, do ngành Công Thương chủ động các biện pháp bảo đảm cung cầu, bình ổn thị trường; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường hơn 50 nghìn tấn gạo, thịt, rau, củ quả, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, đồ uống, hàng triệu lít dầu ăn… nên giá các mặt hàng phục vụ Tết cơ bản không biến động lớn. Tại chợ Mía, phường Tân Mỹ (TP Bắc Giang), các loại hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc giá vẫn như ngày thường. Nhưng các loại trái cây trồng trên địa bàn tỉnh và trong nước như táo, cam Lục Ngạn, mận miền Nam... đều tăng vài chục nghìn đồng/thùng.
Ngoài một số mặt hàng tăng giá nhẹ, các mặt hàng bánh kẹo, lương thực, thực phẩm thiết yếu cơ bản vẫn giữ giá như ngày thường. Tại các chợ, siêu thị thuộc địa bàn TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, các huyện Lạng Giang, Yên Thế… giá thịt gia cầm, lợn, bò và các loại rau xanh cơ bản không tăng. Giá gà thịt thậm chí còn thấp hơn thời điểm sau bão số 3. Hiện tại, giá 1 kg gà nuôi cám dao động từ 55-80 nghìn đồng/kg, loại ngon hơn chút 90-100 nghìn đồng/kg, gà nuôi thóc, thả vườn hoàn toàn giá khoảng 120-130 nghìn đồng/kg. Giá thịt lợn cũng dao động từ 100- 150 nghìn đồng/kg; thịt trâu, bò từ 200-260 nghìn đồng/kg tùy loại.
Chị Nguyễn Thị Hoan, chủ một hàng gà tại chợ Tiền Môn, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) nói: “Dịp này những năm trước, tôi có rất nhiều khách đặt gà ăn Tết và biếu người thân nhưng năm nay mới chỉ có một số khách đăng ký mua vài con”.
Do ảnh hưởng của bão số 3, người dân hạn chế chi tiêu nên thị trường hoa, cây cảnh trang trí Tết cũng chưa mấy sôi động. Dạo quanh một số khu vực bày bán cây cảnh ở TP Bắc Giang, thị xã Việt Yên, các huyện Tân Yên, Lạng Giang… thấy lượng cây cảnh, các loại hoa được bày bán so với Tết Nguyên đán 2024 giảm nhiều. Nguồn cung giảm nhưng giá cả một số loại cây, hoa cũng không tăng. Đáng chú ý, những ngày này, lượng khách mua sắm đào, quất vẫn rất thưa thớt.
Chị Dương Thị Hiền ở tổ dân phố Thanh Lương, phường Dĩnh Kế bày bán đào thế tại khu dân cư phía Nam (TP Bắc Giang) nói, gia đình có khoảng 1.000 cây đào, mọi năm, tầm 15 tháng Chạp đã giao buôn được khoảng 50%. Năm nay, gia đình chỉ giao được khoảng 30%; còn khách lẻ mới có một số người mua.
Trên đường Xương Giang, người dân từ các nơi trong tỉnh đã đưa những cành đào huyền, đào cành về bày kín ven đường. Anh Phạm Văn Hội ở thôn Tân Sơn, xã Bảo Sơn (Lục Nam) đang bày bán đào tại đây cho hay: “Dù bị ảnh hưởng của bão, nhiều cây bị thiệt hại, nhưng giá đào hiện vẫn thấp so với năm trước. Một cành đào huyền to đẹp Tết trước dao động từ 1,5- 2,5 triệu đồng, năm nay, mỗi cành giảm từ 400-500 nghìn đồng”. So với đào, giá quất cảnh có vẻ nhỉnh hơn nhưng lượng tiêu thụ khá chậm.
Theo dự báo của Sở Công Thương, dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ, nhu cầu mua sắm Tết của người dân sẽ tăng cao hơn. Tuy nhiên, do nguồn cung dồi dào, thị trường hàng hóa cơ bản ổn định, không có biến động lớn, người dân có thể yên tâm mua sắm, đón Tết an toàn, tiết kiệm.
Bài, ảnh: Tuấn Dương