Động thái gom vàng bất ngờ của các ngân hàng trung ương

Động thái gom vàng bất ngờ của các ngân hàng trung ương
9 giờ trướcBài gốc
Mua vàng từ mỏ nội địa đang là xu hướng mới của các ngân hàng trung ương. Ảnh: Shutterstock.
Giá vàng thế giới neo cao đang thúc đẩy các ngân hàng trung ương gia tăng tích trữ kim loại quý nhằm bảo vệ giá trị đồng nội tệ và củng cố dự trữ quốc gia.
Tuy nhiên, thay vì chọn nhập khẩu, vốn tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ, nhiều nước đang chuyển hướng sang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nội địa.
Xu hướng mua vàng mới
Xu hướng này vốn đã được một số nước như Philippines hay Ecuador triển khai từ nhiều năm nay, nhưng đang lan rộng tại các quốc gia có mỏ vàng trong nước.
Báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết 19 trong số 36 ngân hàng trung ương được khảo sát đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nhỏ và thủ công trong nước bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, 4 ngân hàng khác cũng đang cân nhắc áp dụng hình thức này.
So với năm ngoái, số lượng ngân hàng áp dụng hình thức thu mua vàng nội địa đã tăng nhẹ, khi chỉ có 14/57 đơn vị tham gia khảo sát thực hiện biện pháp này.
"Tại nhiều nước ở châu Phi và Mỹ Latinh, giá vàng tăng đã thúc đẩy các mỏ khai thác nhỏ phát triển mạnh. Các ngân hàng trung ương ở đây đang tranh thủ nguồn cung này để tăng lượng vàng dự trữ", ông Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng ngân hàng trung ương của WGC, nhận định.
WGC tiết lộ rằng các ngân hàng trung ương tại Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines đã triển khai mua vàng nội địa để bổ sung vào kho dự trữ quốc gia.
Riêng tại Ghana, Cơ quan Quản lý Vàng Quốc gia đã ký kết thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp khai thác, yêu cầu bán 20% sản lượng cho ngân hàng trung ương. Tương tự, từ tháng 9/2024, chính phủ Tanzania cũng ban hành quy định bắt buộc các công ty khai thác và xuất khẩu vàng phải giữ lại ít nhất 20% sản lượng để bán trong nước.
Theo WGC, vàng mua trong nước có thể rẻ hơn so với giá quốc tế do một số ngân hàng trung ương được hưởng mức chiết khấu nhỏ. Ngoài ra, việc mua nội địa giúp cắt giảm chi phí trung gian và vận chuyển. Song, nếu quốc gia không có nhà máy tinh luyện đạt chuẩn quốc tế (London Good Delivery - LGD), vàng vẫn cần được xử lý ở nước ngoài, kéo theo chi phí bổ sung.
Giải pháp "đôi bên cùng có lợi"
Theo các chuyên gia, xu hướng mua vàng nội địa không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, mà còn góp phần giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối.
Trước đây, việc mua vàng trên thị trường quốc tế thường đòi hỏi sử dụng USD hoặc các tài sản dự trữ khác, đồng nghĩa với việc phải đánh đổi một phần dự trữ sẵn có.
Ngược lại, mua vàng từ các mỏ nội địa bằng đồng nội tệ cho phép các ngân hàng trung ương tăng dự trữ mà không làm giảm các tài sản khác.
"Điều này giúp họ mở rộng dự trữ mà không cần đánh đổi các tài sản dự trữ khác", ông Fan cho biết.
Theo khảo sát của WGC, các nước sẽ tăng tích trữ vàng trong năm tới. Ảnh: BOE.
Trong bối cảnh nợ công tăng, rủi ro địa chính trị và thương mại hiện hữu, việc đa dạng hóa và gia cố các lớp dự trữ đang trở thành ưu tiên của nhiều ngân hàng trung ương.
Khảo sát của WGC với 73 ngân hàng trung ương cho thấy khoảng 95% tin rằng các nước sẽ tiếp tục gia tăng nắm giữ vàng trong năm tới. Trong đó, nguồn vàng nội địa đang được xem là lựa chọn chiến lược để đạt mục tiêu này.
Ngoài yếu tố tiết kiệm chi phí, việc mua vàng trong nước còn mang lại lợi ích cho ngành khai khoáng địa phương, đặc biệt ở những nước có nhu cầu tiêu thụ vàng thấp.
Theo bà Nicky Shiels, Giám đốc nghiên cứu kim loại tại MKS PAMP, sự tham gia của ngân hàng trung ương tạo thêm đầu ra ổn định cho các mỏ, thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm và đóng góp ngân sách.
Dù vậy, mua vàng từ các mỏ nhỏ cũng tiềm ẩn rủi ro, như lao động không an toàn, ô nhiễm môi trường hay buôn lậu. Tuy nhiên, theo ông Fan, ngân hàng trung ương, với uy tín và tiềm lực tài chính, có thể góp phần hợp pháp hóa và minh bạch hóa chuỗi cung ứng này. "Tôi gọi đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi", ông Fan nói.
Theo ước tính của Goldman Sachs, trong vài năm trở lại đây, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã mua trung bình khoảng 80 tấn vàng mỗi tháng, tương đương giá trị 8,5 tỷ USD.
Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết tổng lượng vàng do các ngân hàng trung ương và quỹ tài sản quốc gia thu mua mỗi năm có thể lên tới 1.000 tấn - tương đương khoảng 1/4 sản lượng khai thác vàng toàn cầu.
Nhu cầu mua vào mạnh mẽ từ các tổ chức này đã góp phần đẩy giá vàng lên mức cao kỷ lục, 3.500 USD/ounce.
Cẩm Tú
Nguồn Znews : https://znews.vn/dong-thai-gom-vang-bat-ngo-cua-cac-ngan-hang-trung-uong-post1569101.html