Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An tham gia góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
Tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An cho rằng quy định giá thị trường của phần vốn góp hoặc cổ phần tại điểm b khoản 1 Điều 1 là cần thiết nhằm tạo sự linh hoạt trong xác định giá, phù hợp với thực tiễn và thông lệ thị trường. Hỗ trợ chống chuyển giá và gian lận, kê khai không trung thực trong giao dịch chuyển nhượng.
Tuy nhiên, dự luật cần quy định cụ thể hơn về thứ tự ưu tiên giữa các phương pháp xác định giá (giá thỏa thuận và giá thẩm định). Đồng thời giải thích cụ thể và rõ ràng hơn cụm từ “Giá giao dịch bình quân trong vòng 30 ngày”, 30 ngày là theo lịch hay kể từ bắt đầu phiên giao dịch. Nếu thị trường biến động mạnh thì có là yếu tố để xem xét trong đánh giá theo giá thực tế.
Về kê khai khống vốn điều lệ tại điểm d khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật: Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị bổ sung khung thời gian để xác định doanh nghiệp không góp đủ số vốn đã cam kết và không đăng ký thay đổi vốn điều lệ theo quy định; cũng như bổ sung quy định góp vốn bằng tài sản nhưng không bàn giao hoặc định giá không đúng quy định.
Về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp, đại biểu đề nghị bổ sung quy định của các cơ quan Thuế, Bảo hiểm xã hội được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải thể đối với các doanh nghiệp bị nợ thuế, nợ bảo hiểm kéo dài, cố tình trốn tránh không làm các thủ tục để giải thể hoặc phá sản theo quy định.
Đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
Ngoài ra, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị Ban Soạn thảo xem xét bổ sung thêm các quy định liên quan đến doanh nghiệp công nghệ số, mô hình kinh doanh số xuyên biên giới. Quy định rõ về quyền tiếp cận thông tin của cổ đông nhỏ và danh mục tài liệu doanh nghiệp bắt buộc phải công khai, cũng như thời hạn và cách thức cung cấp và các quy định về doanh nghiệp số (bao gồm trụ sở ảo, vốn phi vật chất và nền tảng trung gian); doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời bổ sung quy định về cơ chế gọi vốn, phân chia cổ phần theo vòng đầu tư, cổ phần cho người lao động (ESOP) và các ưu đãi tiếp cận đầu tư mạo hiểm.
Đối với trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thu thập, cập nhật, lưu giữ thông tin về chủ sở hửu hưởng lợi của doanh nghiệp; phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu để xác định chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, đại biểu Trần Quốc Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu và đánh giá rõ tác động, phạm vi thu thập, cập nhật thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp.
Bởi vì, trong thực tế đại đa số các cá nhân, doanh nhân người Việt Nam, người nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của từ 2 doanh nghiệp đến hàng chục và thậm chí hàng trăm doanh nghiệp khác nhau,... Từ đó nguồn hưởng lợi, thông tin người hưởng lợi rất đa dạng, khó thu thập.
Đồng thời, việc bảo vệ thông tin cá nhân được quy định tại điều 38, Bộ luật dân sự 2015; điều 17, Luật an toàn thông tin mạng 2015; Nghị định 13/2013/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn trong công tác thu thập, cập nhật thông tin. Do đó, trong dự thảo luật cũng cần quy định thêm cơ chế để các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thu thập, cập nhật và quản lý thông tin của người hưởng lợi từ doanh nghiệp một cách chính xác, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.
Về việc sửa đổi bổ sung một số điểm của khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17, đại biểu Quân cho rằng dự thảo Luật chỉ quy định loại trừ mở rộng những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết số 193/2025/QH15: Điều 3. Thành lập, điều hành doanh nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Trong khi đó, dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lại quy định quyền của cá nhân hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Viên chức tham gia góp vốn, làm việc, quản lý, điều hành tại doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu lại mở rộng đối tượng viên chức và viên chức quản lý hoạt động trong tổ chức khoa học công nghệ công lập thì được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Quy định như dự thảo luật chưa tạo sự thống nhất về đối tượng được loại trừ tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp trong thực tế.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An tham gia góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Tham gia đóng góp dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Long An đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu có quy định cụ thể các chỉ tiêu về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả những chỉ tiêu bắt buộc nào của từng cấp độ, cấp độ của quốc gia bao gồm chỉ tiêu nào.
Tương tự cấp tỉnh có những chỉ tiêu nào, thì cấp vùng cũng như thế, để thuận tiện cho các cấp đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm cũng như hàng năm.
Nghiên cứu, ban hành hướng dẫn thống nhất từ Trung ương về các chỉ số kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng cho từng ngành, lĩnh vực. Trường hợp chỉ tiêu chưa được quy định trong Luật Thống kê, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị dự thảo Luật phải có điều khoản sửa đổi, bổ sung Luật Thống kê để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật.
Đối với quy định tại khoản 15 dự thảo luật về dán nhãn năng lượng đối với phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng và vật liệu xây dựng, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, làm rõ việc phân loại và hướng dẫn thực hiện điều kiện dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và vật liệu xây dựng cần dán nhãn, nhằm thống nhất trong quá trình luật được triển khai trong thực tiễn.
Cần đánh giá tính khả thi, tiêu chuẩn nào để dán nhãn? (quốc gia hay quốc tế). Việc mở rộng dán nhãn cho cả “vật liệu xây dựng” sẽ đòi hỏi nhiều cơ chế đánh giá, thử nghiệm và kiểm định, trong khi hiện tại hệ thống dán nhãn chủ yếu áp dụng với sản phẩm gia dụng và thiết bị điện. Nếu triển khai diện rộng mà không có lộ trình hợp lý hoặc hỗ trợ kỹ thuật, doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu có thể gặp khó khăn khi đáp ứng các yêu cầu dán nhãn.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Ban Soạn thảo cần rà soát, xem xét bổ sung, hoàn thiện quy định về biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng trên cơ sở quy định về phân phối điện, sử dụng điện và các nội dung liên quan phù hợp với Luật Điện lực hiện hành.
Đồng thời, rà soát về chức năng, thẩm quyền, phân cấp của các cấp, các cơ quan trong tổ chức thực hiện sau khi sắp xếp, tổ chức bộ máy khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các quy định khác được trình thông qua tại Kỳ họp 9, có hiệu lực thi hành, phù hợp với định hướng cam kết phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Chính phủ./.
Kiến Quốc