Đoàn đại biểu đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thăm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc

Đoàn đại biểu đại sứ, trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thăm di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc
12 giờ trướcBài gốc
Các đại sứ, trưởng đại diện và thành viên ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội dâng hương tại chùa Côn Sơn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đây là hoạt động trong chương trình “Ngày tìm hiểu Việt Nam năm 2025” do Bộ Ngoại giao và UBND các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh và Bắc Giang phối hợp tổ chức.
Đón tiếp đoàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội và những nét đặc sắc về văn hóa, di sản của tỉnh. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hải Dương đạt 10,2%, đứng thứ 6 cả nước và thứ 3 vùng Đồng bằng sông Hồng; thu ngân sách lần đầu đạt trên 30.000 tỷ đồng; quy mô nền kinh tế đứng thứ 11/63 cả nước. Hải Dương hiện có 4 khu, cụm di tích quốc gia đặc biệt, 826 lễ hội truyền thống. Năm 2024, ngành Du lịch tỉnh đã đón và phục vụ 2,5 triệu lượt khách.
Thời gian qua, Hải Dương đã phối hợp với hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang khảo sát, đánh giá, thu thập tài liệu, số liệu xây dựng hồ sơ quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc. Đến nay, hồ sơ đề cử đã hoàn thành.
Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ di sản đầu tiên ở Việt Nam theo chuỗi 20 cụm/điểm di sản; trong đó, Hải Dương có 5 điểm gồm: chùa Côn Sơn, đền Kiếp Bạc, chùa Thanh Mai (thành phố Chí Linh), động Kính Chủ, chùa Nhẫm Dương (thị xã Kinh Môn).
Các đại sứ, trưởng đại diện và thành viên ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tham quan di tích Côn Sơn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Côn Sơn - Kiếp Bạc là 2 trong 12 điểm di tích thành phần của Khu di sản đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Khu di tích hiện lưu giữ nhiều giá trị tiêu biểu và đáp ứng đầy đủ những tiêu chí quan trọng theo hồ sơ đề cử Di sản thế giới và có đầy đủ cơ sở khoa học để tuyên bố tính toàn vẹn, tính xác thực.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng khẳng định, cùng với Quảng Ninh và Bắc Giang, Hải Dương đã và tiếp tục chung sức bảo tồn, phát huy tổng thể các giá trị di sản văn hóa, lịch sử, khảo cổ, đa dạng sinh học, địa chất, các danh lam thắng cảnh đặc sắc của Quần thể, trong đó có nhiều giá trị di sản có triển vọng đáp ứng các tiêu chí của UNESCO về giá trị nổi bật toàn cầu.
Ông Nguyễn Minh Hùng mong muốn, các đại sứ, đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tiếp tục quan tâm ưu tiên, ủng hộ Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh trong quá trình vận động, trình UNESCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
“Ngày tìm hiểu về Việt Nam” là sự kiện thường niên được Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức từ năm 2015 nhằm cập nhật đường lối, chính sách đối ngoại và thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước; đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam tới Ngoại giao đoàn và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Sự kiện tạo cơ hội cho các đại biểu quốc tế tìm hiểu về Việt Nam với những trải nghiệm văn hóa thực tế.
Theo kế hoạch chương trình, bên cạnh điểm đến là Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Đoàn còn tham quan chùa Vĩnh Nghiêm (tỉnh Bắc Giang) - nơi lưu giữ kho Mộc bản đã được UNESCO ghi danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chùa Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh). Đây là những điểm đến mang đậm giá trị văn hóa, lịch sử; đồng thời phản ánh bản sắc, chiều sâu trong đời sống tâm linh của người Việt.
Chương trình mang đến cơ hội để các tỉnh quảng bá những địa danh, môi trường kinh tế - xã hội, trải nghiệm văn hóa tại địa phương; đồng thời, giới thiệu với Ngoại giao đoàn về Quần thể di tích và thắng cảnh Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang được Việt Nam đề cử UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản thế giới.
Các đại sứ, trưởng đại diện và thành viên ngoại giao đoàn, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tham quan di tích Côn Sơn. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc không chỉ là thắng cảnh thiên nhiên mà còn là nơi ghi dấu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử; phản ánh sự phát triển về triết học và tư tưởng của người Việt trong các thế kỷ XIII và XIV. Đây cũng là nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc cổ kính của các tăng, ni, phật tử và triều đình phong kiến các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn; qua đó khắc họa rõ nét sự phát triển của kiến trúc, mỹ thuật, điêu khắc - những tài năng sáng tạo nghệ thuật của dân tộc Việt thời xưa.
Mạnh Minh (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/doan-dai-bieu-dai-su-truong-dai-dien-cac-to-chuc-quoc-te-tai-viet-nam-tham-di-tich-con-son-kiep-bac-20250516181257131.htm