Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại hội thảo lấy ý kiến về chính sách xây dựng Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào sáng ngày 15/5 tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) cũng chính là văn bản pháp lý nền tảng định hướng cho sự phát triển dài hạn của toàn ngành giáo dục.
Độ dài của Luật sửa đổi chỉ bằng 50% so với Luật Giáo dục Đại học năm 2018
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, trong những năm vừa qua, giáo dục đại học Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rõ nét, nhưng vẫn còn có không ít bất cập cần được khắc phục.
Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, trong bối cảnh mới đặt ra những yêu cầu cấp thiết cần phải phải sửa đổi luật, trong đó có xu hướng phát triển của giáo dục trên toàn thế giới, sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số.
Đồng thời, xã hội đang đặt kỳ vọng vào sự sửa đổi luật lần này để tạo hành lang pháp lý cho các cơ sở giáo dục đại học bứt phá, phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội thảo (ảnh: Thành An)
“Độ dài của Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) lần này chỉ bằng khoảng 50% so với Luật Giáo dục Đại học năm 2018. Số lượng văn bản hướng dẫn tính theo số trang cũng đã giảm khoảng một nửa. Mục tiêu của việc này là nhằm đơn giản hóa, mạch lạc hóa hệ thống giáo dục và đào tạo, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định của pháp luật hiện hành”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Cụ thể, dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) sẽ kế thừa các điều khoản nội dung không đổi của Luật Giáo dục Đại học hiện hành (>55%); Không trùng lắp các điều khoản với Luật Giáo dục và Luật Giáo dục (sửa đổi), Luật Nhà Giáo, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Ngoài ra còn có giảm số điều, chương, giảm 50% số lượng quy trình, giảm tối thiểu 50% các thủ tục hành chính.
Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) của Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin, dự thảo sẽ tích hợp các nội dung trùng lắp, bãi bỏ nhiều quy định chi tiết liên quan đến điều kiện mở ngành, điều kiện thực hiện chương trình đào tạo và quy trình tổ chức đào tạo,
Toàn cảnh hội thảo được tổ chức tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh sáng ngày 15/5 (ảnh: Thành An)
Việc này nhằm làm giảm thiểu ít nhất 50% thủ tục hành chính, thông qua việc tích hợp quy trình mở ngành với quy trình đăng ký hoạt động đào tạo, trên cơ sở áp dụng chuẩn chương trình đào tạo và chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Dự thảo cũng hướng tới trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc phát triển và thực hiện chương trình đào tạo đã được cấp phép, trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, giáo viên, pháp luật, an ninh và quốc phòng.
“Điểm nghẽn” trong quản trị đại học
Trong phiên thảo luận tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ ra một “điểm nghẽn” trong quá trình quản trị đại học.
Theo Phó Giáo sư Huỳnh Kỳ Phương Hạ, để đáp ứng với yêu cầu hội nhập quốc tế, dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) cần thống nhất định nghĩa về cơ sở giáo dục đại học theo chuẩn mực chung.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Kỳ Phương Hạ - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu (ảnh: Thành An)
Nêu lên cụ thể về trường hợp các trường đại học thành viên trong đại học quốc gia, Phó Giáo sư Huỳnh Kỳ Phương Hạ cho rằng, các trường này đã và đang thực hiện đầy đủ các chức năng của một cơ sở giáo dục đại học như tổ chức đào tạo, triển khai các chương trình đào tạo, cấp bằng, nên cho thấy vai trò và vị trí pháp lý rõ ràng của các trường thành viên với tư cách là cơ sở giáo dục đại học.
Do đó, các trường đại học thành viên cần được trao quyền thực hiện tất cả các trách nhiệm và quyền hạn của tự chủ đại học.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, chìa khóa để thực hiện tự chủ mạnh mẽ chính là hội đồng trường, rất quan trọng và cần thực hiện, chịu trách nhiệm giải trình với xã hội, là điều kiện tiên quyết để các trường thành viên thể hiện mạnh mẽ quyền tự chủ đại học.
Trao đổi lại về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, Ban soạn thảo dự án luật đang cân nhắc hai phương án xuất phát từ kết luận giám sát năm 2024 của Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội, chỉ đạo xem xét tồn tại song song của hai hội đồng trường.
Ban soạn thảo đã gửi toàn bộ hồ sơ lấy ý kiến nhận xét về mô hình đại học quốc gia, đại học vùng và đề nghị các đơn vị tổ chức hội nghị, hội thảo trong nội bộ, thống nhất phương án, quan điểm và có văn bản đề xuất.
Theo Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, trọng tâm của việc này là nghiên cứu tính khả thi của việc cùng tồn tại song song hai hội đồng trường, khi quyền tự chủ của đại học quốc gia và trường đại học thành viên như nhau. Còn phương án còn lại là phải giảm vai trò của một trong hai hội đồng.
6 nhóm chính sách đề xuất sửa đổi
Phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Thảo – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu những đề xuất chính sách của dự án Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi). Đó là:
Chính sách 1: Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, kiến tạo hệ thống quản trị đại học tiên tiến.
Chính sách 2: Hiện đại hóa chương trình và phương thức tổ chức đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến và thúc đẩy học tập suốt đời.
Chính sách 3: Định vị cơ sở giáo dục đại học là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Chính sách 4: Tăng cường huy động các nguồn lực và nâng cao hiệu quả đầu tư, hiện đại hóa giáo dục.
Chính sách 5: Phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học xuất sắc và môi trường học thuật sáng tạo, liêm chính.
Chính sách 6: Đổi mới cách tiếp cận, bảo đảm thực chất trong công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Tiến Thảo phát biểu (ảnh: Thành An)
Đáng chú ý là trong nhóm chính sách 1, dự kiến quy đổi đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở có hoạt động giáo dục đại học. Các loại hình cơ sở giáo dục đại học có thể là đại học quốc gia, đại học vùng, đại học, trường đại học, học viện.
Còn chính sách 5 sẽ quy định mang tính nguyên tắc trong luật về quyền tự chủ đại học, quản lý đội ngũ giảng viên bao gồm cả tuyển dụng giảng viên là người nước ngoài, chế độ làm việc, lương và thu nhập, thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh.
“Tự chủ đại học là quyền chủ động của các cơ sở giáo dục đại học trong quyết định các hoạt động theo quy định của pháp luật, gắn quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình, của các cơ sở giáo dục đại học, không còn áp dụng tự chủ có điều kiện (như luật hiện hành). Tự chủ - trách nhiệm giải trình, đảm bảo chất lượng là xuyên suốt trong tất cả các hoạt động giáo dục đại học”, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Tiến Thảo nhấn mạnh.
Việt Dũng