Hầu hết đều quan ngại việc áp thuế cao của Mỹ sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, việc làm cũng như tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, hàng dệt may Việt Nam vào Mỹ đang chịu thuế 16%. Ảnh: T.L
Lo lắng và hy vọng kết quả tốt từ đàm phán
Nhận thông tin Mỹ sẽ áp đến 46% với nhiều hàng hóa nhập khẩu Việt Nam, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM (Agtek), cho biết hầu hết các hội viên của hội đều thể hiện sự lo âu. Hiện nay, hàng hóa dệt may Việt Nam đưa vào Mỹ chịu mức thuế 16%, nếu bị áp thêm 46% nữa thì không thể cạnh tranh.
“Tình hình rất căng thẳng và khó khăn với doanh nghiệp dệt may Việt Nam nếu Mỹ áp thuế nhập khẩu cao như họ công bố”, ông nói.
Dù vậy, trong cuộc họp sáng nay, các hội viên của Agtek hy vọng, với mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước cùng với việc đàm phán từ phía Chính phủ Việt Nam thì Mỹ sẽ không áp thuế cao như họ công bố. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa thị trường thay vì tập trung nhiều vào Mỹ.
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành dệt may Việt Nam, với kim ngạch đạt hơn 10 tỉ đô la Mỹ trong năm 2024, chiếm khoảng 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Tương tự, nhiều doanh nhân trong ngành gỗ cũng tỏ ra hoang mang trước thông tin thuế nhập khẩu mới từ Mỹ, thị trường năm ngoái chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam, đạt gần 9 tỉ đô la.
Trước đó, họ đã hy vọng rằng việc Chính phủ Việt Nam giảm thuế nhập khẩu cho một số mặt hàng gỗ từ mức 20 - 25% xuống 0% sẽ giúp cân bằng với mức thuế mà Mỹ áp dụng cho hàng hóa Việt Nam nhưng tình hình lại không đi theo hướng được mong đợi.
Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Công ty TNHH Minh Phát 2, đơn vị có trên 90% sản phẩm gỗ xuất khẩu vào Mỹ, cho rằng mức thuế 46% nhập khẩu vào Mỹ là quá cao, rất khó cho đồ gỗ Việt Nam cạnh tranh với hàng hóa các nước khác vào Mỹ.
Lâu nay, mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ là 0% trong khi Trung Quốc lên tới 25% nên mới cạnh tranh được. "Sản phẩm đồ gỗ Việt Nam nếu bị áp thuế 25% là đã rất khó cạnh tranh với các sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc chứ đừng nói là áp đến 46%”, ông Hiệp nói và cho biết, công ty đang nhanh chóng làm việc với các đối tác nhập khẩu để thảo luận về thuế nhập khẩu mới.
Trước mắt, doanh nghiệp đề nghị nhà nhập khẩu nhanh chóng tăng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam trước khi thuế mới của Mỹ có hiệu lực vào ngày 9-4 tới. Mặt khác, công ty cũng nỗ lực tìm kiếm thị trường mới thay thế. Tuy nhiên, doanh nhân này dự báo, doanh thu xuất khẩu của công ty sẽ giảm từ 60-70% nếu Mỹ không thay đổi thuế nhập khẩu như đã công bố.
"Chúng tôi hy vọng Chính phủ đàm phán với phía Mỹ để thuế suất nhập khẩu đồ gỗ vào Mỹ trở lại bình thường như hiện nay", ông nói.
Nhiệp doanh nghiệp xuất khẩu gỗ hoang mang với mức thuế Mỹ công bố. Ảnh: LH
Sự hoang mang cũng tương tự với hầu hết các doanh nhân trong ngành da giày, thủy sản, trái cây... khi Mỹ công bố áp thuế 46% đối với hàng hóa của Việt Nam. Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam nói: Thông tin khiến hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản rất "bối rối".
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong 5 năm qua dao động từ 1,5 tỉ đến 2,1 tỉ đô la mỗi năm, trong đó, tôm và cá tra là chủ lực, vì vậy việc Mỹ áp mức thuế 46% sẽ tác động rất lớn đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng, sức cạnh tranh của hàng Việt với các nước sẽ giảm khi bị áp thuế đối ứng, đối tác Mỹ có thể mua từ Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc hoặc các nước khác với giá tốt hơn.
Trong thời gian này, các công ty có thể sẽ phải tìm cách tối ưu hóa sản xuất, thương lượng lại hợp đồng với nhà cung cấp hoặc thậm chí đẩy chi phí lên người tiêu dùng.
Cú sốc lớn đi kèm động lực chuyển đổi
Với áp thuế suất 46% như Mỹ tuyên bố, theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh, có khả năng người tiêu dùng Mỹ sẽ khó tìm thấy được nhiều hàng hóa của Việt Nam như hiện nay vì kém cạnh tranh so với hàng hóa các nước khác.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có thể tạm thời doanh nghiệp bị sốc nên chưa biết phải ứng phó thế nào khi Mỹ áp mức thuế cao đến "không thể tưởng tượng" cho Việt Nam.
Tuy nhiên, trước bối cảnh mới, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cần phải nhanh chóng tìm kiếm các thị trường mới như Trung Đông, Nam Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á để thay thế thị trường Mỹ. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng do quy mô thị trường nhỏ hơn và khó khăn trong việc làm ăn với các đối tác mới.
Song song đó, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi sản xuất, điều chỉnh mẫu mã sản phẩm và kết nối với các chuỗi giá trị khác để cùng nhau tìm kiếm thị trường. "Các cơ quan nhà nước vẫn tiếp tục đàm phán với phía Mỹ để tìm giải pháp thích hợp", ông nói.
TS. Huỳnh Thanh Điền, trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng thể hiện sự bất ngờ với việc Mỹ tuyên bố áp thuế cao và sâu rộng với nhiều hàng hóa từ Việt Nam. “Phải nói là quá bất ngờ. Không thể nghĩ đến việc Mỹ sẽ áp đến 46% thuế đối với khoảng 90% hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Điền nói.
Ngành may mặc cũng dự báo bị ảnh hưởng nặng nề nếu Mỹ áp thuế 46%. Ảnh: TL
Theo ông, trước mắt các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam vẫn tiếp tục còn những doanh nghiệp FDI có ý định đầu tư sẽ hoãn lại để quan sát tình hình.
Cũng bất ngờ với thông tin về mức thuế mới nhưng PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng sau đàm phán, có khả năng thuế thực tế của Mỹ với hàng hóa Việt Nam sẽ thấp hơn so với mức công bố. “Tôi nghĩ họ sẽ giảm xuống còn một nửa, khoảng 20 -25%”, ông Huân nói.
Tuy nhiên, nếu bị áp mức này thì Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các quốc gia bị áp thuế cao, kim ngạch xuất khẩu chắc chắn sẽ chịu tác động nặng nề.
Đặc biệt, các mặt hàng chủ lực như dệt may, giày dép, điện tử hay đồ gỗ… bị ảnh hưởng nặng nề do bị giảm sức cạnh tranh. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, điều này sẽ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu, dẫn đến giảm quy mô sản xuất và gia tăng thất nghiệp.
Việc chính quyền Trump áp thuế 46% đối với Việt Nam là một cú sốc lớn đối với các doanh nghiệp phụ thuộc vào chuỗi cung ứng tại đây. Dù các công ty có thể tìm cách thích nghi nhưng chắc chắn rằng giá cả hàng hóa, từ quần áo, giày dép đến đồ nội thất, đồ điện tử, và đồ chơi sẽ bị ảnh hưởng.
Dù đang tìm cách xoay chuyển như mở rộng thị trường xuất khẩu và nội địa, cải thiện năng lực sản xuất, thương lượng với đối tác nhập khẩu ở Mỹ... nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn mong muốn nhà điều hành sẽ đàm phán với phía Mỹ để "hai bên hiểu nhau và có mức thuế phù hợp hơn".
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở nhiều ngành hàng. Theo số liệu từ Cục Hải Quan, năm 2024 Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỉ đô la.
Lê Hoàng