'Thú cưng' ngoại lai có nguy cơ xâm hại buôn bán rầm rộ ở Việt Nam

'Thú cưng' ngoại lai có nguy cơ xâm hại buôn bán rầm rộ ở Việt Nam
4 giờ trướcBài gốc
Trước tình trạng, động vật ngoại lai đang được kinh doanh buôn bán một cách rầm rộ, Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) mới đây ra thông báo kêu gọi siết chặt hoạt động buôn bán các loài sinh vật ngoại lai tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong thông báo này có cảnh báo rồng đất Nam Mỹ và rùa tai đỏ, hai loài sinh vật đang được kinh doanh phổ biến và rầm rộ tại Việt Nam, nhất là dịp cuối năm này.
Nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường sinh học
Nói với PLO, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc ENV cho biết, hai loài nằm trong danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đặc biệt rùa tai đỏ được biết đến là một trong những loài xâm hại nhất trên thế giới. Trong khi đó, rồng đất Nam Mỹ cũng là một loài đáng quan ngại khác. Quần thể rồng đất Nam Mỹ đã phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài này.
Theo bà Hà, một trong những quan ngại chính với hoạt động buôn bán loài ngoại lai là khả năng hình thành quần thể tự nhiên khi chúng bị thả ra môi trường hoặc trốn thoát. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự sống của các loài bản địa khi chúng cạnh tranh với loài bản địa về nguồn thức ăn, môi trường sống và từ đó phá vỡ cấu trúc cũng như sự cân bằng hệ sinh thái.
Rồng đất Nam Mỹ và rùa tai đỏ được bán công khai tại Việt Nam. ẢNH: ENV
Kiểm soát chặt hoạt động buôn bán sinh vật ngoại lai
Phó giám đốc ENV cho rằng, cần kiểm soát hoạt động buôn bán trái phép loài ngoại lai để loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Thế giới đã ghi nhận nhiều đại dịch có nguồn gốc từ động vật hoang dã như AIDS, SARS, cúm A/H5N1, Ebola, bệnh dại và nhiều khả năng là Covid-19.
Việc cho phép hoạt động buôn bán và gây nuôi thương mại các loài ngoại lai mà thiếu cơ chế quản lý chặt chẽ sẽ tạo tiền lệ không tốt và gây nhiều khó khăn cho công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng. Những nguy cơ và rủi ro này đòi hỏi các cơ quan Nhà nước phải nhanh chóng vào cuộc tăng cường công tác quản lý và giám sát.
Có như vậy mới kiểm soát được hoạt động buôn bán các loài ngoại lai đang gia tăng “chóng mặt” ở Việt Nam, nhất là khi hoạt động này vẫn còn đang nằm trong tầm kiểm soát"- Bà Hà đề xuất.
Theo thống kê của EVN, từ tháng 1 đến tháng 10-2024, đơn vị này ghi nhận 471 vụ với 1.700 vi phạm liên quan tới hoạt động buôn bán, quảng cáo sinh vật ngoại lai. Số sinh vật ngoại lai vi phạm được xác định hơn 45.000 cá thể, với một số loài phổ biến gồm rùa sul-ca-ta, rùa tai đỏ, thằn lằn, các loại thú nhỏ, vẹt.
Hơn 1.700 vi phạm liên quan tới hoạt động buôn bán, quảng cáo sinh vật ngoại lai. ẢNH: ENV
Đáng chú ý, hầu hết các loài này là nhập lậu từ nước ngoài về hoặc có nguồn gốc từ các cơ sở gây nuôi không được cấp phép và cả những người chuyên chơi sinh vật cảnh.
Ghi nhận thực tế tại thị trường chợ mạng, từ đầu tháng 11 tới nay, nhiều hội nhóm giao lưu và kinh doanh thú nuôi ngoại lai như rồng Nam Mỹ, rùa cảnh… trở nên nhộp nhịp hơn.
Trong một hội chuyên bán rồng Nam Mỹ tại TP.HCM, người kinh doanh tên T. (Bình Tân, TP.HCM) cho biết, cuối năm nhu cầu săn “thú cưng” để chơi Tết hoặc làm mô hình thú nuôi cho quán cà phê ngày càng nhiều.
“Hiện chúng tôi nhân giống bán những dòng phổ thông như Hypo, Abino, Green, Red… Trong đó, dòng Green, Red được bán số lượng nhiều nhất bởi hợp túi tiền của người chơi. Trung bình giá con rồng con khoảng 1 tuần tuổi từ 400.000 đến hơn vài triệu đồng/con (tùy loại)”- anh T. nói.
Khi hỏi về tính an toàn về phòng bệnh, anh T. cho biết: Loài này lành tính, ăn chay, kháng bệnh tốt, ít bệnh tật, ít rủi ro. Quan trọng loài này về Việt Nam đã lâu, và thuần chủng theo khí hậu Việt Nam. Thậm chí còn có nhiều trang trại chuyên nuôi, nhân giống rồng Nam Mỹ ở khu vực miền Tây.
HẠ QUYÊN
Nguồn PLO : https://plo.vn/thu-cung-ngoai-lai-co-nguy-co-xam-hai-buon-ban-ram-ro-o-viet-nam-post825760.html