Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên
một giờ trướcBài gốc
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia phiên họp.
Đối với dự thảo Luật TPNCTN, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật rất rõ các ý kiến của đại biểu tham gia, trong đó nhiều ý kiến của Đoàn ĐBQH tỉnh đã được tiếp thu.
Để hoàn thiện dự thảo luật trước khi Quốc hội thông qua, đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị bổ sung một số nội dung về giải thích từ ngữ; một số quy định đối với NCTN; quy định biện pháp giáo dục; hiệu lực thi hành.
Về giải thích từ ngữ, ý kiến đề nghị bổ sung giải thích cụm từ “người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án”. Theo đồng chí, cụm từ “người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án” được sử dụng nhiều lần tại các Điều 38, 42, 43... nhưng chưa giải thích rõ thế nào là “có vai trò không đáng kể trong vụ án”. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, giải thích rõ cụm từ này nhằm bảo đảm tính nghiêm minh, khách quan, công bằng trong áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng.
Đồng chí Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Minh Tâm thảo luận về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Một số quy định đối với NCTN là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án, tại khoản 3, Điều 38 của dự thảo luật quy định NCTN là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án là một trong các trường hợp được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng. Tuy nhiên, tại dự thảo luật chỉ có: Điều 41 quy định về khiển trách, Điều 42 quy định xin lỗi bị hại và Điều 52 quy định giáo dục tại trường giáo dưỡng đối với trường hợp có tính chất đặc biệt, có quy định biện pháp xử lý chuyển hướng đối với đối tượng này còn các biện pháp xử lý chuyển hướng khác từ Điều 43-51 không quy định.
Vì vậy đồng chí đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định áp dụng một số biện pháp xử lý chuyển hướng khác đối với NCTN là người đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án, như: Bồi thường một phần thiệt hại đối với người bị hại để bảo đảm tính răn đe; hạn chế khung giờ đi lại để ngăn ngừa; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng để giáo dục đạo đức, lối sống và tham gia điều trị hoặc tư vấn tâm lý (nếu có dấu hiệu sang chấn tâm lý)…
Về quy định biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng tại Điều 44 và Điều 52, đồng chí Nguyễn Minh Tâm cho rằng, hiện nay, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng là các biện pháp xử lý hành chính được quy định tại các điều 89, 90, 91 và 92 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, đối tượng áp dụng rất rộng, bao gồm cả đối tượng được quy định tại Điều 44 và Điều 52 của dự thảo luật này. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo rà soát, so sánh kỹ lưỡng các điều khoản quy định về việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng để có quy định phù hợp, thống nhất, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn, dẫn tới khó áp dụng và hạn chế tính khả thi của luật sau khi ban hành.
Về hiệu lực thi hành, tại Điều 174, đồng chí Nguyễn Minh Tâm cơ bản nhất trí với quy định về thời điểm có hiệu lực tại dự thảo luật. Đặc biệt, ý kiến đồng tình cao với việc dự thảo luật quy định các chính sách hình sự có lợi hơn cho NCTN có hiệu lực ngay từ ngày luật được công bố. Với việc quy định này thể hiện tính nhân văn của chính sách pháp luật dành cho NCTN phạm tội.
Tuy nhiên bên cạnh đó, đồng chí Nguyễn Minh Tâm bày tỏ sự băn khoăn với việc dự thảo luật quy định luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Như vậy, nếu được Quốc hội biểu quyết thông qua tại kỳ họp thứ 8 thì phải hơn 1 năm sau mới có hiệu lực thi hành, trừ một số trường hợp được quy định riêng tại khoản 1, khoản 2, Điều 174.
Đồng chí Nguyễn Minh Tâm đề nghị UBTVQH và Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc về hiệu lực thi hành luật như trên liệu có kéo dài so với thời điểm thông qua không? Theo đồng chí, các nội dung quy định tại dự thảo hiện cũng đang thực hiện tại các luật hiện hành liên quan. Do đó, ý kiến đề nghị Quốc hội cân nhắc, nếu thấy không có nhiều vấn đề vướng mắc thì có thể rút ngắn thời gian luật có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2025 và sửa đổi một số quy định về điều khoản quy định chuyển tiếp tại Điều 175 cho phù hợp.
Ngọc Mai
Nguồn Quảng Bình : https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202410/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-ve-du-thao-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-2221822/