Doanh nghiệp sẽ tham gia vào quá trình thực thi
Nụ cười rất tươi của ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco sau khi nhận được câu trả lời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương tổ chức sáng nay (18/5/2025), dường như khỏa lấp những trăn trở trước đó của ông và nhiều doanh nhân khác.
Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng nói, các nhiệm vụ đã được phân công, giao việc cụ thể, có đầu mối, có thời hạn trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân. Tinh thần của các cơ quan quản lý nhà nước là đã hứa là làm, đã làm phải ra sản phẩm...
“Các cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương sẽ tiếp thu ý kiến, sự lo lắng cùa doanh nghiệp để thực hiện tốt hơn”, Thủ tướng cam kết.
Trước đó, khi đáp lại lời đề nghị “đặt câu hỏi” của Thủ tướng Chính phủ, ông Tiền đã chia sẻ: “Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất. Đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá của Bộ Chính trị, xóa bỏ toàn bộ định kiến về kinh tế tư nhân, giải phóng toàn bộ nguồn lực cho sản xuất. Nhưng hiện tại, vấn đề là thực thi”.
Vì thực tế thời gian qua, như ông Tiền chia sẻ, nhiều việc doanh nghiệp muốn làm, muốn cống hiến, nhưng bị bó tay, bó chân không làm được, vì vậy, điều mong chờ lúc này là chất lượng thực thi, thể chế hóa Nghị quyết.
Ông kiến nghị VCCI - với vai trò là đại diện của cộng đồng doanh nghiệp được tham gia giám sát thực thi Nghị quyết 68 cũng như các cơ chế, chính sách thể chế hóa Nghị quyết. Đây cũng là đầu mối để các doanh nghiệp kiến nghị, có ý kiến trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Các nhóm doanh nghiệp bắt đầu hành động
Sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể về triển khai thực hiện Nghị quyết 68 gửi tới Chính phủ ngay sau Hội nghị. Ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam khẳng định. Các hoạt động lấy ý kiến doanh nghiệp đã được Hội thực hiện ngay khi Nghị quyết được ban hành và sẽ tiếp tục trong quá trình triển khai.
Doanh nhân Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Việc này có lẽ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp xây dựng Cổng pháp lý số để các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thuận lợi hơn, đồng thời doanh nhân, doanh nghiệp có thể đóng góp xây dựng, hoàn thiện thể chế, phản ánh những vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.
"Các doanh nghiệp, doanh nhân giảm thời gian, giảm chi phí, "đỡ phải đi hỏi, phải đến làm việc với các cơ quan" khi các công việc được xử lý qua Cổng pháp lý số này", Thủ tướng Chính phủ phản hồi câu hỏi của Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về lộ trình số hóa dữ liệu của Chính phủ.
Đây cũng là điều mà nhiều hiệp hội doanh nghiệp đang trông đợi. Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC trong cuộc trao đổi với một số doanh nghiệp của President Club vào chiều tối hôm qua, ngày 17/8, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, đã đề nghị các doanh nghiệp tiến hành ngay lập tức các quy định, thủ tục đang gây khó khăn, là rào cản của doanh nghiệp, để tập hợp và có kiến nghị, giải pháp cụ thể.
“Đây là việc cần làm ngay và với trách nhiệm cao nhất vào lúc này”, ông Chính chia sẻ với các doanh nhân.
Với các doanh nghiệp, việc cần nhất, có thể giải quyết được nhiều nhất khó khăn cho doanh nghiệp là gỡ rào cản thể chế, thực hiện ngay giải pháp cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn, thời gian còn lại của năm không nhiều, nhưng cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt. "Nhưng sự tham gia của doanh nghiệp rất quan trọng”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Tâm thế “người thực thi” tiên phong
Cuộc đối thoại bất ngờ và đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết 68 khiến ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái vô cùng phấn khởi.
Doanh nhân Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái (giữa ảnh) tham gia Hội nghị.
"Một không khí rất đặc biệt và tôi xác định tâm thế là người thực thi, là người tiên phong thực thi Nghị quyết 68", ông Đoàn chia sẻ sau khi kết thúc Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW.
Sự đặc biệt, theo ông Đoàn, bởi sự xuất hiện của 21 gian hàng, đại diện cho cộng đồng hơn 940.000 doanh nghiệp, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh đã hiện diện ngay trong tầng 1 của Nhà Quốc hội. Đặc biệt bởi rất nhiều doanh nhân cũng đã được mời, được ngồi cùng hàng triệu đảng viên trên cả nước lắng nghe các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội truyền đạt tư duy, quan điểm mới nhất trong phát triển kinh tế tư nhân.
"Có lẽ đây chính là minh chứng sinh động nhất cho sự phát triển, cho vai trò khu vực kinh tế tư nhân cũng như vai trò, vị trí của khu vực này trong nền kinh tế, nhưng cũng đặt doanh nghiệp Việt Nam vào trách nhiệm lớn lao hơn", ông Đoàn nói.
4 ngày trước, Tập đoàn Phú Thái đã công bố “Chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2033. Khi đó, ông đã gọi đây là chiến lược “để thực thi Nghị quyết 68 của Phú Thái”.
"Chúng tôi không chỉ xây dựng 1 tập đoàn vững mạnh, mà còn khát khao trở thành nguồn cảm hứng cho cộng đồng doanh nhân Việt. Chúng tôi cam kết là hình mẫu tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên hành trình phát triển, như yêu cầu của Nghị quyết 68 và của Thủ tướng Chính phủ khi trình bày tại Hội nghị quán triệt”, ông Đoàn trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn.
Trước đó, tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tới các nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mục tiêu rõ ràng là để doanh nghiệp nhỏ sẽ lớn thành doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp vừa thành doanh nghiệp lớn, để các hộ kinh doanh sẵn sàng thành doanh nghiệp…
“Đây là việc Nhà nước phải làm, phải có chính sách hỗ trợ, khuyến khích, vì nếu để doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh tự thân vận động, cũng sẽ lớn, nhưng sẽ mất nhiều thời gian, nguồn lực”, Thủ tướng Chính phủ nói.
Thực tế, gần 98% doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, trong đó có tới 70% có quy mô siêu nhỏ nên sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế. Đặc biệt, năng suất lao động còn thấp, nên tỷ lệ ham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thấp.
Trong các nguyên nhân, ngoài những khó khăn do tiếp cận các nguồn lực, nhất là về tài chính, tín dụng, đất đai, nguồn nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng cho rằng, việc kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khu vực khác còn thấp.
Nhắc lại quan điểm của Thủ tướng rằng, “Nhà nước sẽ có chính sách chỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng đây cũng là nhiệm vụ của các doanh nghiệp lớn", ông Đoàn tiết lộ về chương trình đồng hành cùng với doanh nghiệp nhỏ và vừa mà Tập đoàn đang xây dựng, trong đó tạo nên hệ sinh thái khởi nghiệp, đào tạo, hỗ trợ nguồn lực, nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
“Các kế hoạch được xây dựng dựa trên những nghiên cứu mô hình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia phát triển hệ sinh thái này”, ông Đoàn nói.
Khánh Linh