Giới hạn mỗi người mua 1 chỉ
Theo ghi nhận, từ 8h sáng, nhiều nhóm khách hàng đã có mặt trước cửa tiệm vàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội), xếp hàng chờ đến giờ phát số giao dịch. Đến khoảng 9h, nhân viên cửa hàng bắt đầu phát vé chờ cho khách có nhu cầu mua vàng. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 phút, toàn bộ 50 vé phát ra đã hết sạch. Bên trong cửa hàng, các vị trí ghế ngồi nhanh chóng được lấp đầy, khách hàng ngồi kín chờ đến lượt giao dịch.
Bên trong cửa hàng chật kín người ngồi chờ đến lượt, nhân viên liên tục nhắc nhở: “Mỗi khách hàng chỉ được mua 1 chỉ vàng trơn”. Dù số lượng giao dịch bị giới hạn, nhiều người vẫn sẵn sàng chờ từ sáng sớm. Một số khách hàng cho biết, họ tranh thủ mua tích trữ “cho chắc”, trong bối cảnh giá vàng trong nước tiếp tục có nhiều biến động.
Nhân viên tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu số 15, đường Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho biết: “Giao dịch chủ yếu là vàng nhẫn tròn trơn loại 1 chỉ. Do lượng người mua quá đông và số lượng vàng của cửa hàng đang khan hiếm nên chúng tôi giới hạn số lượng để đảm bảo công bằng và điều tiết nguồn cung”.
“Tình trạng này không chỉ xuất hiện tại Hà Nội mà còn được ghi nhận ở một số tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng - nơi các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều áp dụng giới hạn tương tự để “giữ nhịp” thị trường”, nhân viên này cho hay.
Khách hàng xếp hàng từ sáng sớm để lấy số chờ giao dịch mua - bán.
Bà Nguyễn Thị Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi theo dõi giá vàng mấy ngày nay thấy chỉ nhích nhẹ, nhưng vẫn quyết định đi mua vì vàng vẫn là kênh giữ tiền an toàn. Nguồn cung bị siết, vàng miếng khó tiếp cận, nên khi có cơ hội mua vàng nhẫn trơn thì tôi tranh thủ. Mỗi người chỉ được mua 1 chỉ cũng không sao, tôi mua tích dần. Cứ để tiền mặt mãi thì lo mất giá".
Hay như anh Trần Văn Hòa (33 tuổi, nhân viên văn phòng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bày tỏ: “Tôi không kỳ vọng lời nhiều, chỉ muốn phân bổ tài sản cho an toàn thôi. Gửi tiết kiệm thì lãi suất thấp, chứng khoán lên xuống thất thường, bất động sản thì vẫn đóng băng. Vàng lúc này có thể chưa tăng mạnh nhưng tôi tin vài tháng tới sẽ khác. Hôm nay mua 1 chỉ, vài hôm nữa nếu có điều kiện, tôi lại tiếp tục mua thêm”.
Bên cạnh yếu tố giá cả, nhiều khách hàng cho rằng tâm lý đám đông đang ảnh hưởng rõ rệt đến lượng người đến giao dịch. Không ít người thừa nhận ban đầu chưa có kế hoạch mua vàng, nhưng sau khi đọc thông tin trên mạng xã hội hoặc thấy hình ảnh người dân xếp hàng đã quyết định đi mua “cho yên tâm”. Dù phải chờ đợi khá lâu và mỗi người chỉ được mua giới hạn 1 chỉ vàng, phần lớn khách hàng vẫn kiên nhẫn nán lại để thực hiện giao dịch.
Vàng có dành cho nhà đầu tư ngắn hạn?
Theo các chuyên gia về thị trường vàng, nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng mua vàng lần này đến từ hai yếu tố, đó là diễn biến quốc tế và tâm lý nội tại. Việc giới hạn mỗi người được mua 1 chỉ phản ánh hai điều: một là tình trạng khan nguồn cung ngắn hạn, hai là nỗ lực kiểm soát giao dịch để tránh những hiệu ứng đầu cơ dây chuyền.
Khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán chưa đủ hấp dẫn hoặc chứa nhiều bất định, người dân có xu hướng quay lại vàng như một kênh bảo toàn giá trị tài sản. Ngoài ra, tâm lý “FOMO” (sợ bỏ lỡ) kết hợp với nỗi lo mất giá tiền cũng là chất xúc tác khiến những phiên giao dịch vàng trở nên quá tải.
Ông Nguyễn Hữu Quang - Quản lý một tiệm vàng trên đường Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, nhiều người đang xem vàng là kênh đầu tư sinh lời nhanh, trong khi về bản chất, vàng là nơi trú ẩn tài sản. Nếu mua vào vì tâm lý đám đông mà không có chiến lược nắm giữ rõ ràng, rất dễ rơi vào trạng thái “lướt sóng hụt”.
“Dù được xem là “hầm trú ẩn” tài chính trong những thời điểm biến động, vàng chưa bao giờ là kênh đầu tư lý tưởng trong ngắn hạn, biên độ giá mua - bán tại thị trường trong nước hiện chênh lệch từ vài trăm nghìn đến gần 1 triệu đồng mỗi chỉ, khiến khả năng sinh lời tức thời gần như không khả thi. Thêm vào đó, giá vàng trong nước thường không biến động đồng pha với giá thế giới, chịu ảnh hưởng bởi cung - cầu nội địa, chính sách điều tiết và tâm lý thị trường”, ông Quang nhận định.
Với nhà đầu tư nhỏ lẻ, việc “lướt sóng” vàng chỉ trong vài ngày hoặc vài tuần chứa đựng nhiều rủi ro, đặc biệt khi mua vào ở vùng giá cao. Các chuyên gia tài chính cảnh báo, vàng nên được xem là công cụ bảo toàn giá trị trong trung và dài hạn, thay vì là phương tiện kiếm lời nhanh.
Những người tham gia thị trường chỉ vì “sợ bỏ lỡ cơ hội” dễ rơi vào tình trạng mua đỉnh, bán đáy, nhất là trong bối cảnh giá cả biến động khó lường như hiện nay. Việc người dân đổ xô đi mua vàng trong bối cảnh chỉ được giao dịch giới hạn 1 chỉ mỗi người là biểu hiện điển hình của một thị trường mang đậm dấu ấn tâm lý.
Trong khi giá vàng tiếp tục diễn biến khó lường, điều cần thiết lúc này không phải là “đu theo sóng” mà là trang bị kiến thức tài chính vững chắc, nhìn nhận vàng đúng như vai trò là công cụ bảo toàn giá trị, chứ không phải công cụ đầu cơ.
Tiến Anh