Xóa bỏ tư duy "không quản được thì cấm"
Tại hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66 và Nghị quyết 68 ngày 18/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) còn nhiều khó khăn do nguyên nhân chủ quan và khách quan. Từ nhận thức tới định hướng, tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước, vấn đề tổng kết, tôn vinh KTTN… tuy đã có rất nhiều cố gắng nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, sự phát triển của khu vực kinh tế này.
Từ thực tiễn phát triển KTTN Việt Nam những năm qua và kinh nghiệm quốc tế, theo người đứng đầu Chính phủ, cần đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ KTTN phát triển. Có cơ chế, chính sách đột phá, xóa bỏ mọi rào cản, tư duy "không quản được thì cấm" để phát triển KTTN, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân.
Trong bối cảnh mới nhiều khó khăn, thách thức, những cũng có cơ hội mới, thời cơ mới cho phát triển đất nước, phải đổi mới tư duy, nhận thức, tầm nhìn; quyết liệt hành động mạnh mẽ hơn, khơi thông mọi động lực cho phát triển đất nước. Đặc biệt là sự cấp thiết phải xóa bỏ mọi định kiến, phát huy vai trò, tạo sự đột phá phát triển KTTN để thúc đẩy mạnh mẽ sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước trong tình hình mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát kinh tế tư nhân. (Ảnh: VPG)
Theo Thủ tướng, Nghị quyết 68 đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo mang tính đột phá về phát kinh tế tư nhân. Trong đó, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng xin - cho, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân, coi doanh nhân là những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế.
"Chỉ có như vậy, chúng ta mới thực sự bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các nguồn lực", Thủ tướng nhấn mạnh.
Doanh nghiệp lo khâu thực thi
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco bày tỏ, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định KTTN là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
"Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế. Xóa bỏ triệt để nhận thức , quan điểm, thái độ về kinh tế tư nhân. Chúng tôi khẳng định đây là một cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất", ông Tiền nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Tập đoàn Geleximco, báo cáo của Thủ tướng đã nói lên tất cả những vấn đề vướng mắc về cơ chế, chính sách cũng như thể hóa về các vấn đề mà doanh nghiệp kì vọng.
"Nghị quyết 68, tôi cảm nhận như nắng hạn gặp cơn mưa rào mà bao năm nay doanh nghiệp tư nhân rất bức xúc, rất khó chịu, rất muốn cống hiến mà không thể làm được, nhiều lúc bị bó tay bó chân. Giờ đây đã được Tổng Bí thư, Thủ tướng và Bộ chính trị "giải phóng" cho chúng tôi", ông Tiền vui mừng nói.
Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Tập đoàn Geleximco. (Ảnh: VPG)
Dù cho rằng chủ trương đã quá tốt nhưng ông Tiền nêu băn khoăn về hoạt động thực thi, triển khai trong thực tế. Ông kiến nghị Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chính phủ giao một cơ quan độc lập để giám sát, đánh giá việc thực thi, tiếp nhận ý kiến phản ánh của doanh nghiệp; đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chỉ số chấp hành thực thi và hiệu quả các bộ, ngành, địa phương.
Phản hồi ý kiến này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kinh tế tư nhân đã được "cởi trói", điều DN băn khoăn là công tác triển khai thực hiện. Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 68, trong đó phân công, giao việc rõ cho các bộ ngành. Thủ tướng mong các cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng quyết tâm "đã hứa phải làm, đã cam kết phải thực hiện và làm phải ra sản phẩm cân đo đong đếm được, lượng hóa được".
Nêu khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Vương Quốc Toàn - Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Lan Hưng cho biết, hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là hộ sản xuất, không có đất để sản xuất, kinh doanh. Bởi tất cả khu công nghiệp phải từ 1ha trở lên mới cho thuê và số tiền thuê lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ nguồn lực.
Chia sẻ băn khoăn của doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Nghị quyết 68 đã có mục riêng về hỗ trợ đất đai, vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính phủ sẽ ban hành nghị định để cụ thể hóa tiếp cận đất đai, Ngân hàng Nhà nước có thông tư hướng dẫn việc tiếp cận vốn.
Trong khi đó, ông Đặng Hồng Anh - Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ Việt Nam đặt câu hỏi cho Chính phủ về lộ trình số hóa quy trình trong hệ thống pháp luật nhằm giúp cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp tra cứu dễ dàng, xem được tiến độ giải quyết pháp lý để tiết kiệm thời gian và giảm thiểu chi phí.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết đã giao cho Bộ Tư pháp xây dựng cổng pháp lý số. Trên cơ sở cổng này, các doanh nghiệp, doanh nhân sẽ tiếp cận các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước thuận lợi hơn, giảm chi phí. Ngoài ra, đây là kênh phản ánh tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của doanh nghiệp. Qua đó, hoàn thiện thể chế trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 68, Nghị quyết 198 của Quốc hội, Nghị quyết 139 của Chính phủ.
Theo Thủ tướng Chính phủ, khu vực kinh tế tư nhân liên tục phát triển, khẳng định vị thế là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế.
Dù vậy, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế khiến khu vực tư nhân chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia.
Trong đó, một bộ phận doanh nghiệp tư nhân chưa nghiêm túc tuân thủ pháp luật, thiếu tầm nhìn chiến lược, đạo đức, văn hóa kinh doanh. Một số doanh nghiệp còn tham gia vào buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, trốn thuế, thao túng thị trường...
Về phía cơ quan quản lý, theo Thủ tướng, việc điều hành cũng còn bất cập, nhận thức về kinh tế tư nhân còn hạn chế, cơ chế và chính sách chưa kịp thời, hiệu quả.
Từ thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh phải bảo đảm kinh tế tư nhân được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần khác; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu..
Nguyệt Minh