Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị một số vấn đề khắc phục hậu quả bão số 3

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đề nghị một số vấn đề khắc phục hậu quả bão số 3
3 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Lê Thu Hà thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung của Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Đại biểu Lê Thu Hà phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ sáng 26/10.
Đối với các nội dung dự kiến chỉ đạo trong 3 tháng cuối năm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu nhất trí, đồng thời đề xuất, kiến nghị một số nội dung:
Thứ nhất, để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 (Yagi), đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ hơn các giải pháp, nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Đối với tỉnh Lào Cai, đề nghị Chính phủ xem xét bổ sung hỗ trợ một phần kinh phí khắc phục hậu quả bão lũ còn thiếu mà tỉnh Lào Cai chưa cân đối được (4.000 tỷ đồng) từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương, quỹ cứu trợ, quỹ vì người nghèo và các nguồn vốn khác. Tỉnh Lào Cai sẽ ưu tiên hỗ trợ theo các thứ tự sau: Bố trí kinh phí hỗ trợ Nhân dân làm nhà ở, khôi phục sản xuất nông nghiệp; bố trí cho ngành giáo dục và đào tạo để học sinh có thể đi học ổn định; hỗ trợ ổn định dân cư; y tế; khắc phục hạ tầng (cấp nước sinh hoạt, trường học, y tế, giao thông, thủy lợi...).
Đồng thời, đề nghị xem xét một số nội dung như cho phép tỉnh Lào Cai được sử dụng nguồn cải cách tiền lương từ 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện năm 2023 so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023 (714 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra. Xem xét giao cho 1 bộ chủ quản tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tỉnh Lào Cai và một số địa phương khác nghiên cứu, khảo sát thực hiện Đề án chỉnh trị sông Hồng đa mục tiêu nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng; phát triển du lịch…Đồng thời, sớm nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định, quy trình chia sẻ, vận hành thủy điện trên các sông liên tỉnh để các địa phương chủ động trong việc điều tiết nước, cắt lũ trên sông, tránh những trường hợp xảy ra như hồ Thác Bà vừa qua.
Thứ hai, cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển, khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của các vùng kinh tế, trong đó tập trung vào 5 nhóm ngành, lĩnh vực: Phát triển đầu tư hạ tầng, trong đó tập trung hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng; phát triển kinh tế cửa khẩu, hạ tầng biên giới; quản lý phát triển rừng, thủy điện, nguồn nước; xây dựng biên giới; an sinh xã hội.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ số 5 (trong đó có Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai) sáng 26/10.
Thứ ba, quan tâm triển khai các dự án kết cấu hạ tầng liên kết có tính chiến lược, lan tỏa không chỉ tác động đến sự phát triển của tỉnh Lào Cai mà còn có ý nghĩa đối với các vùng kinh tế: Đẩy nhanh tiến độ tuyến hầm đường bộ kết nối Lai Châu - Lào Cai; tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ để từ đó sớm hoàn thành đủ 4 làn xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn Lào Cai - Yên Bái để bảo đảm đồng bộ, tránh thắt nút. Phấn đấu khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Vĩnh Phúc - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối vùng với thị trường Tây Nam Trung Quốc với các cảng nước sâu của Việt Nam. Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa tại Lào Cai, đồng thời ủng hộ và có định hướng xây dựng Cảng Hàng không Sa Pa thành cảng hàng không quốc tế trước 2030. Hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh Lào Cai thực hiện đầu tư xây dựng Dự án tuyến đường kết nối Cảng Hàng không Sa Pa với Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai và các tỉnh trong vùng theo trục phát triển dọc sông Hồng.
Nghiên cứu sớm cho triển khai tuyến đường cao tốc Lào Cai - Lai Châu theo quy mô 4 làn xe, có điểm đầu tại nút giao cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào Cảng Hàng không Sa Pa, điểm cuối là cửa khẩu Ma Lù Thàng (Lai Châu): Hiện nay khu vực xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai có đường bộ cao tốc Lào Cai - Hà Nội đang dần hoàn thiện quy mô 4 - 6 làn xe, Cảng Hàng không Sa Pa đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Dự kiến quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng có xây dựng ga Cam Cọn (ga đường tránh). Vì vậy, cao tốc Lào Cai - Lai Châu có điểm đầu tại khu vực này sẽ tạo thành trung tâm kết nối đa dạng phương thức vận tải (hàng không, đường sắt, đường bộ) cùng với tuyến kết nối đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (IC16) đến Lai Châu, hầm đường bộ Hoàng Liên và các tuyến kết nối; tuyến đường thủy nội địa Yên Bái đến ngã ba Nậm Thi với các cảng hàng hóa tại Phố Lu, Bảo Hà trong tương lai sẽ tạo động lực rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh nói riêng và các tỉnh trong vùng Trung du - miền núi Bắc Bộ nói chung…
Đức Lân - Thanh Thúy
Nguồn Lào Cai : https://baolaocai.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-lao-cai-de-nghi-mot-so-van-de-khac-phuc-hau-qua-bao-so-3-post392469.html