Nuôi rắn nhưng không khiến người xung quanh sợ hãi là bài toán khó. Ảnh: SCMP.
Trước thềm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, những câu chuyện liên quan đến loài rắn được nhắc đến ở nhiều nơi. Đây cũng được xem là vật nuôi yêu thích của người trẻ xứ Cảng thơm.
Thay vì chó hay mèo, người trẻ tìm kiếm thú cưng độc đáo và dễ chăm sóc hơn. Rắn cảnh đáp ứng được cả 2 tiêu chí này, theo SCMP.
Rắn được xem như thú cưng của nhiều người trẻ có sở thích độc đáo. Ảnh: SCMP.
Rắn trở thành vật nuôi được Gen Z Hong Kong (Trung Quốc) yêu thích nhờ sự độc đáo và dễ chăm sóc, thay thế chó, mèo với vai trò thú cưng mới. Ảnh: SCMP.
Thú nuôi rắn
Theo Royce Wong (18 tuổi), nhân viên của cửa hàng thú cưng chuyên về bò sát và động vật lưỡng cư Slave World (Mong Kok, Hong Kong), nhiều người trẻ ở độ tuổi của anh có sở thích nuôi rắn.
“Một số bạn cùng lớp tôi coi rắn là thú cưng. Chúng không quá đáng sợ, khá thoải mái và dễ nuôi”, Wong nói.
Chàng trai 18 tuổi này tin rằng tính cách điềm tĩnh và sự bí ẩn là điểm thu hút của rắn.
Tương tự, Maggie Chung (22 tuổi), nhân viên tại một cửa hàng thú cưng khác chuyên về bò sát mang tên Fishman Shop (Mong Kok, Hong Kong), cũng là người yêu thích rắn.
“Tôi nghĩ chúng thực sự dễ thương, không cắn và chơi đùa rất vui vẻ. Với tôi, rắn khá ngầu”, cô nói.
Theo Matthew Cheong (25 tuổi), một nhân viên khác tại Fishman Shop, giá thấp nhất của một con rắn cảnh, chẳng hạn như giống hognose có mõm hếch lên, là 80 USD. Một số loài có thể sở hữu giá thành lên đến hàng nghìn USD.
Những loài rắn, trăn có màu sắc hoặc hoa văn khác thường do đột biến gen thường được bán với mức giá cao hơn. Ngoại hình càng hiếm thì giá thành càng cao.
Với chiều dài tối đa 182 cm, “trăn bóng”, hay còn gọi là trăn hoàng gia, là loài trăn châu Phi nhỏ nhất. Loài này không có nọc độc, thường cuộn tròn thành quả bóng mỗi khi sợ hãi.
Bên cạnh đó, các cửa hàng cũng bán hộp khung cảnh cho rắn. Môi trường sống nhân tạo này có giá từ 257-386 USD.
Người nuôi rắn cần nghiên cứu, tìm hiểu thông tin kỹ lưỡng, thậm chí tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để đảm bảo vật nuôi khỏe mạnh và vui vẻ trong thời gian sinh sống. Ảnh: SCMP.
Khó khăn khi nuôi rắn
Ngoài chi phí mua rắn và môi trường sống nhân tạo của chúng, người nuôi cần quan tâm đến thức ăn cho loài này.
Matthew Cheong nuôi 2 con rắn ngô. Chúng dễ nuôi và chăm sóc, nhưng chỉ ăn được chuột đông lạnh.
“Khó khăn lớn nhất là bảo quản chuột trong tủ đông, mà không khiến bố mẹ cảm thấy ghê sợ khi bạn chung sống với gia đình”, anh nói.
Theo kinh nghiệm của Cheong, những người không nuôi thú cưng hoặc chỉ quen thuộc với chó, mèo có thể sợ hãi khi nhìn thấy rắn.
Theo tiến sĩ Fiona Woodhouse, Phó Giám đốc bộ phận Phúc lợi động vật tại Hiệp hội Phòng chống Tàn ác với Động vật Hong Kong (SPCA Hong Kong), chủ sở hữu cần nghiên cứu kỹ lưỡng về loài bò sát mà họ dự định chăm nuôi.
Tiến sĩ cho rằng các yếu tố cản trở việc nuôi rắn như thú cưng là sự hạn chế về thời gian, thiếu kinh nghiệm và thay đổi hoàn cảnh sống.
“Việc đảm bảo loài rắn vui vẻ và khỏe mạnh trong quá trình sinh sống không dễ”, Fiona Woodhouse nói.
Để chăm sóc loài bò sát này, người trẻ cần dành thời gian tìm hiểu thông tin, tham khảo ý kiến bác sĩ thú y cẩn thận. Bác sĩ thú y cũng lưu ý rằng một số loài rắn có khả năng gây nguy hiểm cho con người khi chúng cảm thấy bị đe dọa hoặc kích động.
Linh Vũ