DN lúng túng in nhãn bao bì vì chưa đổi được giấy phép kinh doanh theo địa chỉ mới

DN lúng túng in nhãn bao bì vì chưa đổi được giấy phép kinh doanh theo địa chỉ mới
một ngày trướcBài gốc
Hệ lụy từ việc chưa đổi được giấy phép kinh doanh
Trao đổi với PV sáng 23/7, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM (FFA) cho biết, các doanh nghiệp hội viên FFA đang phản ánh về việc vẫn chưa được cấp đổi giấy phép kinh doanh (GPKD) cập nhật theo địa chỉ mới, gây vướng mắc trong hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa và các thủ tục pháp lý liên quan.
Bà Chi lý giải, địa chỉ đăng ký của nhiều doanh nghiệp thực phẩm đã thay đổi theo địa giới hành chính mới. Nếu doanh nghiệp in nhãn theo địa chỉ cũ thì sau khi được cấp GPKD mới sẽ phải hủy toàn bộ bao bì in sẵn, gây lãng phí và phát sinh chi phí đáng kể. Ngược lại, nếu chưa được cấp đổi GPKD, doanh nghiệp cũng không thể in nhãn theo địa chỉ mới do thiếu cơ sở pháp lý.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp đang chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường, việc không rõ ghi theo địa chỉ nào đã làm trì hoãn tiến độ ra mắt và mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp còn băn khoăn nếu đã được cấp GPKD mới thì bao bì cũ có địa chỉ hành chính trước đây còn được phép sử dụng tiếp không và thời hạn chuyển đổi bắt buộc là bao lâu kể từ khi có GPKD mới?
Doanh nghiệp thuộc FFA TPHCM đang gặp một số khó khăn liên quan đến giấy phép kinh doanh khi thay đổi địa chỉ theo địa giới hành chính mới. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
“Nếu phía cơ quan quản lý giải quyết chậm trễ sẽ gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Họ không dám xuất khẩu hàng. Bởi, chỉ cần một lô hàng bị kiểm tra và đối chiếu, thấy thông tin địa chỉ sai lệch sẽ ảnh hưởng rất lớn tới các lô hàng sau”, bà Chi nói.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 10/7, FFA đã có kiến nghị gửi UBND TPHCM và các sở, ngành chức năng để tìm hướng giải quyết cho doanh nghiệp khi cập nhật địa chỉ theo địa giới hành chính mới.
Trong văn bản, FFA còn thông tin, các doanh nghiệp thuộc hội cũng gặp khó khăn khi cập nhật địa chỉ mới trên các loại chứng nhận trong nước và quốc tế, như chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chứng nhận quyền sử dụng mã số mã vạch, FDA, HALAL, ISO, FSSC, BRC...
Lý do, các tổ chức chứng nhận quốc tế yêu cầu bắt buộc phải có văn bản xác nhận chính thức từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền Việt Nam để công nhận địa chỉ mới. Nếu không, họ có thể hiểu rằng doanh nghiệp đã chuyển địa điểm hoặc thành lập cơ sở mới và yêu cầu doanh nghiệp phải làm lại từ đầu toàn bộ thủ tục xin cấp các chứng nhận trên.
“Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch xuất khẩu trong các quý cuối năm, mà còn tiềm ẩn nguy cơ đình trệ sản xuất, chậm tiến độ giao hàng, không đáp ứng yêu cầu về giấy chứng nhận tại các thị trường xuất khẩu, tác động trực tiếp đến kim ngạch và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường quốc tế”, văn bản nêu.
Cần sớm có hướng dẫn trong giai đoạn chuyển tiếp
Từ thực tế trên, FFA đã có kiến nghị cụ thể tới các cơ quan chức năng của thành phố.
Theo đó, đối với Sở An toàn Thực phẩm TPHCM, cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn ghi nhãn trong giai đoạn chuyển tiếp, cho phép doanh nghiệp in ấn và sử dụng địa chỉ mới trên bao bì sản phẩm kể từ sau ngày 15/7, trong trường hợp không thay đổi địa điểm sản xuất thực tế, kể cả khi GPKD chưa được điều chỉnh theo địa chỉ mới.
Đồng thời, cho phép doanh nghiệp tiếp tục sử dụng bao bì in theo địa chỉ cũ trong một khoảng thời gian hợp lý sau khi được cấp GPKD mới để tránh lãng phí bao bì đã in, song song đó có hướng dẫn cụ thể về thời hạn bắt buộc chuyển đổi bao bì ghi theo địa chỉ mới.
Trong giai đoạn chuyển tiếp, FFA đề nghị không xử phạt hành chính đối với các trường hợp doanh nghiệp chưa kịp điều chỉnh thông tin địa chỉ.
Đối với Sở Tài chính TPHCM, hiệp hội kiến nghị nghiên cứu cơ chế xử lý nhanh, trực tuyến đối với các hồ sơ đăng ký thay đổi địa chỉ hành chính trên GPKD (không thay đổi nội dung khác), nhằm giảm áp lực cho doanh nghiệp và cơ quan tiếp nhận trong giai đoạn số lượng hồ sơ tăng cao.
Sở cũng cần công bố công khai quy trình, thời gian giải quyết và kết quả đầu ra, giúp doanh nghiệp chủ động thực hiện, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Sở Tài chính cần tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản chỉ đạo UBND các phường, xã, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở hoặc cơ sở sản xuất, cần hỗ trợ cấp văn bản xác nhận việc thay đổi địa danh hành chính trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung hồ sơ với các tổ chức chứng nhận quốc tế.
Việc xác nhận trên nhằm làm rõ rằng địa chỉ mới chỉ là kết quả của việc điều chỉnh địa giới hành chính, không phải thay đổi địa điểm hoạt động thực tế, từ đó giúp doanh nghiệp không phải làm lại toàn bộ thủ tục cấp chứng nhận từ đầu theo yêu cầu của phía nước ngoài.
Sau khi tiếp nhận văn bản từ FFA, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, ông Nguyễn Lộc Hà đã có văn bản giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở An toàn thực phẩm TPHCM, Sở Công Thương xem xét nội dung phản ánh, kiến nghị của FFA để khẩn trương hướng dẫn, giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho hiệp hội, doanh nghiệp theo thẩm quyền, đồng thời báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố trước ngày 20/7.
Nhưng đến ngày 23/7, phía FFA cho biết, vẫn chưa nhận được phản hồi nào từ các sở.
Hội Lương thực thực phẩm TPHCM được thành lập năm 1998, đại diện cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh - chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Theo giới thiệu, FFA hiện có 400 hội viên chính thức và hơn 1.000 hội viên liên kết.
Nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn đang là thành viên của FFA như Vinamilk, Pepsico Việt Nam, Vissan, Cholimex, CJ Cầu Tre...
Trần Chung
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/lung-tung-in-nhan-bao-bi-vi-chua-doi-duoc-giay-phep-kinh-doanh-theo-dia-chi-moi-2425030.html