Sáng ngày 3/4 theo giờ Việt Nam, Mỹ đã công bố mức thuế nhập khẩu đối ứng với hàng chục nền kinh tế. Trong đó Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%, Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Mức thuế được áp lên Việt Nam gây bất ngờ cho rất nhiều bên và có khả năng tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, thuế suất mà phía Mỹ công bố có thể là mức tối đa dự kiến áp dụng, còn cụ thể cho từng mặt hàng hay lộ trình áp dụng như nào thì chưa được rõ ràng.
Các mặt hàng như thép/nhôm, ô tô/phụ tùng và một số mặt hàng như đồng, dược phẩm, chất bán dẫn, đồ gỗ, kim loại thỏi, năng lượng và khoáng sản đặc thù chưa phải chịu thêm thuế đối ứng lần này. Trong khi đó, phần lớn kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đến từ đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may... Trước mắt, thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam. Sự suy giảm trong xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu dùng trong nước, vì các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng tới 30% lực lượng lao động. Thuế quan tăng cao cũng ảnh hưởng tới sức thu hút vốn đầu tư FDI của Việt Nam trong tương lai.
Những ngành công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ lớn, và nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ doanh thu xuất khẩu phụ thuộc cao vào thị trường Mỹ sẽ dễ bị tổn thương nhất bao gồm đồ điện tử, thiết bị máy móc, dệt may, giày dép, đồ gỗ và thủy sản. Tuy nhiên sức ảnh hưởng là khác nhau đối với mỗi ngành và mỗi doanh nghiệp trong ngành. Các công ty đa quốc gia sản xuất điện tử và thiết bị máy móc có khả năng chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác để giảm tác động thuế quan. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam ở các ngành như thủy sản, dệt may, đồ gỗ khó có khả năng chuyển hướng hoặc đa dạng hóa các thị trường tiêu thụ nhanh như vậy.
Sự sụt giảm trong hoạt động thương mại sẽ tác động gián tiếp tới các ngành nghề hỗ trợ xuất khẩu như Tài chính và Vận tải, cảng biển, trong khi hoạt động cho thuê đất của các doanh nghiệp Bất động sản Khu công nghiệp sẽ khó khăn hơn khi nguồn vốn đầu tư FDI có thể chững lại do các nhà đầu tư sẽ ở trong trạng thái “chờ đợi và xem xét”.
Bên cạnh một số lĩnh vực có khả năng chịu tác động bất lợi, một số ngành nghề có liên quan đến xuất khẩu khác được xem là ít bị ảnh hưởng hơn. Ngành hóa chất - phân bón là một ví dụ, do thị trường nội địa vẫn chiếm thị phần tương đối lớn trong cơ cấu sản lượng và Mỹ không phải thị trường xuất khẩu chiến lược của ngành. Hay như các doanh nghiệp thép không bị áp thuế đối ứng mới do đã chịu thuế theo Điều 232, do vậy, mức thuế chung của Mỹ với thép nhập khẩu vẫn có lợi cho Việt Nam.
Một số ngành cũng phụ thuộc lớn vào câu chuyện trong nước hơn là các tác động từ bên ngoài. Các doanh nghiệp trung nguồn và thượng nguồn dầu khí tăng trưởng từ các câu chuyện riêng, tuy nhiên biến động giá dầu có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với các doanh nghiệp hạ nguồn. Nhu cầu đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực tiêu dùng thiết yếu, dược phẩm, dịch vụ tiện ích cũng ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế khác.
Khi nền kinh tế chịu các cú sốc từ bên ngoài, nội lực bên trong cần được thúc đẩy mạnh mẽ để duy trì tính ổn định trong tăng trưởng. Xây dựng, đầu tư công sẽ là mũi nhọn trong năm 2025. Mức kỷ lục 36 tỷ USD đầu tư công sẽ được dùng làm bàn đạp để kích thích các cực tăng trưởng khác của nền kinh tế. Bên cạnh đó các chính sách lớn hỗ trợ tiêu dùng cũng có khả năng được triển khai nhằm hạn chế các tác động tiêu cực từ sụt giảm thương mại và đầu tư nước ngoài.
Mức thuế hiện tại có thể là mức trần để các bên đàm phán trước khi có hiệu lực, khả năng con số thực tế về sau có thể giảm xuống. Vì vậy để có thể đánh giá hết được tác động của thuế quan mới, vẫn cần phải chờ thêm thông báo chi tiết từ phía Mỹ. Trong nguy có cơ, đây cũng là cơ hội để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu cũng như thúc đẩy khai thác thị trường trong nước mạnh mẽ.
Phản ứng của thị trường chứng khoán trong phiên 3/4 là điều không tránh khỏi do cú sốc về thuế quan. Tuy nhiên, khi tâm lý nhà đầu tư ổn định trở lại, thị trường sẽ sớm trở lại cân bằng. Thanh khoản kỷ lục của phiên giao dịch 3/4 cho thấy, đã có dòng tiền không nhỏ vào bắt đáy do những nhà đầu tư này nhìn thấy đây là cơ hội lớn để họ tích lũy cổ phiếu tốt bị bán tống bán tháo, chuẩn bị cho nhịp phục hồi của thị trường sắp tới.
Đức Hoàng