Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tham gia góp ý vào các dự án luật

Đoàn ĐBQH Thanh Hóa tham gia góp ý vào các dự án luật
4 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu thảo luận tại tổ.
Theo đó, các ĐBQH đã tham gia thảo luận vào dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân; việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân, các ĐBQH cho rằng việc sửa luật bảo đảm đáp ứng yêu cầu chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về bầu cử sớm, rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Nội dung bám sát các nội dung sửa đổi Hiến pháp có liên quan đến dự án luật; hoàn thiện các quy định về bầu cử trong bối cảnh triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp; điều chỉnh giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử song phải bảo đảm chặt chẽ, công khai, dân chủ, khả thi.
ĐBQH Mai Văn Hải tham gia góp ý tại tổ.
Tham gia góp ý, ĐBQH Mai Văn Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị cần xem xét quy định về hướng dẫn trường hợp cho chuyển khỏi đơn vị hành chính hồ sơ ứng cử sang đơn vị hành chính khác; nên nghiên cứu có cần thiết hay không quy định đối với việc đại diện của các Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tham gia Ủy ban bầu cử...
ĐBQH Lê Thanh Hoàn tham gia góp ý tại tổ.
ĐBQH Lê Thanh Hoàn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, luật hiện hành giao cho UBND cấp huyện phê chuẩn khu vực trọng yếu, tới đây cấp huyện không còn nữa thì giao cho UBND cấp xã là hợp lý. Tuy nhiên, theo quy định của luật hiện hành thì việc xác định khu vực trọng yếu này không có quy định thời hạn, điều khoản nào để xác định. Do đó, cần phải xác định rõ để khi UBND cấp xã xác định được khu vực bỏ phiếu thì cần phải có báo cáo UBND cấp tỉnh, trên cơ sở đó UBND tỉnh theo dõi, rà soát, kiểm tra, trong trường hợp cần thiết UBND tỉnh có thể điều chỉnh khu vực bỏ phiếu...
Tham gia góp ý về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi dự án luật. Đồng thời cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm thể chế hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư của cá nhân, sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, quyền bảo vệ bí mật cá nhân, trong đó có thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.
Dự thảo luật cũng nhằm cụ thể hóa các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư, an ninh mạng, công nghệ thông tin, Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, trực tiếp là Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược An ninh mạng quốc gia, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Luật Dữ liệu 2024, Luật An ninh mạng 2018, Luật An toàn thông tin mạng 2015.
ĐBQH Vũ Xuân Hùng tham gia góp ý tại tổ.
ĐBQH Vũ Xuân Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội (Đoàn ĐBQH Thanh Hóa) đề nghị cần xem xét về các nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân; quy định về xử lý vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân; thông báo vi phạm quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân...
ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị cần xem xét lại quy định xử phạt ở mức 1% đến 5% doanh thu của năm liền kề của tổ chức, doanh nghiệp có vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; cần nghiên cứu bổ sung quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân vi phạm quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân; cần phải quy định rõ về quyền của chủ thể dữ liệu...
Tham gia góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, các ĐBQH cơ bản thống nhất với việc sửa đổi các dự án luật. Đồng thời cho rằng, việc sửa đổi các dự án luật nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về đổi mới, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện thể chế đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Quốc Hương
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/doan-dbqh-thanh-hoa-tham-gia-gop-y-vao-cac-du-an-luat-248491.htm